Hàng năm, vào dịp Rằm tháng Giêng, người dân TP.HCM lại đến Phước Hải tự (còn gọi là chùa Ngọc Hoàng, Quận 1, TP.HCM) để cầu an, cầu tự. Chùa Ngọc Hoàng nổi tiếng linh thiêng và có lượng khách đông đảo bậc nhất vào dịp này.
Rằm tháng Giêng năm nay, chùa Ngọc Hoàng không đón khách. |
Tuy nhiên, sáng nay (26/2), lượng khách đến chùa ít hơn hẳn so với mọi năm. Do ảnh hưởng của đại dịch, chùa đóng cửa, du khách không thể vào bên trong để cầu an, cầu duyên, cầu tự.
Khách đến chùa phải vái vọng từ bên ngoài. |
Gần trưa, khách đến chùa đông hơn nhưng vẫn chỉ có thể đứng trước cổng để chiêm bái. Những người có mong muốn cầu an có thể viết giấy đăng ký, gửi vào bên trong để nhà chùa thực hiện lễ cho mình.
Chùa có dịch vụ làm lễ cầu an cho khách. Tuy nhiên, khách phải đăng ký từ ngoài cổng. |
Chùa Ngọc Hoàng cũng nổi tiếng là điểm cầu tự linh thiêng của các cặp vợ chồng hiếm muộn. Vào dịp Rằm tháng Giêng hằng năm, nhiều cặp vợ chồng đến chùa, chen chúc thực hiện lễ cầu tự.
Người phụ nữ này đang đăng ký làm lễ cầu an cho người thân... |
Năm nay, chùa ngưng tiếp khách, các cặp vợ chồng chỉ có thể vái lạy, thành tâm cầu con ngoài cổng. Để đảm bảo việc phòng dịch, lực lượng chức năng tại đây liên tục giữ trật tự, yêu cầu khách viếng chùa đeo khẩu trang, đứng đúng khoảng cách.
Khách đến cầu an, cầu tự xếp hàng khấn, vái trước cổng chùa, đăng ký, viết tên người cần cầu an gửi vào bên trong rồi lặng lẽ rời đi, nhường chỗ cho người mới.
Bà cụ này cho biết, hàng năm, vào dịp Rằm tháng Giêng, bà đều đến chùa Ngọc Hoàng cầu an. Năm nay, chùa không đón khách, bà đành thành tâm khấn xin từ bên ngoài. |
Bà Lê Thị Hoa (76 tuổi, ngụ Quận 1) cho biết, năm nào vào dịp này, bà cũng đến chùa mua dầu hỏa làm lễ cầu an cho gia đình.
“Năm nay, chùa ngưng tiếp khách, tôi chỉ biết đứng ngoài thành tâm khấn cầu bình an cho mọi người. Cầu cho dịch bệnh sớm qua đi, nhà nhà, người người an vui”, bà Hoa nói.
Trong khi đó, chùa Vĩnh Nghiêm vẫn mở cửa, đón khách bình thường. Khách viếng chùa tập trung nhiều trước tượng Phật bà Quan Âm. |
Trong khi đó, chùa Vĩnh Nghiêm (Quận 3) vẫn mở cửa đón khách. Tuy nhiên, so với năm ngoái, Rằm tháng Giêng năm nay, lượng khách đến chùa khá thưa thớt. Khách viếng chùa đa số tập trung dưới sân, trước tượng Phật bà Quan Âm để thắp nhang, cầu an, thả chim phóng sinh.
Mở cửa đón khách, chùa bố trí các máy rửa tay sát khuẩn để đảm bảo việc phòng, chống dịch. |
Ban quản lý chùa tổ chức thực hiện nghiêm ngặt việc phòng dịch. Hai bên cửa vào chánh điện, chùa bố trí 2 máy rửa tay sát khuẩn tự động. Khách viếng chùa luôn được nhắc phải đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn trước khi vào chánh điện.
Chùa có nhân viên phun khử khuẩn liên tục ở những nơi có nhiều người tụ tập. |
Ngoài ra, chùa cũng bố trí nhân viên xịt khử khuẩn liên tục tại khu vực đông người. Theo ghi nhận của PV, các dịch vụ ăn theo dịp Rằm tháng Giêng tại chùa Vĩnh Nghiêm vẫn khá sôi động. Ngay từ ngoài cổng, người bán hoa, nhang, đèn… liên tục chèo kéo khách viếng chùa.
Người dân đến chùa Vĩnh Nghiêm cầu an và thả chim phóng sinh. |
Bên trong khuôn viên chùa, người dân cũng bán hoa sen trắng, đỏ, nhang, đèn, chim phóng sinh cho khách có nhu cầu. Khu vực này khá nhộn nhịp nhưng không xảy ra tình trạng chen lấn như những năm trước đó.
Trong khi đó, dù mở cửa đón khách nhưng Việt Nam Quốc Tự vẫn khá thưa vắng khách viếng chùa. |
Trái ngược với sự đông đúc, náo nhiệt tại chùa Ngọc Hoàng, Vĩnh Nghiêm, Việt Nam quốc tự khá vắng vẻ. Trong khoảng sân rộng phía trước chánh điện, PV chỉ ghi nhận một vài người dân đến viếng chùa.
Khách đến chùa thưa thớt dù trời đã về trưa. |
Dù trời đã về trưa nhưng lượng khách đến chùa vẫn rất thưa vắng. Phía trước chùa, các dịch vụ bán lễ vật đi chùa cũng vì thế mà khá ế ẩm.
Bài khấn Rằm tháng Giêng theo 'Văn khấn cổ truyền Việt Nam'
Dưới đây là bài văn khấn Rằm tháng Giêng năm Tân Sửu 2021 theo “Văn khấn cổ truyền Việt Nam” - NXB Văn hoá Thông tin. Độc giả có thể tham khảo.
Gợi ý mâm cúng Rằm tháng Giêng năm Tân Sửu
Với quan niệm “Cúng quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng”, vào ngày này, các gia đình Việt thường thành kính làm mâm cơm cúng gia tiên. Dưới đây là gợi ý mâm cỗ chay và mâm cỗ mặn, độc giả có thể tham khảo.
Cúng Rằm tháng Giêng năm 2021 vào ngày, giờ nào?
Năm nay, Rằm tháng Giêng (15/1 âm lịch) sẽ rơi vào thứ Sáu, ngày 26/2. Nghi lễ cúng Rằm tháng Giêng thường được tiến hành vào giờ Ngọ (11h đến 13h).
Bài, ảnh: Nguyễn Sơn