Mới đây anh N.N.N (36 tuổi, trú tại Phú Thọ) phải đi cấp cứu vì đau bụng liên tục, người mệt, sốt.
Khi anh vào viện, các bác sĩ chụp cắt lớp vi tính cho thấy hình ảnh viêm tụy cấp tính. Xét nghiệm máu cho kết quả mỡ máu tăng cao gấp 40 lần chỉ số ở người bình thường. Các bác sĩ phải tiến hành lọc máu, thay huyết tương. Phần máu lọc được trắng đục do mỡ tích tụ. Sau lọc máu, chỉ số mỡ máu triglycerid giảm từ 95 về 11,75 mmol/l.
Theo các bác sĩ, mỡ máu cao không chỉ gây viêm tụy cấp mà còn dẫn tới nhiều bệnh lý tại các cơ quan khác như nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, tắc động mạch, gan nhiễm mỡ...
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga, Bộ Quốc phòng, cho biết tỷ lệ người dân bị rối loạn lipid máu (hay còn gọi mỡ máu cao) ngày càng tăng. Đặc biệt, nhiều người mới 30 tuổi đã bị máu nhiễm mỡ.
Để xác định có bị mỡ máu tăng cao hay không, người dân chỉ cần thực hiện xét nghiệm máu tổng hợp với các chỉ số cholesterol toàn phần, triglyceride, HDL, LDC. Nếu kết quả vượt quá ngưỡng tham chiếu, bạn có nguy cơ bị mỡ máu tăng, bác sĩ sẽ chỉ định uống thuốc và đưa ra gợi ý thay đổi lối sống.
Bác sĩ Hoàng gợi ý các biện pháp giúp người mỡ máu cao giảm triệu chứng nhanh chóng và hiệu quả:
Thay đổi thói quen ăn uống
Đây được xem là “thuốc vàng” trong điều trị mỡ máu cao, cải thiện nồng độ cholesterol, chất béo trung tính và dự phòng nguy cơ bệnh. Bạn nên nhớ quy tắc "2 tăng, 1 giảm" trong ăn uống để hạ mỡ máu.
Thứ nhất, tăng chất xơ hòa tan
Bổ sung thêm chất xơ bằng cách tăng cường rau xanh, trái cây và các loại ngũ cốc nguyên hạt. Các thực phẩm tốt cho người mỡ máu cao như rau họ cải, ớt, rau diếp, cà rốt, củ cải, dưa leo, cần tây. Ngũ cốc nguyên hạt giàu chất xơ gồm lúa mạch, hạt quinoa, vừng, hạt bí ngô, hạnh nhân, óc chó, gạo lứt, đậu lăng, cháo bột yến mạch... Các loại hoa quả tốt như kiwi, cam, quýt, bưởi, táo, lê, nho, mận, quả bơ. Các thực phẩm khác như đậu phụ, lòng trắng trứng, thịt gà bỏ da, cá các loại.
Thứ hai, tăng chất béo lành mạnh: Ưu tiên hấp thụ omega-3 ở cá, hạt ngũ cốc. Những loại cá giàu omega-3 nên được bổ sung vào thực đơn như cá trích, cá mòi, cá hồi, cá ngừ, cá thu, cá bơn, hàu. Các loại hạt chia, óc chó, hạt lanh cũng tốt cho sức khỏe.
Thứ ba, giảm thịt đỏ, đồ ăn chế biến sẵn, đường, muối: Thịt đỏ chứa nhiều cholesterol xấu nên người bị mỡ máu cao được khuyến cáo ăn ít hơn, bổ sung thịt trắng thay thế, giúp giảm cholesterol LDL.
Các loại đồ ăn chế biến sẵn chứa nhiều chất béo không tốt, muối. Vì vậy, người bệnh nên chọn thực phẩm tự chế biến bằng luộc, hấp tốt hơn chiên rán, ủ muối. Không ăn da gia cầm, bơ, nội tạng động vật, mỡ động vật.
Theo khuyến nghị của các chuyên gia dinh dưỡng, mỗi ngày, bệnh nhân không tiêu thụ quá 5g muối, 25g đường.
Loại bỏ các chất kích thích như thuốc lá, rượu, bia, trà sữa, nước ngọt có ga, đường tinh luyện giúp thanh lọc mỡ máu tốt hơn.
Thể dục thể thao
Tập thể dục có thể tăng mỡ tốt HDL, từ đó kiểm soát được lượng mỡ xấu LDL. Từ đó, mỡ máu, mỡ nội tạng và mỡ dưới da đều giảm. Thể dục còn giúp tăng cường lưu thông máu đến các cơ quan trong cơ thể, cải thiện sức khỏe.
Tập thể dục thường xuyên có thể giúp bạn giảm tổng lượng cholesterol trong máu. Vì vậy, người bệnh mỡ máu cao nên chọn một môn thể dục. Bạn có thể chạy bộ, đi bộ nhanh, đạp xe, bơi lội, yoga, khiêu vũ. Mỗi buổi tập nên kéo dài từ 40-45 phút.
Bác sĩ Hoàng khẳng định thay đổi thói quen tập luyện và ăn uống khoa học từ 4 đến 12 tuần, chỉ số mỡ máu sẽ thay đổi bất ngờ.