Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông ra mắt tập thơ "Đợi anh về".
Cuộc cách mạng Tháng Mười Nga cách đây tròn một thế kỷ, đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử loài người, xây dựng một xã hội mới, xóa bỏ ách bóc lột của chế độ cũ, thực hiện ước mơ về cuộc sống ấm no, hòa bình và hạnh phúc trên toàn thế giới. Dưới ánh sáng của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, nhân dân Việt Nam đã làm nên cuộc cách mạng Tháng Tám 1945, lật đổ ngai vàng phong kiến, giành được độc lập tự do.
Trong cuộc chiến tranh tàn khốc đó, nhân dân Liên Xô đã có một sự hy sinh vô bờ bến, đã thể hiện những phẩm giá cao quý nhất của tính cách Nga. Tất cả những điều đó đã được phản ánh trong những tác phẩm văn học chiến tranh Xô Viết, được vinh danh là Văn học Chiến tranh Vệ quốc. Một trong những tác phẩm thơ ca Chiến tranh Vệ quốc nổi tiếng là bài thơ Đợi anh về của nhà thơ Konxtantin Ximonov. Bài thơ này đã được nhà thơ Tố Hữu dịch từ bản tiếng Pháp sang tiếng Việt ngay từ năm 1947, đã có một ảnh hưởng và ý nghĩa đặc biệt đối với cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam.
Tập thơ với tựa đề Đợi anh về bao gồm 162 bài thơ của 24 nhà thơ của nền thơ Chiến tranh Vệ quốc. Hai dịch giả Nguyễn Huy Hoàng và Nguyễn Văn Minh đã dày công chọn lọc và dịch 162 bài thơ của 24 tác giả tiêu biểu nhất trong nền thơ ca Chiến tranh Vệ quốc như Ximonov, Olga Berggolts, Tvardovxki, Anna Akhmatova, Evtusenko… Những bài thơ trong tập thơ chọn lọc này đã thể hiện một cách chân thực về cuộc chiến tranh đẫm máu; và qua đó tính cách Nga được bộc lộ một cách rõ ràng và sâu sắc nhất. Đó là sự tàn khốc, bi thương, nhưng hào hùng và lạc quan tin tưởng, như nhà mỹ học Borev đã nói: “đó là những tiếng khóc đau thương về sự hy sinh và mất mát, nhưng đồng thời cũng là tiếng ca vinh quang về sự bất tử”.
Những độc giả yêu thơ ca Nga sẽ nhận ra nhiều bài thơ trong tập thơ này đã được phổ nhạc thành các bài hát yêu thích không chỉ ở Nga và còn ở Việt Nam. Hy vọng tập thơ sẽ mang lại cho nhân dân Việt Nam một sự hiểu biết và đồng cảm với cuộc chiến tranh giữ nước của nhân dân Liên Xô và nền văn học Xô Viết. Tuyển thơ Đợi anh về sẽ góp phần như là một chiếc cầu nối giữa Văn học Nga và Văn học Việt Nam, góp phần củng cố tình hữu nghị bền chặt giữa hai nước Việt Nam và Liên bang Nga.
T.Lê