Apple vừa mở bán chính thức chiếc tai nghe AirPods Pro thế hệ 2 tại thị trường Việt Nam với giá 6,99 triệu đồng. Tai nghe này có rất nhiều đối thủ đến từ Huawei, Jabra, Sony, Bose, Sennheiser,... song nó chắc chắn là lựa chọn tốt nhất cho những ai đang dùng các sản phẩm khác của Apple.
Là một người mới chuyển qua dùng các sản phẩm Apple, thứ tôi thích nhất trên chiếc tai nghe này là khả năng kết nối hoàn hảo giữa nó với tất cả sản phẩm trong hệ sinh thái của hãng. AirPods Pro 2 kết nối dễ dàng với chiếc MacBook Air, với iPhone 14, với iPhone 13, với Apple Watch. Đó là sự trải nghiệm xuyên suốt, thoải mái, dễ gây nghiện khiến bạn khó có thể dứt ra khỏi hệ sinh thái này.
Trước đó, tôi đang dùng chiếc tai nghe Huawei Freebuds Pro 2. Nói về khả năng nghe nhạc, là một người không thực sự am hiểu sâu về các thể loại chất âm, tôi không thấy có sự chênh lệch gì giữa tai nghe tôi đang dùng với AirPods Pro 2. Chúng đều là những sản phẩm tai nghe TWS (truewireless) được đánh giá cao trên thị trường hiện nay.
Tuy vậy, thứ khiến tôi sẽ mang theo AirPods Pro 2 mỗi ngày chính vì sự kết nối xuyên suốt, ổn định của nó với laptop và điện thoại tôi đang dùng. Tất nhiên, để thuyết phục tôi sử dụng hàng ngày, sản phẩm này cũng là một trong những tai nghe chống ồn tốt nhất hiện tại.
Apple còn cực kỳ khôn khéo khi lôi kéo người dùng về phía họ bằng cách tặng 6 tháng dùng miễn phí dịch vụ Music khi mua tai nghe mới. Như vậy tôi có thêm lựa chọn để so sánh với Spotify vốn đang được ưu tiên sử dụng.
Tất nhiên như mọi hệ sinh thái khác, một số tính năng đặc sắc trên AirPods Pro 2 chỉ phát huy khi kết hợp với iPhone!
AirPods Pro 2 ra đời 3 năm sau khi thế hệ Pro đầu tiên của dòng tai nghe này ra mắt. Điều này là bởi chiếc AirPods Pro đời đầu đã đáp ứng tốt các nhu cầu của người dùng iPhone. Thế hệ mới nhất này có những nâng cấp về phần cứng và tính năng bên trong. Thiết kế bên ngoài chỉ có vài thay đổi rất nhỏ.
Đầu tiên, sản phẩm này dùng chip xử lý Apple H2 - bộ não đứng sau những thuật toán như chống ồn chủ động, âm thanh 3 chiều, và tối ưu thời lượng sử dụng pin. Nó cũng đảm nhiệm việc tính toán để cá nhân hoá âm thanh cho từng người dựa trên khuôn mặt và cấu trúc tai của họ.
Theo Apple, tính năng chống ồn chủ động trên AirPods Pro 2 được tăng lên gấp đôi so với thế hệ trước. Điều này được thực hiện nhờ một micro chống ồn kết hợp với một lỗ thông hơi trên tai nghe, cùng nhau phát hiện ra các tạp âm để loại bỏ nó trước khi đến tai người dùng.
So sánh về khả năng chống ồn, tai nghe này lọc gần như toàn bộ tiếng động cơ xe, tiếng còi và tiếng ồn ào công trường, ở một mức cao hơn so với AirPods Pro. Nếu so với Huawei Freebuds Pro 2, tai nghe của Apple có xu hướng giữ lại tiếng người nói, còn lại khả năng lọc ồn khá tương đồng.
Năm nay, Apple kèm thêm trong hộp một cặp núm tai (eartip) cỡ rất nhỏ (XS), để phù hợp với những người có cấu trúc ống tai nhỏ. Với tổng cộng 4 núm tai tất cả các kích cỡ, chiếc tai nghe sẽ được đeo khít với nhiều người. Việc này vừa giúp giữ tai nghe không bị rơi rớt, vừa góp phần hạn chế tiếng ồn lọt vào tai.
Như một số dòng tai nghe khác trên thị trường, sản phẩm của Apple có tính năng kiểm tra độ vừa vặn của tai nghe với tai người dùng. Tính năng này sẽ mở một đoạn âm thanh, sau đó dùng các thuật toán để đo độ khít của tai nghe.
Một trong những tính năng đáng chú ý trên thế hệ AirPods Pro mới là Adaptive Transparency. Tính năng này cho phép người đeo vừa nghe âm thanh từ tai nghe, vừa lắng nghe những âm thanh chung quanh. Người dùng có thể vừa nghe nhạc khi làm việc, vừa nghe tiếng đồng nghiệp trò chuyện. Hoặc có thể vừa nghe podcast vừa đi bộ trên đường mà vẫn nghe được môi trường chung quanh.
Theo Apple, các loại tiếng ồn như tiếng còi hú, tiếng máy công trường sẽ được giảm xuống trong chế độ này.
Một cải tiến mới quan trọng trên thế hệ AirPods Pro mới chính là khả năng điều khiển cảm ứng trên phần đuôi tai nghe, vốn không có trên chiếc tiền nhiệm. Người dùng có thể vuốt lên xuống để điều khiển âm lượng; bấm vào để bật/dừng nhạc, hoặc nghe/dừng cuộc gọi. Người dùng cũng có thể bấm giữ để chuyển đổi giữa chế độ chống ồn và Adaptive Transparency.
Tôi thường ít dùng tính năng này, một phần vì ngón tay tôi hơi to so với thân tai nghe nên khó điều khiển, phần khác là do tôi luôn có chiếc iPhone bên cạnh để thao tác.
Một tính năng có trên AirPods 3 cũng được đưa lên sản phẩm cao cấp này, đó là Personalised Spatial Audio – âm thanh không gian được cá nhân hoá. Tính năng này sử dụng camera iPhone để chụp ảnh khuôn mặt và hai tai người dùng, từ đó sẽ phát nhạc phù hợp với từng cấu trúc tai và đầu của mỗi người. Tính năng này sử dụng được trên các thiết bị phát nhạc của Apple khi kết nối với AirPods Pro 2, và dường như chỉ hoạt động tốt với Apple Music.
Hộp đựng AirPods Pro 2 có cùng kích thước và nhìn sơ qua không khác gì thế hệ trước. Song, nó đã được gán thêm một móc cài để người dùng gắn dây đeo. Nó cũng được trang bị thêm một loa nhỏ, để phát ra âm thanh khi người dùng sử dụng tính năng tìm kiếm (Find My) nếu chẳng may tai nghe bị lạc. Loa này cũng dùng để báo tình trạng pin của tai nghe.
Thêm một cải tiến mới trên chiếc tai nghe này là khả năng sử dụng dây sạc của Apple Watch để sạc cho hộp đựng. Như vậy, người dùng hệ sinh thái Apple có thể tận dụng dây sạc đồng hồ để sạc cho tai nghe. Ngoài ra, hộp đựng cũng tương thích với sạc MageSafe và sạc không dây chuẩn Qi của bên thứ 3.
Theo Apple, tai nghe có thể sử dụng liên tục 6 giờ đồng hồ khi bật chống ồn, 30 giờ khi dùng với hộp sạc. Thực tế trải nghiệm nhanh cho thấy, tai nghe từ khi đầy pin, dùng liên tục 5 tiếng đồng hồ kết hợp giữa các chế độ, thì sau 5 giờ đồng hồ sẽ báo pin yếu (dưới 10%).
Nhìn chung, AirPods Pro 2 là một phiên bản nâng cấp so với thế hệ trước ở những trải nghiệm cộng thêm cho người sử dụng. Nếu đang dùng phiên bản ra mắt cách đây 3 năm, người dùng có thể không cần nâng cấp lên thế hệ mới. Trường hợp mua mới, chiếc tai nghe dòng Pro này rất đáng giá với người dùng sản phẩm Apple.
Ở tầm giá trên 5 triệu đồng, AirPods Pro 2 sẽ có một số đối thủ mạnh như Jabra Elite 85t, Sennheiser Momentum True Wireless 3, Sony WF-1000XM4, Bose QuietComfort Earbuds. Tuy nhiên, chắc chắn các tai nghe của bên thứ 3 không thể so với tai nghe của Apple về khả năng kết nối với hệ sinh thái điện thoại, máy tính bảng, laptop của hãng.
Hải Đăng