Trong buổi thảo luận sáng 3/11, liên quan đến nội dung về Điều 16, trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Đại biểu Vương Thị Hương – Đoàn ĐBQH Hà Giang cho biết, từ thực tiễn hiện nay cho thấy, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng biên giới còn rất nhiều hộ cá nhân là người dân tộc thiểu số đang sử dụng đất hợp pháp nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do điều kiện kinh tế khó khăn, không có tiền nộp để thực hiện việc đo đạc, lập hồ sơ địa chính cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do đó, các địa phương gặp khó khăn trong công tác quản lý đất đai.

Về phía người dân, khi chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì không được sử dụng quyền của mình như thế chấp hay góp vốn. Thực tiễn trên đã có không ít trường hợp người dân do thiếu hiểu biết, kinh tế khó khăn hoặc khi xảy ra tai nạn, rủi ro đã phải cầm cố, nhượng bán, bị mất đất dẫn đến tình trạng thiếu đất. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng đói nghèo và nhà nước lại phải giải quyết.

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái) thống nhất cao với các quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 48 quy định về trường hợp cá nhân là người dân tộc thiểu số được giao đất, cho thuê đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp...

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng nếu quy định: "… cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi diện tích đất này để tiếp tục giao đất, cho thuê đất cho cá nhân khác là người dân tộc thiểu số theo chính sách quy định tại Điều 16 của Luật này” sẽ rất khó thực hiện trong thực tế vì sẽ xảy ra trường hợp không có đối tượng để giao đất, gây lãng phí và khó khăn cho công tác quản lý. 

Do vậy, Đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị quy định lại theo hướng: Diện tích đất đã thu hồi sẽ được giao cho Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng phương án quản lý, sử dụng đất, trong đó ưu tiên được dùng để tiếp tục giao đất, cho thuê đất cho cá nhân khác là người dân tộc thiểu số theo chính sách quy định tại Điều 16 của Luật này.

anh man hinh 2023 09 07 luc 135633.png
Ảnh minh hoạ

Về quy định tại điểm a khoản 4 Điều 75 quy định: "Chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt, phải thực hiện việc công bố công khai”, đại biểu Luận cho rằng việc quy định như vậy là rất khó khăn cho các địa phương trong thực hiện, đặc biệt là đối với các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trên thực tế sau khi cấp có thẩm quyền ban hành quyết định phê duyệt, cơ quan lập quy hoạch và đơn vị tư vấn phải thực hiện phát hành và làm nhiệm vụ bàn giao hồ sơ nghiệm thu cho chủ đầu tư, trong khi đó khối lượng hồ sơ lớn, phải thực hiện bàn giao trực tiếp.

Đại biểu cho rằng, thời hạn 10 ngày phải thực hiện đồng thời vừa phát hành, sắp xếp, bàn giao hồ sơ và UBND  cấp huyện vừa phải công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là rất khó thực hiện trong thực tế, đại biểu đề nghị sửa đổi thời điểm thành "chậm nhất là 15 ngày” để đảm bảo tính khả thi trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, đồng thời phù hợp với thời gian quy định trong Luật Quy hoạch hiện hành.

Đối với quy định tại khoản 7 Điều 76 quy định: "Diện tích đất được xác định trong kế hoạch sử dụng đất cấp huyện đã được phê duyệt thu hồi để thực hiện dự án hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất mà sau 02 năm liên tục được xác định trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm mà chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất phải xem xét, đánh giá để tiếp tục thực hiện trong kế hoạch sử dụng đất năm tiếp theo hoặc hủy bỏ…”.

Theo Đại biểu Nguyễn Quốc Luận, quy định như vậy đã mở và thuận lợi hơn trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, nhất là đối với các dự án đầu tư công. Tuy nhiên, trong dự thảo luật chưa quy định rõ việc công bố hủy bỏ hay tiếp tục thực hiện đối với diện tích đất đã được HĐND cấp tỉnh thông qua trước đó, nay có phải trình HĐND cấp tỉnh thông qua trước khi UBND cấp tỉnh ra quyết định hay không. 

"Để tháo gỡ khó khăn trên và đảm bảo thống nhất giữa các địa phương, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định: Sau 02 năm không thực hiện đối với diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất cấp huyện của các công trình, dự án đã được HĐND cấp tỉnh thông qua thì UBND cấp tỉnh phải trình HĐND cấp tỉnh thông qua việc huỷ bỏ hay tiếp tục thực hiện trước khi ban hành quyết định” - đại biểu nêu ý kiến.

Hồ Nhi