Theo các báo cáo thống kê từ Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (ITDR), Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), lượng rác thải nhựa xả ra môi trường tại các điểm đến du lịch ngày càng lớn khiến cho các khu du lịch đã và đang phải đối mặt với hiện tượng ô nhiễm rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa như: Vịnh Hạ Long, trung bình 4 tấn rác thải/ngày đêm, chủ yếu là rác thải nhựa trôi nổi trên biển; Đà Nẵng: 1.100 tấn rác thải/ngày đêm, trong đó rác thải nhựa chiếm 17%; Tuy Hòa (Phú Yên): 524 tấn rác thải/ngày đêm, rác thải nhựa chiếm 18,31%; Rạch Giá (Kiên Giang): 250 tấn rác thải/ngày đêm, trong đó 4,48 tấn rác thải rắn/ngày thải ra môi trường.

W-Racthai.png

TS Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho biết, rác thải nhựa tác động xấu đến các hoạt động du lịch, gây ô nhiễm môi trường. Sự tồn tại của rác thải nhựa làm mất đi cảnh quan đẹp và sự hấp dẫn của các khu, điểm du lịch, gây phản cảm cho khách du lịch, đặc biệt với du lịch biển, đảo; giảm doanh thu và đóng góp của ngành du lịch, ảnh hưởng đến nền kinh tế địa phương. Nếu không có các biện pháp giảm thiểu, lượng phát sinh rác thải nhựa từ hoạt động du lịch năm 2030 sẽ cao gấp khoảng 3 lần so với năm 2019. Đây là áp lực rất lớn đến môi trường, đặc biệt tại các khu du lịch biển.

Ngành Du lịch với hàng trăm triệu khách/năm là một nguồn phát sinh rác thải nhựa lớn. Do đó, tại Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2023, đây là một nội dung quan trọng được đưa ra bàn thảo tại hội nghị "Giảm thiểu rác thải nhựa trong hoạt động du lịch ở Việt Nam".

PV