Hàng loạt doanh nghiệp chào sàn rầm rộ, cố phiếu đứng ở mức cao ngay trong phiên giao dịch đầu tiên và tiếp tục tăng giá dữ dội nhưng sau đó giảm giá chóng mặt, bốc hơi hàng trăm tỷ đồng, cổ đông mất tiền.
Hoành tráng rồi sụp đổ
Lên sàn từ tháng 7/2016 với mức giá tham chiếu 11.000 đồng/cp, cổ phiếu HID của CTCP Đầu tư và Tư vấn Hà Long - Halcom từng ghi nhận một chuỗi ngày bứt phá ngoạn mục và lập đỉnh 31.900 đồng/cp vào đầu 2017.
Tuy nhiên, từ đó cho tới nay, cổ phiếu Halcom lao dốc không ngừng và hiện chỉ còn 3.900 đồng/cp. Đây là một trong vô số các trường hợp ra mắt hoành tráng nhưng nhanh chóng sụp đổ.
Nhiều cổ phiếu IPO hoặc chào sàn ở mức giá cao. |
Halcom là một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tư vấn cơ sở ha ̣tầng, đầu tư, bán hàng và xây dựng… Kết quả hoạt động khá bình thường nhưng DN này đã có một lịch sử tăng vốn thần tốc trước thời điểm lên sàn. Năm 2007, DN này có vốn điều lệ 7 tỷ, nhưng tới 2014 qua 6 lần tăng vốn đã đạt 60 tỷ đồng.
Trước khi lên sàn, HID phát hành thêm 24 triệu cổ phiếu nâng vốn lên 300 tỷ đồng. Kịch bản tăng vốn khủng của Halcom giống với khá nhiều doanh nghiệp và lên sàn không bán nổi, cổ phiếu giá cao tự sụp đổ.
Trước đó, giới đầu tư cũng chứng kiến một trường hợp tương tự. Cổ phiếu CDO của CTCP Tư vấn Thiết kế và Phát triển Đô thị đã có chuỗi giảm sàn lịch sử: 34 phiên liên tiếp. Cổ phiếu này có lúc lên gần 40.000 đồng với hàng loạt các giao dịch chui của các lãnh đạo DN. CDO sau đó rơi về gần 3.000 đồng/cp.
Cổ phiếu NHP của CTCP Sản xuất Xuất nhập khẩu NHP của chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cũng rơi vào tình trạng tương tự. Cổ phiếu này chào sàn với mức giá khá cao, trên 15.000 đồng và sau đó có lúc lên tới khoảng 17.000 đồng trước khi rơi tự do xuống xung quanh 3.000 đồng như hiện nay sau khi các lãnh đạo của DN này, trong đó có ông Nghĩa bán ra, thậm chí bán chui cổ phiếu, với những khoản chênh gia cao-thấp có thể lên tới hàng hàng chục tỷ đồng.
Ông Lê Xuân Nghĩa gần đây bị phạt hơn 40 triệu đồng do bán “chui” hơn 3 triệu quyền mua cổ phiếu NHP (ở mức giá 10.000 đồng), thấp hơn so với thị giá ở vào khoảng 16.000 đồng/cp khi đó.
Giá cổ phiếu tăng chóng mặt thời gian đầu. |
CTCP Dầu thực vật Sài Gòn - SG Oil JSC (SGO) cũng từng làm nhức nhối thị trường với mức giá chào sàn ấn tượng trong phiên đầu tiên ở mức: 14.500 đồng/cp hồi cuối 2015 rồi giảm không ngừng nghỉ trong 1 năm rưỡi qua giờ xuống chỉ còn hơn 1.000 đồng/cp, bằng 1/3 giá cốc trà đá.
Nỗ lực tăng vốn kỳ diệu trong vòng hơn 1 tháng cuối năm 2014 đầu năm 2015 từ mức 1 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng với một hồ sơ kinh doanh khá đẹp đã giúp SGO lên sàn ấn tượng nhưng nhiều NĐT “dính đòn nặng”.
NĐT lãnh đủ
Không ít các NĐT đã rơi vào cảnh khóc dở mếu dở, thậm chí mất trắng và cháy túi vì một loạt các cổ phiếu ra mắt hoành tráng nhưng lao dốc không phanh và không có tín hiệu quay đầu tăng trở lại.
“Cổ phiếu ma” MTM của CTCP Mỏ và Xuất nhập khẩu Khoáng sản Miền Trung chào sàn Upcom bùng nổ với phiên đầu tiên hồi tháng 4/2016 tăng trần 40% lên mức giá 14.700 đồng nhưng sau đó giảm sàn liên tục bốc hơi hơn 80% giờ chỉ còn 2.600 đồng/cp và bị ngừng giao dịch từ giữa 2016.
Nhưng giảm rất nhanh sau đó. |
Chủ tịch HĐQT MTM ông Trần Hữu Tiệp đã bị bắt tạm giam gần mọt năm qua vì có dấu hiệu lừa đảo nhưng nhiều NĐT trên sàn chứng khoán thì khó có cách nào lấy lại được đồng tiền đã mất.
Giới đầu tư còn chứng kiến nhiều trường hợp ra mắt hoành tráng sau đó tụt giảm, “bốc hơi” như Thương Mại và Dịch Vụ Tiến Thành (TTH), Xây dựng và Đầu tư 492 (C92) từ 40 ngàn đồng xuống hiện còn 9.000 đồng trong vòng vài tháng; Dịch vụ Bến Thành (BSC) rớt từ 35.000 đồng xuống dưới 15.000 đồng trong vòng chưa tới 1 tháng; VT Vạn Xuân (VAT) rớt từ 16.000 đồng xuống dưới 5.000 đồng trong vòng hơn 1 tháng; Chè Hiệp Khánh (HKT) rơi từ 7.400 đồng xuống 4.000 đồng/
Hiện tượng nhiều cổ phiếu ra mắt hoàng tráng nhưng nhanh chóng rơi tự do khiến nhiều NĐT ôm trái đắng có rất nhiều nguyên nhân. Một số chuyên gia cho rằng, trước hết đó là do các số liệu đã không phản ánh đúng giá trị của cổ phiếu. Nhiều DN lên sàn là đẹp hồ sơ, tăng vốn ảo, giá cao không bán được nên giá cổ phiếu sụp đổ. Nhiều NĐT trở tay không kịp, cắt lỗ không xong, có người gần như mất trắng.
Nhiều DN có tỷ lệ cổ phiếu lưu hành quá ít nên giá trên thị trường phản ánh không đúng. Chất lượng định giá còn thấp. Hàng trăm mã cổ phiếu có giá dưới mệnh giá cho thấy điều này bởi các DN chào sàn đều có giá khởi điểm trên 10.000 đồng.
Trong khi cổ phiếu tăng nóng trong những phiên đầu lên sàn với khả năng có sự tham gia của các đội lái thì cổ đông nội bộ ra sức thoát hàng ở mức giá cao. Tình trạng sai phạm, vi phạm bị xử lý ở mức nhẹ, vài chục tới vài trăm triệu đồng không đủ sức răn đe.
M. Hà