Trên toàn thành phố Quy Nhơn (Bình Định), công tác giảm nghèo được quan tâm, chú trọng, kết quả rõ nét qua từng năm. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ nghèo đa chiều của thành phố còn 0,27% với 199 hộ nghèo và cận nghèo (53 hộ nghèo và 146 hộ cận nghèo). Thành phố đã xóa nghèo 12/21 phường, xã, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Năm 2024, thành phố đưa ra chỉ tiêu giữ vững 12 xã, phường không còn hộ nghèo và tiếp tục xóa nghèo ở 4 xã, phường: Nhơn Bình, Quang Trung, Trần Quang Diệu, Nhơn Hải. Ngoài ra, 2 xã, phường Nhơn Phú và Phước Mỹ đăng ký xóa nghèo trong năm nay.

Đến cuối năm 2024, nếu 6 xã, phường đã đăng ký xóa nghèo thành công, thành phố Quy Nhơn chỉ còn lại 3 xã, phường là Đống Đa, Bùi Thị Xuân, Nhơn Châu còn hộ nghèo. Năm 2025, thành phố dồn toàn lực cho các địa phương này, dự kiến sẽ giảm được 100% hộ nghèo.

Tổng số vốn thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2024 của thành phố là hơn 6 tỷ đồng, trong đó có hơn 5,2 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, số còn lại là tỉnh đối ứng.

Theo báo cáo của UBND thành phố Quy Nhơn, qua rà soát các đối tượng thuộc diện hỗ trợ chương trình như hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật không có sinh kế ổn định tại các phường, xã, trong 6 tháng đầu năm 2024, 114 hộ (9 hộ nghèo, 15 hộ cận nghèo, 12 hộ mới thoát nghèo, 64 người khuyết tật không có sinh kế ổn định; 14 người làm kinh tế giỏi) tham gia các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Dự án 2 và Tiểu Dự án 1 – Dự án 3.

Trong đó, thực hiện dự án 2 hiện có 8 dự án nhỏ, gồm 30 hộ tham gia 2 dự án chăn nuôi bò cái sinh sản tại thôn Mỹ Lợi và thôn Long Thành (xã Phước Mỹ); 9 hộ phường Bùi Thị Xuân, phường Nhơn Bình tham gia 2 dự án hỗ trợ máy móc, thiết bị đan nhựa giả mây; 11 hộ tham gia 2 dự án hỗ trợ máy móc may công nghiệp tại phường Đống Đa, xã Nhơn Lý; 9 hộ tham gia 2 dự án hỗ trợ trang thiết bị, máy móc bán nước giải khát tại phường Đống Đa, xã Nhơn Lý.

Với tiểu dự án 1 thuộc Dự án 3, thành phố bố trí hơn 1,8 tỷ đồng để thực hiện 7 dự án. Trong đó có 47 hộ tham gia 5 dự án chăn nuôi bò cái sinh sản tại thôn Thanh Long (xã Phước Mỹ), phường Bùi Thị Xuân, phường Trần Quang Diệu, phường Nhơn Bình, phường Nhơn Phú. 3 hộ ở xã Nhơn Hội tham gia dự án nuôi tôm quảng canh cải tiến; 1 hộ triển khai chăn nuôi gà thương phẩm tại xã Nhơn Lý.

Ngày 24/10, Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững thành phố Quy Nhơn tổ chức trao 56 con bò giống cho 28 hộ nghèo và hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật không có sinh kế ổn định tại thôn Thanh Long và thôn Mỹ Lợi, xã Phước Mỹ.

Mỗi hộ được nhận 2 con bò lai nhóm Zebu, từ 18 - 22 tháng tuổi, đạt tiêu chuẩn cân nặng từ 180 kg - 220 kg. Nguồn kinh phí của hoạt động này là gần 1,9 tỷ đồng thuộc dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững. Trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ trên 1,1 tỷ đồng, còn lại do các hộ gia đình đối ứng. 

Giải pháp hỗ trợ hộ nghèo thực chất, bền vững

Không chỉ giảm nghèo trên con số, thực tế, công tác giảm nghèo tại thành phố Quy Nhơn đi vào thực chất, bền vững. Thu nhập bình quân của hộ nghèo được cải thiện, các vấn đề cơ bản, bức xúc nhất đối với hộ nghèo như vốn sản xuất kinh doanh, nhà ở, khám chữa bệnh, học tập... đã được giải quyết kịp thời, cơ bản đáp ứng được yêu cầu.

Điều này tạo cơ hội và điều kiện cho hộ nghèo vươn lên phát triển kinh tế, tiếp cận tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần từng bước nâng cao điều kiện sống, tăng thu nhập của người dân.

W-giam ngheo.jpg
Hỗ trợ việc làm bền vững là hoạt động quan trọng trong Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.

Theo báo cáo, trong 5 tháng năm 2024, nguồn vốn tín dụng triển khai trên địa bàn thành phố đã hỗ trợ, tạo được việc làm cho 1.125 lao động, hỗ trợ cho 300 hộ gia đình có nước sạch sinh hoạt và cải thiện công trình vệ sinh; hỗ trợ cho 578 hộ gia đình có con đi học được vay vốn chương trình học sinh - sinh viên để trang trải chi phí học tập; 19 hộ vay mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở.

Ngoài ra, nhờ nguồn tín dụng ưu đãi cho người nghèo, 14 hộ cận nghèo, thoát nghèo có vốn sản xuất kinh doanh... vốn sản xuất kinh doanh tập trung đầu tư cho các ngành nghề chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, buôn bán dịch vụ nhỏ.

Theo đánh giá của thành phố, hầu hết các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, kinh doanh ổn định cuộc sống, trợ giúp người thất nghiệp, người thiếu việc làm tự tạo việc làm; người có thu nhập thấp, người lao động có nhà để ở,… bước đầu ổn định, có hiệu quả và góp phần an sinh xã hội phát triển kinh tế địa phương. 

Quan tâm đến chăm sóc y tế, trong 2 năm, thành phố đã thực hiện kịp thời cấp mới và gia hạn thẻ BHYT cho hộ nghèo, cấp 991 thẻ BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo trên địa bàn. Hơn 33.500 lượt người nghèo và cận nghèo được khám chữa bệnh. Chính sách này đã tác động có hiệu quả thiết thực đối với công tác chăm lo sức khỏe cho người nghèo và cận nghèo.