- Những cú sốc về chất lượng thực phẩm tuần qua liên tục dội xuống khiến người tiêu dùng choáng váng, sợ hãi, đặc biệt là tin rúng động các bà mẹ về chất lượng sữa bột nhập khẩu từ New Zealand - đất nước nổi tiếng xanh và sạch.

Tiêu điểm: Cú sốc mang tên sữa New Zealand

Tuần qua, thông tin về sữa New Zealand nhiễm khuẩn là một “cơn chấn động” đối với người tiêu dùng, nhất là các bà mẹ đang nuôi con nhỏ.

Cụ thể, ngày 4/8, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết đã nhận được tin từ Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam thông báo về việc các sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ nhỏ có chứa Whey Protein do công ty Fonterra New Zealand sản xuất bị nhiễm Clostridium Botulinum (vi khuẩn này có thể gây liệt cơ, đường hô hấp, ngộ độc) xuất khẩu sang Việt Nam, Trung Quốc, Úc và Ả rập Xêút…

{keywords} 

Đặc biệt, triệu chứng nhiễm khuẩn Clostridium Botulinum được mô tả là buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy và sau đó là co giật, có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời lại càng làm các phụ huynh hoang mang, lo lắng.

Cục An toàn thực phẩm đã yêu cầu dừng ngay việc lưu thông và tiến hành thu hồi các sản phẩm có liên quan trên thị trường bao gồm các lô Similac GainPlus Eye-Q cùng với một số lô Karicare Formula số 1 và Karicare Gold+ Follow on Formula số 2. Đến chiều ngày 5/8, Cục An toàn thực phẩm lại tiếp tục có thông báo yêu cầu thu hồi 1 lô sản phẩm của hãng sữa Dumex.

Đến ngày 9/8, cơ quan chức năng xác nhận việc thu hồi sữa nghi ngờ nhiễm khuẩn của các công ty trên thị trường Việt Nam cơ bản đã hoàn tất. Tuy nhiên, sức khỏe của trẻ nhỏ đã từng dùng các loại sữa nói trên vẫn chưa được sự quan tâm từ phía các công ty cũng như các cơ quan quản lý.

Tin nóng: Dùng bột tẩy sàn nhà hầm thức ăn

Chủ một quán phở có tiếng ở TP.HCM tiết lộ rất nhiều quán ăn, nhà hàng hiện thường dùng bột mềm để hầm xương và thực phẩm. Loại bột mềm này mua bán rất dễ dàng nên ít ai quan tâm đến tác hại của chúng.

Nếu hầm 10 kg xương bò theo cách thông thường thì phải mất khoảng 8 giờ mới mềm và ra hết chất. Tuy nhiên, chỉ cần thêm vài trăm gam bột mềm với giá vài chục ngàn đồng thì chưa tới 1 giờ sau đã cho nồi nước dùng (nước lèo) thơm ngon và rất trong. Nếu dùng bột mềm hầm thịt, gân, đuôi bò hay chân giò heo, ngoài việc nhanh mềm, thịt còn có độ dẻo rất ngon. Bột mềm dùng hầm đậu nấu chè cũng rất nhanh... 

{keywords} 

Không như các hóa chất độc hại khác thường phải bán lén lút, loại bột mềm này được bày bán khá công khai ở chợ Kim Biên, quận 5, TP.HCM với mức giá 20.000 đồng/1 hũ 200g. Người bán hàng hướng dẫn cách sử dụng như sau: “Tẩy sàn nhà hay vật dụng thì chỉ cần cho ít nước vào bột rồi nhúng khăn chà lên vết dơ nhiều lần sẽ sạch bóng. Còn nếu dùng hầm thức ăn thì tùy nhiều hay ít, chỉ cần cho vài muỗng bột này vào là mềm ngay... ”.

Theo các chuyên gia về hóa chất, bột mềm (hay bột nhừ) là loại phụ gia được phép sử dụng. Tuy nhiên, loại bột mềm dùng trong thực phẩm phải đạt độ tinh khiết cao (không chứa các tạp chất asen, thủy ngân... ) và phải được cấp phép dùng cho chế biến thực phẩm với liều lượng nhất định, vì thế giá thường rất cao.

Trên thị trường hiện nay, nhiều người bán nhập nhèm bột mềm công nghiệp (thường có thành phần asen, thủy ngân và nhiều tạp chất khác, giá rẻ, vốn chỉ được dùng trong một số lĩnh vực sản xuất công nghiệp hoặc để làm sạch các vết bẩn trên gạch men, bồn sứ, nệm da, sàn nhà... ) với bột mềm thực phẩm. Dùng bột mềm công nghiệp để chế biến thực phẩm sẽ gây nguy hại cho sức khỏe người sử dụng.

Tin sốc: Mì, thịt bò làm từ cao su

Khi nhai miếng bò kho mua ở một quán ăn nằm trên đường số 39, gần khúc giao với đường Lâm Văn Bền, quận 7, TP.HCM, chị Hàn Thu Hiền (đường Pasteur, TP.HCM) thấy miếng thịt bò có dấu hiệu bất thường, chị kiểm tra phát hiện thịt bò giống cao su.

{keywords} 

Nhìn bề ngoài, những miếng thịt bò trong tô không có gì bất thường, chỉ đến khi đưa vào miệng nhai mới phát hiện thịt dai, những sợi thịt có thể kéo dài như dây thun.

Chồng chị Hiền dùng lửa kiểm tra, miếng thịt bắt lửa nhanh chóng và có mùi khét, cùng với muội than rơi xuống giống hệt như khi đốt cao su hay nhựa ni lông. “Nếu là lát bò mỏng có lẽ tôi đã nhai và nuốt mà không phát hiện, đằng này miếng bò kho lớn hơn hẳn, nên hai vợ chồng không dám ăn”.

Tương tự, ngày 9/8 vừa qua, ca sĩ Hồng Ngọc cũng chia sẻ đoạn clip cô nghi ngờ một loại mì được làm từ cao su vì khi đem đốt mì bốc cháy và nhỏ giọt đen ngòm, bốc mùi cao su khét lẹt.

{keywords} 

Suy thoái não vì dùng nồi nhôm dởm

Chỉ với giá từ 10.000-30.000 đồng/sản phẩm, nồi nhôm “siêu rẻ” bán tại các chợ trên địa bàn Hà Nội hiện được nhiều người, nhất là đối tượng sinh viên và người có thu nhập thấp chọn là vật dụng để nấu nướng.

Vật dụng bằng nhôm được bán trôi nổi trên thị trường có giá chỉ bằng 1/5, thậm chí thấp hơn hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Những vật dụng này được bán trôi nổi trên thị trường tuy có hình thức khá đẹp, nhìn bên ngoài rất sáng và sạch song đều có nguồn gốc từ nhôm tái chế, chúng chủ yếu được sản xuất từ những làng nghề thủ công mà nguồn nguyên liệu từ phế thải được thu gom ở khắp nơi. Do vậy, chỉ sau vài lần sử dụng, những đồ dùng này có thể bị xám đen lại và nổ lỗ chỗ. Nếu cọ rửa mạnh nước thôi ra có màu đen.

{keywords} 

Theo tiêu chuẩn quy định của Bộ Y tế, hàm lượng chì có trong sản phẩm nhôm tái chế là 7mg/kg, nếu hàm lượng chì vượt quá sẽ là nguyên nhân làm loãng máu, da xanh, hủy hoại hồng cầu. Ở mức độ nhiều hơn chúng sẽ tích tụ trong gan, thận gây ung thư, giảm chức năng gan và nặng nữa thì gây ngộ độc cấp tính...

Mưa ngập, thực phẩm hò hét tăng giá

Tuần qua, tại Hà Nội, giá thực phẩm, đặc biệt là rau củ tăng giá mạnh từ 2-3 lần do ảnh hưởng của 2 cơn bão liên tiếp.

Một ngày trước khi cơn bão số 5 đổ bộ vào một số tỉnh miền Bắc, giá rau củ quả tại các chợ trên địa bàn Hà Nội đồng loạt tăng giá gấp đôi, gấp ba lần ngày thường. Cụ thể, rau muống tăng từ 4.000 đồng lên 10.000 đồng/mớ, rau mồng tơi từ 3.000 đồng lên 7.000 đồng/mớ, rau dền từ 2.000 đồng lên 6.000 đồng/mớ, rau cải từ 3.000 lên 7.000 đồng/mớ... Không những giá tăng gấp đôi, gấp ba mà nông dân còn giảm bớt lượng rau, nhiều bó chỉ bằng 2/3 so với ngày thường.

{keywords} 

Bên cạnh đó, giá các loại củ quả cũng tăng cao: Bí đao, bí đỏ tăng giá gấp đôi lên 20.000 đồng/quả loại nhỏ, cà chua giá từ 15.000 đồng lên 20.000 đồng/kg, su su từ 9.000 đồng lên 15.000 đồng/kg... Điều đáng nói là sau bão, giá các mặt hàng này hầu như không giảm nếu có cũng không đáng kể.

Sau khi cơn bão số 5 vừa tan, cơn bão số 6 xuất hiện và kịch bản đồng loạt tăng giá tại các chợ Hà Nội lại được lặp lại. Vào thời điểm trước và trong bão, mặt hàng rau xanh, củ quả tại các chợ dân sinh lại rơi vào tình trạng khan hiếm. Sáng 8/8, khi đến nhiều chợ dân sinh, chợ cóc, không ít người dân đã rất ngỡ ngàng khi toàn bộ số rau xanh đã được tiêu thụ gần hết chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ.

Không chỉ ra xanh, giá thực phẩm tại các chợ cũng tăng nhẹ. Cụ thể, thịt lợn tăng nhẹ từ 5.000- 10.000 đồng/kg. Trong đó, thịt ba chỉ giá 90.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg; thịt mông loại 1 giá 100.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg. Ngoài ra, thịt bò và cá tươi cũng tăng nhẹ từ 15.000 -20.000 đồng/kg. Giá trứng tăng thêm 1.000-3.000 đồng/chục.

Nhị Anh (tổng hợp)