Từng là vùng đất cát cằn cỗi, nhiễm mặn, các giống cây trồng, hoa màu kém phát triển. Những năm 2010 trở về trước, kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội, giao thông trong huyện còn phát triển chậm. Thời điểm đó, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn chiếm tới 15,3%; thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 14,8 triệu đồng. 

Tuy nhiên, từ khi huyện ra Nghị quyết về xây dựng nông thôn mới, với sự nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tập trung nguồn vốn, lồng ghép hiệu quả các chương trình, dự án, trong đó, nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp được huyện quan tâm và đẩy mạnh…. tất cả như khoác lên một chiếc áo mới giúp diện mạo vùng nông thôn Quỳnh Lưu đổi thay khác hẳn.

W-hàng cây xanh used.jpg
Sau hơn 10 năm triển khai Chương trình xây dựng NTM, diện mạo vùng nông thôn Quỳnh Lưu đổi mới từng ngày. 

Được thiên nhiên ưu đãi, Quỳnh Lưu có đồng bằng phì nhiêu, lẫn trung du bán sơn địa, đồi núi. Tận dụng lợi thế này, huyện đã đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, sản xuất nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao và phát triển bền vững gắn với xây dựng NTM.

Thời gian qua, Quỳnh Lưu rất chú trọng đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, chuyển đổi tập quán sản xuất truyền thống sang sản xuất theo hướng hữu cơ, thích ứng biến đổi khí hậu; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất hướng hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP, để tạo ra sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm, thân thiện với môi trường.

Một trong những mô hình được triển khai mạnh đó là việc dồn điền, đổi thửa để hình thành nên những cách đồng mẫu lớn rộng từ 30 - 60 ha trồng lúa chất lượng cao ở xã Quỳnh Ngọc, An Hòa, Quỳnh Thạch, Quỳnh Lâm…; đồng thời, nhanh chóng phát triển vùng chuyên canh trồng rau màu lớn nhất tỉnh Nghệ An với diện tích hơn 700 ha tập trung ở các xã Quỳnh Bảng, Quỳnh Lương, Quỳnh Minh….; vùng trồng dứa lớn nhất tỉnh tập trung ở các xã Tân Thắng, Quỳnh Thắng với diện tích trồng lên đến 1.350 ha.

Hiện nay, các mô hình sản xuất đều ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp sạch nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, liên doanh liên kết bao tiêu sản phẩm nâng cao giá trị gia tăng, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

Tại vùng trồng dứa bước đầu đã hình thành được một số cánh đồng canh tác theo quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, đạt chuẩn VietGAP. Tất cả các biện pháp sản xuất thâm canh đều có quy trình thực hiện rõ ràng, đúng quy định, có ghi chép để theo dõi và khi cần có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm; nhiều đồi dứa, được đầu tư hệ thống tưới nước hiện đại, như tưới phun, tưới nước tự động kết hợp với chăm sóc, bón phân, nên đã có nhiều vùng dứa cho năng suất cao.

Tại vùng chuyên canh rau màu, không chỉ dừng lại ở sản xuất rau an toàn, nhiều địa phương đã nâng cấp, đầu tư những diện tích rau màu nhất định theo hướng hữu cơ để nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường cũng như sức khỏe người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy sản xuất bền vững, nâng cao giá trị kinh tế.

Tiêu biểu như xã Quỳnh Minh, thời gian qua, xã đã thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn. Hiện diện tích trồng rau sạch của xã có hơn 163ha, được trồng nhiều loại rau, củ, quả có giá trị kinh tế cao như hành lá, rau cải, cà chua, bắp cải… Những năm gần đây, người dân đã chú trọng đầu tư hệ thống nhà lưới tránh nắng, hệ thống tưới nước tự động để giữ ẩm đất vào mùa Hè và hạn chế sương muối, giá lạnh vào mùa Đông giúp cây trồng phát triển đều, đảm bảo chất lượng cũng như sản lượng rau màu.

Đồng thời, xã cũng triển khai mạnh mẽ chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số. Khi giá trị cây trồng tăng cao thì các ngành nghề dịch vụ kèm theo cũng phát triển mạnh, đưa rau sạch ở Quỳnh Minh không chỉ đáp ứng thị trường trong tỉnh mà còn vươn ra thị trường lớn ở các địa phương khác ngoài tỉnh.

Nhờ phát triển trồng rau màu theo hướng hàng hóa, thu nhập bình quân đầu người xã Quỳnh Minh tăng dần qua các năm: Năm 2021 đạt 45 triệu đồng; năm 2022 đạt 49,5 triệu đồng; năm 2023 đạt 54 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo của xã duy trì dưới 0,7%; 100% hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy định; an sinh xã hội được địa phương chú trọng thực hiện. 

W-IMG_E5149 Quỳnh minh used.jpg
Cánh đồng trồng hành lá ở xã Quỳnh Minh được người dân lắp đặt hệ thống phun, tưới nước tự động. 

Diện mạo của xã đã có sự thay đổi vượt bậc, kết cấu hạ tầng ngày càng đồng bộ, khang trang; nhiều tuyến đường đã được đầu tư nâng cấp, có rãnh thoát nước, đèn điện chiếu sáng, gờ giảm tốc, biển báo giao thông... đảm bảo đạt chuẩn. Hiện 100% xóm có nhà văn hóa, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao. Trên địa bàn có 1 sản phẩm dưa lưới Kim Hoàng được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP. Cuối năm 2022, xã Quỳnh Minh được công nhận xã về đích NTM nâng cao. 

Trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu hiện đã có nhiều mô hình sản xuất rau an toàn, rau hữu cơ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Với mong muốn giúp ngành rau màu phát triển ổn định, huyện Quỳnh Lưu đã đã phối hợp với các cơ quan chức năng hỗ trợ tập huấn kỹ thuật chuyên canh rau sạch cho bà con nông dân, thành viên HTX trên địa bàn. Đồng thời, hỗ trợ phân bón, vốn cho những gia đình thuộc diện hộ nghèo, hộ khó khăn để sản xuất. 

Năm 2023, tổng giá trị sản xuất nông, lâm và thủy sản của huyện ước đạt gần 4.300 tỷ đồng, tăng 2,21% so với năm 2022; tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 1,32%; giá trị sản xuất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản bình quân 1ha đạt hơn 144 triệu đồng; tỷ lệ hộ gia đình dùng nước hợp vệ sinh đạt 99%.

Năm 2023, huyện Quỳnh Lưu được thông qua đánh giá, phân hạng 16 sản phẩm xếp hạng 3 sao, nâng tổng số sản phẩm OCOP toàn huyện lên 39 sản phẩm. Bên cạnh đó, huyện đã phát triển được 110 tổ hợp tác, 65 HTX hoạt động theo chuỗi giá trị.

Sau hơn 10 năm triển khai Chương trình xây dựng NTM, tháng 5/2022, huyện Quỳnh Lưu đã trở thành địa phương thứ 7 của tỉnh Nghệ An đạt chuẩn NTM cấp huyện. Toàn huyện hiện có 32/32 xã đạt chuẩn NTM; trong đó có 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu từ năm 2021.

 Hiện nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Quỳnh Lưu tiếp tục nỗ lực nâng cao chất lượng các tiêu chí, hướng tới mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao. Mục tiêu đến năm 2025, huyện có 2-3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 15-18 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, các xã còn lại đạt từ 10 tiêu chí trở lên. 

Ông Nguyễn Xuân Dinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết, thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, trong đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, rà soát, chuyển đổi cây trồng phù hợp, lựa chọn các loại cây có năng suất, giá trị kinh tế cao, khai thác, phát huy hiệu quả quỹ đất. Đồng thời, trong thời gian tới huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.