Thanh khoản tụt áp

Trong tháng 4/2022, chỉ số VN-Index giảm trên 10%, từ mức đỉnh cao 1.524 điểm hồi đầu tháng xuống mức 1.300-1.350 điểm. Mức chiết khấu này được đánh giá là khá cao trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam được dự báo có triển vọng tích cực và đa số doanh nghiệp vẫn đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận tốt.

Sau một chuỗi ngày giảm mạnh từ đầu tháng, thị trường chứng khoán bắt đầu chứng kiến những phiên hồi phục vào những phiên cuối tháng do áp lực bán ra không còn quá căng thẳng, nhiều người chấp nhận “gồng lỗ” không bán cổ phiếu, trong khi sức cầu bắt đáy xuất hiện. Tuy nhiên, thanh khoản trên thị trường khá thấp.

Trong phiên giao dịch 27/4, thanh khoản giảm mạnh, chỉ đạt 16,5 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn, trong đó trên HOSE đạt 14,5 nghìn tỷ đồng. Mốc tỷ USD/phiên được duy trì liên tục trong cả năm qua đã bị đánh mất.

Thanh khoản trung bình trên HOSE.

Mức thanh khoản hiện tại thấp hơn khá nhiều so với trung bình 26,3 nghìn tỷ đồng/phiên trong năm 2021, nhưng còn cao hơn so với mức trung bình 7,5 nghìn tỷ đồng/phiên trong năm 2020 (khi chỉ số VN-Index quanh ngưỡng 700-900 điểm).

Trong phiên 26/4, thị trường cũng lội ngược dòng ngoạn mục với cú tăng 30 điểm vào buổi chiều sau khi đã giảm 50 điểm trong buổi sáng. Nhưng thanh khoản vẫn thấp hơn mức trung bình 20 phiên.

Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thanh khoản vẫn duy trì dưới mức trung bình 20 phiên cho thấy dòng tiền bắt đáy còn thận trọng và không dàn trải toàn thị trường.

Đây là một diễn biến khác so với năm 2021, khi mà chỉ số VN-Index mỗi khi giảm sâu 40-70 điểm thì sức cầu bắt đáy tăng vọt, thanh khoản lên ngưỡng 1,5-2,5 tỷ USD trong những phiên đó. Cụ thể, trong phiên 6/11/2021, áp lực bán chốt lời cùng với làn sóng bán tháo đã kéo chỉ số VN-Index mất hơn 45 điểm. Song, sức cầu bắt đáy lớn giúp thanh khoản lần đầu tiên trong lịch sử đạt ngưỡng 2 tỷ USD/phiên.

Trong phiên 20/11/2021, chứng khoán lập kỷ lục mới, đạt 56,3 nghìn tỷ đồng (2,4 tỷ USD) khi áp lực chốt lời khiến chỉ số VN-Index có lúc giảm tới 32 điểm. Thị trường biến động rất mạnh, nhiều mã chứng kiến sự chuyển đổi trạng thái mạnh mẽ, từ giảm sàn sang tăng trần nhờ lực cầu bắt đáy lớn.

Tình hình hiện nay khác nhiều so với năm trước. Mức độ quay vòng hiện nay của dòng tiền có dấu hiệu chậm trở lại.

Giá trị giao dịch bình quân tháng trên 3 sàn.

Dòng tiền bị đảo ngược

Dòng tiền suy giảm diễn ra trong bối cảnh kinh tế Việt Nam vẫn được dự báo tăng trưởng tốt.

Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 6% năm 2022 và 7,2% năm 2023. Tỷ lệ lạm phát dự báo đạt mức 3,9%, rất gần với mục tiêu kiểm soát được đặt ra là 4%.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo GDP Việt Nam sẽ phục hồi ở mức 6,5% trong năm nay và tăng trưởng mạnh mẽ hơn ở mức 6,7% năm 2023 do tỷ lệ tiêm chủng cao, thương mại và các chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng được đẩy mạnh.

Việc mở cửa trở lại hoạt động du lịch và nới lỏng các biện pháp kiểm soát đại dịch được kỳ vọng sẽ thúc đẩy dịch vụ. Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công sẽ thúc đẩy xây dựng và các hoạt động kinh tế liên quan. 

VN-Index giảm mạnh trong tháng 4/2022.

Theo SSI Research, lợi nhuận hầu hết doanh nghiệp đầu ngành ngân hàng, cảng biển, thép, phân bón… đều tăng trưởng mạnh trong quý I/2022. Nhiều doanh nghiệp ghi nhận mức tăng bằng lần.

Tín hiệu vi mô và vĩ mô vẫn khá tốt nhưng điều mà nhiều nhà đầu tư lo ngại chính là dòng tiền trên diện rộng có thể bị rút ra khỏi thị trường cổ phiếu. Lý do là bởi sức hấp dẫn kém đi, các doanh nghiệp đưa vốn trở lại sản xuất, lãi suất tiền gửi ngân hàng tăng và một lượng tiền có thể bị hút do hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp không còn thuận lợi.

Đại diện một công ty quản lý tài sản lo ngại về khả năng cấu trúc dòng tiền thay đổi sau vụ trái phiếu Tân Hoàng Minh. 

Những số liệu ban đầu cho thấy, giá trị trái phiếu phát hành của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng. Trong đó, có khoảng 170 nghìn tỷ đồng trái phiếu sẽ đáo hạn trong năm nay và 2 năm tiếp theo.

Không ít người lo ngại, dòng tiền bị rút ra khỏi TTCK để bù đắp cho những lô trái phiếu đến hạn thanh toán. Thị trường trái phiếu sẽ gặp khó sau vụ Tân Hoàng Minh bởi nhiều khả năng sẽ có rất ít trái chủ tái đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.

Với các trái phiếu đã phát hành, doanh nghiệp có thể huy động các nguồn tiền để thanh toán cho trái chủ từ các kênh như: tín dụng ngân hàng, trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu quốc tế, trái phiếu đại chúng, cổ đông chiến hoặc hoặc buộc phải bán các dự án của mình hoặc bán cổ phiếu.

Trong hầu hết các kênh, khả năng thành công là không cao trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước đang siết chính sách tiền tệ, trong khi phát hành trái phiếu ngày càng khó khăn hơn với các tiêu chuẩn cao hơn cũng như tâm lý thận trọng sau các sự cố.

Cấu trúc dòng tiền tại nhiều doanh nghiệp rõ ràng sẽ phải thay đổi sau vụ Tân Hoàng Minh và các doanh nghiệp cũng như thị trường cần thời gian vài ba quý để thích ứng. Việc thay đổi sẽ phụ thuộc và giải pháp của từng doanh nghiệp.

Dù vậy, dự báo tổng giá trị lợi nhuận và tiền mặt của các doanh nghiệp niêm yết là khá lớn so với giá trị trái phiếu đáo hạn sắp tới (chủ yếu doanh nghiệp bất động sản). Tình trạng vẫn ở mức tích cực, không đáng ngại. Sự lo ngại trên thị trường chứng khoán thời gian gần đây được cho chủ yếu là vấn đề tâm lý.

M. Hà

Sáng giảm mạnh, chiều tăng: Chứng khoán hồi phục phiên thứ 2 liên tiếp

Sáng giảm mạnh, chiều tăng: Chứng khoán hồi phục phiên thứ 2 liên tiếp

Thị trường chứng khoán mở cửa phiên giao dịch mới giảm khá mạnh với VN-Index mất 17 điểm khi mà áp lực bán vẫn còn áp đảo sức cầu bắt đáy.