Phản ánh tới Báo, nhiều hộ gia đình ở các xóm: Mỏ Đinh, Là Đông, Là Bo, Thắng Lợi và Hợp Nhất của xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên cho biết họ đang rơi vào tình cảnh khóc dở, mếu dở khi vụ thu hoạch bí ngô năm nay bỗng nhiên bị mất mùa và rớt giá thảm hại khi giá bán chỉ bằng 1/10 so với giá của năm trước.
Với giá bán chỉ 2.000 đồng/kg, người nông dân trồng bí ngô làm vất vả cả năm mà không có công. Ảnh: Kiều Hải. |
Tìm hiểu thực tế được biết, mặc dù bí ngô không phải là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện, tuy nhiên nhiều năm nay bà con nơi đây đã tận dụng diện tích đất trồng cây ăn quả chưa khép tán để trồng loại sản phẩm này bên dưới tán cây với diện tích tương đối lớn, gần 150ha.
Theo một số người dân, những năm trước đây bí ngô bán tương đối được giá, cứ đến vụ thu hoạch là thương lái ở các tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An, Lạng Sơn, Sơn La lại đổ về mua với số lượng lớn, hàng trăm xe tải chở hàng xếp hàng dài khắp đường vào xóm. Nhưng không hiểu sao năm nay tự nhiên bí ngô lại không có nhiều người đến hỏi mua như trước và giá bán thì bị kéo xuống thấp chưa từng có từ trước tới nay.
Ông Nguyễn Duy Hợi, Giám đốc HTX Đồng Tâm, ở xóm Mỏ Đinh, xã Tràng Xá, một trong những hộ trồng bí ngô lâu năm ở đây cho biết: “Bí ngô được bà con nơi đây trồng từ nhiều năm nay. Năm ngoái toàn vùng này thu hoạch bí ngô đạt sản lượng 600 – 700 tấn với giá bán tốt, trung bình từ 7.000 – 10.000 đồng/kg.
"Gia đình tôi vừa rồi thu hoạch được khoảng 3 tấn, giá bán lúc đầu còn được 2.000 đồng/kg nhưng về sau chỉ còn 1.200 - 1.300 đồng/kg. Tính ra năm nay bán cả tạ bí ngô chỉ mua được 1 cân thịt lợn”, ông Nguyễn Duy Hợi, Giám đốc HTX Đồng Tâm, cho biết. |
Tuy nhiên, năm nay, diện tích trồng bí của bà con tăng gấp đôi mà sản lượng lại chỉ bằng khoảng 50% so với năm trước (xấp xỉ 300 tấn). Cùng với đó, giá bán lại thấp kỷ lục.
Hỏi về nguyên nhân của việc giá bí xuống thấp như năm nay ông Hợi cho biết có thể là do nguồn cung lớn hơn cầu, những năm trước thì thương lái ở các tỉnh còn về mua nhưng năm nay không thấy.
Nghe nói họ cũng làm mô hình này rồi nên có thể không mua nữa. Ngoài ra có thể là do năm nay ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hàng hóa không xuất khẩu được sang Trung Quốc bởi vậy không có người mua dẫn đến rớt giá.
Ông Tạ Đăng Toàn cũng ở xóm Mỏ Đinh phần vì không bán được bí ngô phần vì bán với giá quá rẻ nên cũng không mấy mặn mà với việc thu hoạch. Dẫn chúng tôi đi xem vườn bí ngô, vẫn còn rất nhiều quả nằm la liệt ở đó, quả thì bỏ thối, quả thì vừa độ chín nhưng gia đình ông cũng chẳng buồn thu hoạch.
Nhiều ruộng bí ngô của người dân không thu hoạch do giá rẻ. Ảnh: Kiều Hải. |
Theo ông Toàn, gia đình trồng tất cả 30 túi bí ngô giống với giá 34.000 đồng/100 hạt. Chỉ tiếc là giá mua giống quá cao mà lại mất mùa và bán thì lại chẳng được là bao.
Nói về lý do mất mùa ông bảo có thể là do giống hoặc do thời tiết. Nhưng dù vì lý do gì đi chăng nữa thì cũng chỉ khổ những người dân lam lũ vất vả mà thành quả thu về lại không tưng xứng với công sức, tiền vốn bỏ ra.
Ông Toàn cho biết: “Còn khoảng 1 tấn quả nữa ngoài bãi nhưng bỏ để làm phân cho tốt đất chứ giờ mà thu về không bán được, lại mất tiền thuê người hái thì cũng chết dở.
Một phần trước đó gia đình tôi thu về rồi đổ cạnh bờ ao để làm thức ăn cho cá, một phần tôi để ở góc sân nhà có ai hỏi mua thì bán, mỗi người 1 vài quả, thậm chí ai đưa bao nhiêu tiền thì đưa chứ tôi cũng không ra giá vì nếu không có người mua thì cũng bỏ”.
Ông Tạ Đăng Toàn buồn rầu bên đống bí bỏ đi cho cá. Ảnh: Kiều Hải. |
Đến gia đình chị Nguyễn Thị Huyền và anh Tạ Văn Phước ở xóm Thắng Lợi, xã Tràng Xá, hộ trồng bí ngô nhiều nhất trong vùng được biết gia đình anh chị vừa mới bắt đầu thu hoạch lứa đầu tiên.
Chị Huyền cho biết: Năm nay gia đình chị trồng gần 500 túi bí giống, vừa rồi thu hoạch được tất cả gần 30 tấn. Hôm rồi chở đi Hà Nội gần chục tấn bán với giá 2.000 đồng/kg để người ta chăn lợn.
Còn gần hai chục tấn nữa cả thu hoạch rồi và chưa thu hoạch gia đình chị dự định sẽ bán nốt, rẻ cũng bán để bù lại phần vốn đã bỏ ra, mặc dù với giá này có thể không lỗ nhưng coi như năm nay làm vất vả mà không có công.
Trao đổi với ông Phạm Việt Tiến – Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai, cùng phóng viên đi thị sát tình hình thực tế, ông Tiến cho biết: Võ Nhai là huyện được tỉnh xác định là vùng chiến lược về sản xuất cây ăn quả, trong đó đã hình thành nhiều vùng cây ăn quả tập trung trong đó có vùng Đông Bo này.
Ngoài cây nhãn và cây ăn quả là sản phẩm chủ lực thì khu vực này còn có bí cô tiên là sản phẩm đã có thương hiệu trên thị trường nhưng mới ở phạm vi nhỏ chứ huyện chưa xác định là sản phẩm chủ lực.
Những năm trước, thương lái từ các nơi như miền Nam, Lạng Sơn đều đến đây lấy để xuất khẩu, nhưng năm nay thị trường đã bị thu hẹp lại.
Bên cạnh đó, giá cả và sản lượng bí của năm nay cũng tụt hơn so với năm ngoái do nhiều tỉnh trước đó từng thu mua họ đã tự sản xuất được loại bí này. Do đó để sản phẩm bí ngô nói riêng và các sản phẩm nông nghiệp nói chung phát triển bền vững trên thị trường thì việc cần làm trước tiên là phải dán được tem nhãn truy xuất nguồn gốc để đi vào các siêu thị trên địa bàn cả nước.
Lãnh đạo UBND huyện Võ Nhai đi cơ sở nắm tình hình thực tế. Ảnh: Kiều Hải. |
Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai cho biết thêm, để làm được điều đó đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước phải vào cuộc và nhân dân khu vực sản xuất bí này phải cùng nhau đồng hành, tránh tình trạng không chịu vào HTX, mạnh ai người nấy làm thì sẽ không thể nào xây dựng được thương hiệu.
(Theo Nông Nghiệp Việt Nam)