Lĩnh vực kinh doanh thực phẩm sạch mới xuất hiện ở Việt Nam và được đánh giá là còn rất nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, khởi nghiệp trong lĩnh vực này không hoàn toàn dễ dàng vì mới ‘mở hàng’ đã có rất nhiều DN ngoại chiếm giữ, lấn át cơ hội DN nội.

Dù chấp nhận mua đắt hơn để có được hàng sạch, hàng an toàn nhưng ngay tại các đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, để tìm được điểm bán không phải là dễ. Nếu tìm được thì số lượng và chủng loại cũng rất hạn chế. Điều này khiến cho khách hàng cảm thấy bất tiện, tạo ra một khoảng cách lớn đối với người tiêu dùng.

Chị Đặng Thị Tươi (ở Đinh Bộ Lĩnh, Quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Tôi đi làm về, trên đường tiện ghé qua chợ mua nhanh mớ rau và ít đồ ăn, đón con, rồi về nhà nấu nướng. Giờ tan tầm, đường đông mà còn đi đi xa để tìm cửa hàng thực phẩm sạch thì mất quá nhiều thời gian. Thực phẩm ở siêu thị đáng tin cậy hơn nhưng số lượng rất hạn chế và thời gian thanh toán cũng khá lâu. Nếu các cửa hàng thực phẩm sạch được nhân rộng hơn thì sẽ thuận lợi cho người mua”

{keywords}

Không chỉ người tiêu dùng mà chính các ông chủ kinh doanh thực phẩm sạch cũng e ngại tính cạnh tranh của các sản phẩm này. Giá bán trong cửa hàng thường cao hơn giá ngoài chợ từ 10 – 20% trong khi tính tiện lợi chưa cao đã hạn chế sự lựa chọn của người tiêu dùng.

Chị Lê Dung (ở đường Phan Đình Phùng, Quận.Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh) cho rằng: “do các địa điểm bán quá ít và không có tính tiện lợi. Sản phẩm không đa dạng nhưng giá thường cao hơn ngoài chợ nên các bà nội trợ có mức thu nhập trung bình ít khi tìm đến.

Trong khi đó, các DN cho rằng, việc phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm sạch đến với người tiêu dùng là một thách thức đối lớn vì cần chi phí vốn rất lớn để đầu tư cho cơ sở hạ tầng, công nghệ giết mổ, bảo quản và duy trì hệ thống phân phối.

Ông Trương Vĩnh Thiện, Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt cho biết, không dễ để triển khai, hoàn thiện được chuỗi sản xuất bởi DN Việt Nam rất eo hẹp về tài chính lẫn chuyên môn. Muốn gia tăng sản phẩm cung ứng cần phải liên kết nhiều cơ sở sản xuất. Tuy nhiên DN và các cơ sở sản xuất thường không tìm được tiếng nói chung. Vì thế, việc nhân rộng các của hàng kinh doanh cũng mới ở giai đoạn thăm dò chứ chưa thực sự tự tin để đẩy mạnh”

Trong khi các DN trong nước đang e dè thì các DN nước ngoài đã có nhiều kế hoạch mở rộng hệ thống phân phối với số lượng lớn cũng đủ sức để áp đảo các DN nội.

Trên thực tế, nhiều đơn vị trong nước dù đã tuyên bố sẽ mở một loạt cửa hàng bán lẻ nhưng lo ngại cạnh tranh nên chưa dám đẩy mạnh đầu tư. Nhiều DN chỉ mở một vài cửa hàng để duy trì thương hiệu hỗ trợ xuất khẩu hơn là tăng doanh thu. Lý do chung là tâm lý e ngại cạnh tranh với các DN nước ngoài dày vốn.

Theo ông Phùng Khôi Phục, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai, các DN trong nước rất khó cạnh tranh với các DN ngoại trong phát triển hệ thống phân phối bởi nguồn lực vốn còn yếu, không thể xây dựng được hệ thống cửa hàng bài bản như DN nước ngoài.

Nhiều DN có tiếng là mạnh trong ngành thực phẩm nhưng mỗi năm cũng chỉ khai trương một vài cửa hàng bán lẻ thực phẩm sạch. Đa số DN kinh doanh thực phẩm sạch chỉ dựa vào các siêu thị, cửa hàng bán lẻ hay tiểu thương để tạo kênh phân phối.

Ngay cả phân khúc kinh doanh rau sạch vốn là sân chơi riêng dành cho các DN nội thì đến nay việc đầu tư cho mặt hàng này vẫn không được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Điểm chung của các doanh nghiệp thuần về nông nghiệp là vẫn chú trọng nhiều hơn cho thị trường xuất khẩu, trong khi đó lại rất dè dặt mở rộng kinh doanh trong nước.

Sau một thời gian dài đầu tư công nghệ sản xuất nông sản đạt chuẩn Công ty Đà Lạt G.a.p cũng chỉ chuyên chuyên xuất khẩu rau quả sang thị trường Nhật và Nga. Cho đến cuối năm 2012 mới quyết định mở ra một cửa hàng rau củ sạch ở TP.HCM để thăm dò thị trường.

Trong khi đó, cùng một dòng sản phẩm là rau củ, sau 10 năm kinh doanh công ty TNHH SX-TM Tân Đông cũng chỉ tập trung xuất khẩu nông sản vào thị trường châu Âu. Đến nay thì doanh nghiệp mới ra mắt ở thị trường trong nước với hai cửa hàng mang tên Rau ngon và Vefa tại quận Bình Thạnh – TP Hồ Chí Minh.

Theo các chuyên gia, với thực thế này, các DN đang tự đánh mất các lợi thế của mình. Các doanh nghiệp nước ngoài dù có lợi thế về vốn đầu tư, có công nghệ hiện đại, kinh nghiệm và đặc biệt là sức mạnh thương hiệu với các tiêu chuẩn quốc tế về sản phẩm nhưng họ không lợi thế về vùng nguyên liệu, am hiểu thị trường, am hiểu thị hiếu, gu ẩm thực của người Việt. Trong khi, các DN nội lại chưa tận dụng triệt để lợi thế này để chiếm lĩnh thị trường mà dường như đang thiếu tự tin để mở rộng kinh doanh.

Nam Phong