- “Nữ quyền là quyền của mọi người phụ nữ được sống, được theo đuổi ước mơ mình lựa chọn, không bị gò bó bởi giới tính, cho dù đó là người phụ nữ chỉ muốn ở nhà chăm con” – CEO Đàm Bích Thủy chia sẻ trong bàn tròn về nữ quyền.

>> Phần 1: Ai đứng sau người phụ nữ thành đạt?

VietNamNet trân trọng giới thiệu phần 2 bàn tròn về nữ quyền thời hiện đại với chị Đàm Bích Thủy – Trưởng đại diện ngân hàng Quốc gia Australia, nhà văn Trang Hạ và Thảo Griffiths – Trưởng đại diện của Quỹ cựu chiến binh Mỹ tại VN (VVAF).


Nữ quyền không đánh đổi cho nữ tính

Nhà báo Việt Lâm: Lâu nay, quan niệm xã hội luôn đòi hỏi một người phụ nữ thành công phải là người vừa “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Có lẽ vì thế mà nhiều độc giả, trong đó có độc giả Nguyệt Hằng có hỏi: Các chị có bao giờ gặp khó khăn với những quy chụp chung chung là phụ nữ giỏi cái này cũng phải giỏi cái kia từ ý kiến đánh giá của người khác hay không?

Trang Hạ: Ông xã mình luôn nhắc đi nhắc lại một câu là anh đã bao giờ từ chối em cái gì chưa mỗi khi mình gọi điện báo: mai em đi Philippines nhé, ví dụ vậy. Mặc dù thực ra ý của mình là anh phải lo toàn bộ việc ở nhà của ba đứa trẻ đấy. Mình nghĩ rằng nhiều khi đang tồn tại một khoảng cách vô hình nào đó để người phụ nữ bộc lộ được bản thân khi mà họ vừa phải đảm đang việc nhà theo cái nhìn của mọi người, lại vừa phải đứng mũi chịu sào ngoài xã hội như kỳ vọng của xã hội. Đúng là nếu phụ nữ vừa giỏi việc nước, đảm việc nhà thì tuyệt vời quá. Nhưng thực tế chứng minh rất khó vẹn toàn nhất là khi người phụ nữ gánh hai ba con trên lưng.

Đàm Bích Thủy: Tôi thì nghĩ rằng khi mọi người nêu ra khái niệm nữ quyền, nhất là ở phương Tây thì khái niệm đó được đẩy đi rất xa. Và người ta nghĩ rằng, khi anh có nữ quyền anh sẽ trở thành đàn ông. Còn cá nhân mình tin rằng nếu phải đánh đổi nữ tính để lấy nữ quyền thì sự đánh đổi đó không xứng đáng. Có lẽ vì tôi thuộc thế hệ 6X nên từ bé đã được đào tạo để làm được rất nhiều thứ, từ nấu nướng cho đến may vá, thêu thùa, chữa xe đạp, sau đó đến đi học, đi làm.

Đương nhiên, để làm được tất cả mọi thứ như người ta hi vọng: là phụ nữ đến cơ quan xong về chạy ra chợ, rồi nấu cơm rửa bát, dạy con học thì có lẽ một ngày 24 tiếng không đủ để hoàn thành tất cả những công việc đó. Nhưng tôi luôn muốn là mình biết làm tất cả những việc này nếu cần. Ví dụ như nếu trong tuần có người giúp việc thì ít nhất thứ 7, chủ nhật nấu bữa cơm ngon cho cả gia đình. Trong tuần làm việc nếu về sớm, cơm có người nấu rồi thì mình rửa bát, hoặc lau nhà. Cái đó không phải là vì tôi làm công việc như thế này nên những việc nhà là dưới tầm của tôi. Cho nên tôi luôn tin rằng nữ quyền và nữ tính nên đi song song với nhau.

{keywords}
CEO Đàm Bích Thủy: Tôi muốn duy trì nữ quyền và nữ tính phải đi song song với nhau. Ảnh: Lê Anh Dũng

Việt Lâm: Một người phụ nữ như chị Thủy nói có lẽ trong mắt đàn ông sẽ rất lý tưởng đấy ạ. Nhưng tôi muốn phản biện một chút, từ góc nhìn của cá nhân và bạn bè, những phụ nữ 8X chẳng hạn, thì nhiều khi cảm thấy ấm ức lắm vì việc xã hội đã vất vả lắm rồi, mà về nhà chồng lúc nào cũng yêu cầu việc nhà phụ nữ phải lo hết. Nhân đây xin nhắc lại một cuộc tranh luận rất hot giữa nhà văn Trang Hạ và đạo diễn Lê Hoàng, trong đó Trang Hạ có kêu gọi: Hãy trả lại quyền rửa bát cho đàn ông đúng không ạ? Tôi rất muốn nghe hai người phụ nữ ở thế hệ trẻ hơn phân công công việc trong gia đình thế nào?

Thảo Griffiths: Nhân cuộc tranh luận này Thảo nhớ lại một cuộc trao đổi rất thú vị mới đây. Thảo được nhờ tổ chức một cuộc trao đổi giữa hơn 100 sinh viên và 15 vị nữ lãnh đạo của Harvard, nhân chuyến thăm của họ đến VN. Câu hỏi mà nhiều người quan tâm là: Quý vị là những phụ nữ rất thành đạt trong công việc, vậy thì làm thế nào để cân bằng giữa gia đình và công việc, đặc biệt là cách cư xử với chồng như thế nào? Một vị lãnh đạo đã trả lời là: “You have to train him and if he doesn’t change, you change him”. Nghĩa là bạn sẽ phải hướng dẫn, thay đổi hành vi một cách dần dần cho người chồng để anh ấy thay đổi nhận thức. Nếu mà mãi anh ấy không thay đổi thì bạn phải đổi anh ấy thôi. Nói thế không có nghĩa là cổ xúy cho việc ly hôn. Nhưng việc chúng ta thay đổi nhận thức của chính mình, rồi từ bàn đạp đó thay đổi nhận thức của người sống cùng mình vô cùng quan trọng.

Đối với cá nhân thì Thảo thấy những năm 20 tuổi của mình rất tệ hại, vì lúc đấy mình chưa ý thức được mình là ai. Nghĩa là mình luôn cố gắng gồng mình lên để đáp ứng yêu cầu, kỳ vọng của bản thân mình, của gia đình bạn bè xung quanh. Thế nhưng khi bước vào tuổi 30, mình cảm thấy tự tin hơn, bắt đầu ý thức được mình là ai, có thể làm gì và không giỏi cái gì. Vậy thì hãy chỉ tập trung vào những việc mình thật giỏi thôi. Với những việc mình chưa giỏi thì có thể tìm những cách khác để bù đắp. Khi đó thì mình cũng không bận tâm việc ai đó kỳ vọng Thảo phải giỏi cả A, B, C. Đấy là việc của họ.

Việt Lâm: Thế ông xã có chia sẻ việc nhà với chị không?

Thảo Griffiths: Có chứ. Mọi người cứ nói rằng Tây khác ta nhưng Thảo không nghĩ thế. Mặc dù mình không có kinh nghiệm trực tiếp để so sánh đàn ông Việt và đàn ông tây, nhưng mình nghĩ đã là đàn ông thì ai cũng có xu hướng mong muốn phụ nữ đảm trách việc gia đình. Thú thực là Thảo cũng phải trải qua một thời kỳ đấu tranh. Đến bây giờ chồng Thảo là người trông hai con là chính. Thời gian trước thì Thảo trông con nhiều hơn, vì có nhiều thời gian hơn. Cho nên, đấy là thỏa thuận giữa hai vợ chồng vào các thời điểm khác nhau thôi.

Việt Lâm: Trang Hạ là người có rất nhiều phát ngôn gây chú ý về nữ quyền thì chị nhìn nhận như thế nào?

Trang Hạ: Mình không phải là chuyên gia về nữ quyền mà chỉ tình cờ là những chuyện mình trải nghiệm, cái cách mình sống, những gì mình viết trùng với những quan điểm mạnh mẽ về nữ quyền. Chứ mình không hề có chủ đích là viết văn để chứng minh một lý tưởng nào đó.

Quay trở lại việc của cá nhân mình. Hồi 16 tuổi rưỡi, mình đã vào đại học. Những năm 90 ấy, chuyện trọng nam khinh nữ, bạo lực gia đình khá phổ biến. Hồi ấy mình rất sợ. Sợ phải lấy một ông chồng sau này đánh vợ, một gia đình nhà chồng sau này kỳ thị hay bắt nạt con dâu. Rất sợ làm vợ một người bắt mình phải đẻ con trai bằng mọi giá. Thế nên hồi đó, khi bắt đầu giao lưu, làm quen, hay trong những cuộc hẹn hò đầu tiên, bao giờ mình cũng giả vờ buột mồm kể rằng mẹ tớ đi xem bói bảo tớ sau này chỉ toàn đẻ con gái thôi. Những anh chàng nào con một, hay muốn đẻ con trai thì ngay từ lần kết nối đầu tiên, họ đã nghĩ trong đầu là sẽ không bao giờ phát tín hiệu với mình nữa. Giờ nhìn lại thì thấy lúc đó Trang Hạ hoàn toàn không có kỹ năng sống và hoàn toàn phản xạ bản năng để bảo vệ bản thân. Nói theo lý thuyết xử lý khủng hoảng bây giờ thì là chiến thuật rút củi đáy nồi, tức là phòng bị từ xa.

Đến khi gặp ông xã mình, ông ấy nói đùa là không sao, anh làm thợ in, xưởng anh toàn người đẻ con gái. Có lẽ đó là tín hiệu khiến bọn mình ở với nhau được 16 năm và có với nhau 3 mặt con.

Điều Trang Hạ muốn nói là trong cuộc sống có nhiều kỳ vọng chất lên vai người phụ nữ và nếu bạn không có những kỹ năng để tự bảo vệ thì cũng cố gắng đừng để cho người khác làm tổn thương bạn, hay bạn dùng cái tôi của mình để tổn thương người khác.

Nữ quyền là được sống tự tại, không gò bó bởi giới tính

Việt Lâm: Chúng ta đã có những trao đổi thú vị từ những góc nhìn rất cá nhân về nữ quyền. Vậy chốt lại, nữ quyền theo các chị nhìn nhận là gì? Khi tôi search từ nữ quyền thì cho ra rất nhiều định nghĩa khác nhau.

Trang Hạ: Nữ quyền không có nghĩa là cào bằng, cái gì đàn ông làm thì mình cũng làm, mình làm thì cũng bắt đàn ông làm theo, mình rửa bát thì chồng quét nhà. Mà nữ quyền chỉ là mình sống một cách thoải mái tự tại, không bị gò bò bởi giới tính.

Thảo Griffiths: Nữ quyền là sự bình đẳng về quyền giữa nam và nữ. Nếu chúng ta áp dụng định nghĩa này thì có lẽ bất cứ những người nào có tư tưởng tiến bộ đều đồng ý với định nghĩa đó. Bởi vì đơn giản chúng ta sinh ra mọi người đều bình đẳng điều đó có trong hiến pháp cơ mà.

Việt Lâm: Bình đẳng về cơ hội đúng không?

Thảo Griffiths: Vâng, Hiến pháp của VN và tất cả các nước khác đều nói như thế. Rõ ràng chúng ta là một xã hội ủng hộ cho nữ quyền chứ. Ai đó nói rằng chúng tôi không ủng hộ nữ quyền thì Thảo nghĩ không phải người ta không ủng hộ nữ quyền đâu mà người ta chưa hiểu định nghĩa nữ quyền là gì.

Đàm Bích Thủy: Mình đồng ý với Trang Hạ. Nữ quyền là tất cả những người phụ nữ được quyền sống và theo đuổi những ước mơ mà họ lựa chọn. Có những người lựa chọn là tôi chỉ muốn ở nhà, trông con. Như thế không có nghĩa là chị ấy mất nữ quyền rồi, phải đi ra ngoài mà làm việc đi. Cho nên, tôi hiểu nữ quyền ở khía cạnh người phụ nữ được sống đúng, sống thật với mong muốn của mình, không bị kỳ thị về giới tính của xã hội ảnh hưởng quá đến sự lựa chọn đấy. Chỉ vậy thôi.

Thảo Griffiths: Tôi muốn bổ sung thêm, rằng nữ quyền hoàn toàn không phải là chống lại đàn ông. Điều này rất quan trọng, vì nhiều bạn nam nghĩ rằng những người cổ xúy nữ quyền là những phụ nữ không xinh đẹp, không nữ tính và lúc nào cũng chăm chăm nói xấu đàn ông. Hoàn toàn không phải vậy.

>> Xem tiếp video

Phụ nữ thành đạt = Ế chồng

Việt Lâm: Đành rằng thể chế có những quy định tiến bộ về nữ quyền như thế. Và người phụ nữ có quyền theo đuổi ước mơ của mình. Nhưng nhiều khi, cái giá phải trả cho việc theo đuổi ước mơ cũng không hề nhỏ chút nào. Nhân đây, có một độc giả nam hỏi các chị là phụ nữ thành đạt và nhiều quyền lực có sợ bị ế chồng không?

Trang Hạ: Tôi có một cô bạn là phó tổng giám đốc 1 công ty, với khoảng 1000 anh kỹ sư IT. Cô ấy giỏi giang, tu nghiệp ở nước ngoài về, thu nhập cao và mới ngoài ba mươi. Khốn nối là cô ấy ế đến tận ngày hôm nay. Tôi chờ nhận thiệp mời của cô ấy hơn mười mấy năm rồi chưa thấy.

Cô ấy kể rằng, nhân viên dưới quyền thì không bao giờ dám nghĩ đến chuyện tán tỉnh sếp. Ra ngoài xã hội thì đối tác của cô ấy đều là những ông bụng bự đi cùng chân dài. Nếu không thì họ lấy vợ cũng đòi hòi lấy những em xinh đẹp, trẻ trung, chân dài. Cô bạn tôi từng hẹn hò với một anh cùng khu nhà và đỗ xe cạnh cô ấy. Nhưng rồi mối quan hệ không đi đến đâu khi anh ta biết số tiền cô ấy có trong tài khoản, chức vụ của cô ấy hiện tại và số lượng nhân viên dưới quyền. Rõ ràng là mối tình hẹn hò ở bãi đỗ xe không đủ mạnh bằng khoảng cách giữa người phụ nữ làm lãnh đạo và người đàn ông chỉ ở mức trung bình.

Đàm Bích Thủy: Mình thì rất may, lấy chồng lúc chưa có vị trí và cũng chưa có tiền cho nên là khó để có thể nói được khi phụ nữ có vị trí, có tiền thì sẽ như thế nào.

Thảo Griffiths: Thảo cũng lấy chồng từ rất sớm, khi mới 22 tuổi. Như bây giờ chắc bị gọi là tảo hôn mất. Nhưng Thảo cá là có nhiều bạn đi du học ở châu Âu, Mỹ về, rất xinh đẹp và thành đạt nhưng vẫn ở một mình. Họ rất khó tìm được người đồng cảm với mình. Thực ra đó không phải là lỗi của họ, mà lỗi ở những suy nghĩ sai lệch của xã hội. Đấy là một thực tế không thể phủ nhận, nhưng mỗi chúng ta đều phải cố gắng làm thế nào để thay đổi nhận thức đó.

Ai cấm bạn không leo lên giường người chồng gia trường?

Việt Lâm: Định kiến xã hội là có thật. Tôi có những người bạn ở thành phố lớn hẳn hoi, gia đình sẵn sàng đầu tư để con gái du học ở Mỹ. Nhưng khi con gái xin học tiếp lên cao học thì ông bố bắt phải về nước, lấy chồng đã rồi hẵng tính chuyện học tiếp. Rõ ràng đây đó vẫn còn những rào cản ngay từ trong nhận thức đúng không?

Trang Hạ: Mình nhớ lại những chuyện tương tự với các bạn đồng nghiệp của mình. Sau khi du học về, nhờ có mối quan hệ quen biết mình xin được học bổng cho nhiều em từ VN sang. Học bổng rất cao, có khi còn hơn cả học bổng cho vô địch Đường lên đỉnh Olympia. Vậy mà nhiều em đã từ chối vào phút chót, khi hồ sơ đã xong xuôi. Tất cả chỉ vì anh người yêu không cho đi.

Năm nào cũng có trường hợp như thế xảy ra, làm cho Trang Hạ từ năm 2008 đến giờ quyết định không giới thiệu cho bất kỳ trường hợp nào nữa. Bởi mình quá mang tiếng với những trường đã tín nhiệm và hi vọng mình chọn được cho họ một du học sinh tài năng. Bởi vì trên giấy thì thấy đó là một người có năng lực nhưng trong đời sống thì lại là người đầy định kiến, tự mình hạn chế cơ hội của bản thân.

Vấn đề là như thế này: Nếu như bạn cứ kêu ca về một người chồng gia trưởng vào bạo lực thì ai cấm bạn không leo lên giường người chồng gia trưởng đó? Nếu bạn cứ kêu ca về người chồng đánh vợ thì bạn chính là người buổi tối đã hôn lên bàn tay buổi sáng đã tát mình đúng không? Nếu như bạn kêu ca là anh người yêu không muốn cho em đi du học vì anh ấy muốn em ở nhà, rồi thì nhỡ đi du học thì mất nhau hay sao chẳng hạn, rồi là trình độ thì nó chênh lệch nhau. Vậy thì lỗi là nằm ở bạn, bạn đã chọn một người đàn ông ngăn cản để không cho bạn tiến bộ hơn còn với một đàn ông bình thường thì nếu như họ tự tin cho dù họ chạy xe ôm cho dù họ chỉ là buôn bán nhỏ, họ chỉ là nhân viên văn phòng họ sẽ sẵn sàng tạo điều kiện cho người yêu đi du học hoặc có cơ hội lớn hơn bởi vì họ tin rằng đấy chính là thành quả, họ tin vào tình yêu của họ. Và chỉ có những người thiếu tự tin mới tìm mọi cách để hạn chế cơ hội của người bạn đời mà thôi. Cho nên, vấn đề ở chính người phụ nữ VN, giữa hàng triệu đàn ông lại cố ký gửi đời mình cho một người thiếu tự tin.

Thảo Griffiths: Người bạn gái ấy cũng thiếu tự tin, bởi vì thực ra bạn ấy sợ bị người yêu bỏ, sợ định kiến của xã hội.

Việt Lâm: Ở đây rõ ràng là có một điều mâu thuẫn. Phụ nữ VN thế hệ các chị và kể cả thế hệ của em đều được dạy dỗ phải hi sinh cho chồng con. Thế nên hôm nay khi nói về nữ quyền, nhiều phụ nữ cảm thấy hơi rụt rè và họ cũng phải cân đo đong đếm cái chuyện trả giá để mà đòi sự bình đẳng về quyền lợi với người đàn ông. Hình như nó là một vòng luẩn quẩn đúng không?

Thảo Griffiths: Luẩn quẩn hay không thì không nói nhưng mà mâu thuẫn thì có. Nhưng mà đó là bản chất của cuộc sống.

Việt Lâm: Thế chúng ta phải phá bỏ cái vòng mâu thuẫn đó như thế nào?

Đàm Bích Thủy: Tại sao cứ nghĩ phải phá bỏ mà không phải là làm như thế nào đấy để cho những cái mà bây giờ chúng ta nghĩ nó là mâu thuẫn ràng buộc càng ngày càng ít đi. Tôi tin rằng chắc chắn là ở thế hệ con cái mình thì điều đó sẽ ít đi nhiều. Bởi thế hệ của tôi định kiến nặng nề hơn thế hệ của Trang Hạ và Thảo. Thế nên thế hệ con cái mình chắc chắn sẽ thoải mái hơn cả thế hệ của Thảo, của Trang Hạ.

Nếu nói rằng ngay hôm nay hoặc trong hai năm tới phải phá bỏ xiềng xích cho thoải mái thì suy nghĩ đó là không thực tế. Mà có lẽ đó cũng không phải là cách tiếp cận tốt nhất để thay đổi xã hội. Có lẽ điều mà người phụ nữ VN cần nhất bây giờ là sự thay đổi về nhận thức. Như Trang Hạ đã nói, định kiến ấy hoàn toàn ở trong tiềm thức, khi sinh ra người ta đã được cài đặt chương trình theo cách nghĩ như thế. Bởi vậy, cần có thời gian để thay đổi.

Việt Lâm: Nói về chuyện thay đổi nhận thức, tôi nghĩ chúng ta có thể làm ngay từ bây giờ, từ việc nuôi dạy con cái chẳng hạn. Tôi nhớ có một chị đồng nghiệp lập ra blog Hãy yêu chính mình, trong đó viết cho con gái chị ấy rằng: Con hãy yêu chính mình trước khi yêu những người khác và ý thức về giá trị của bản thân. Có lẽ bắt đầu từ những việc như vậy rồi dần dần nhận thức xã hội sẽ thay đổi.
(còn tiếp)