Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, rau quả là nguồn cung cấp cho cơ thể các vitamin và muối khoáng để phòng chống các bệnh thiếu vi chất. Rau thơm khá đa dạng (xà lách, húng láng, mùi, kinh giới... ) cung cấp cho cơ thể một lượng vitamin C, A, E, chất khoáng và một số yếu tố vi lượng. 

Các vitamin trong rau sống được bảo toàn nguyên vẹn, ít bị hao hụt so với khi nấu chín. Ngoài ra, các loại rau thơm còn cung cấp lượng kháng sinh thực vật giúp cơ thể tăng sức đề kháng với bệnh tật. 

Tuy nhiên, nếu rau sống không đảm bảo an toàn vệ sinh (trong khi canh tác sử dụng phân bón như phân tươi, phân chuồng chưa ủ kỹ, sử dụng thuốc trừ sâu không đúng quy định...) lại là món ăn mang theo mầm bệnh cho người sử dụng. Các loại ký sinh trùng phổ biến trong rau sống là giun kim, giun móc, giun tóc, trứng giun đũa chó, sán lá gan, ký sinh trùng amip…

W-rua-rau-1.png
Nước dùng để rửa rau sống phải đảm bảo sạch. Ảnh: Hoàng Linh

Chưa kể, cách rửa rau sống không đúng khoa học có thể khiến người ăn dễ bị viêm nhiễm đường tiêu hóa, nhiễm bệnh giun sán... Thực tế, nhiều người đã lựa chọn cách ngâm rau, củ, quả vào nước muối trước khi sử dụng với kỳ vọng dung dịch này giúp loại bỏ nhiều loại vi khuẩn, tạp chất, an toàn hơn, lại không gây hại hay ảnh hưởng tới chất lượng món ăn hay sức khỏe.

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Ôxy cao áp Việt-Nga (Bộ Quốc phòng) cho rằng đến nay chưa có bằng chứng khoa học nào khẳng định việc rửa rau bằng nước muối có thể giúp loại bỏ được ký sinh trùng và hoá chất tồn dư. Hơn nữa, cách ngâm rau với nước muối quá lâu còn làm rau dập nát, mất đi các vitamin, khoáng chất. Thậm chí, khi rau được ngâm trong nước muối vô tình làm tăng hàm lượng muối đưa vào cơ thể, về lâu dài không tốt cho tim mạch, gây tăng huyết áp.

TS.BS Trần Huy Thọ, Phó giám đốc Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, chia sẻ quá trình thăm khám ông gặp nhiều bệnh nhân cho biết rất cẩn thận trong ăn uống, không bao giờ ăn đồ tái và thường xuyên ngâm rau sống vào nước muối trước khi sử dụng nhưng vẫn bị nhiễm ký sinh trùng.

Nhiều người ngâm nước muối nhưng không biết chính xác tác dụng của việc này. Ngâm muối không phải để sát khuẩn rau, mục đích chính là tạo môi trường để trứng giun, sán nổi lên, Tiến sĩ Thọ nói. Người dân cần ngâm muối để các trứng giun, ấu trùng nổi lên. Sau đó, chúng ta dìm rau xuống và chắt nước ra, như vậy trứng giun, sán nổi lên trên và bị đổ theo nước ra ngoài. Nếu ngâm rau trong nước muối sau đó nhấc lên sẽ không có tác dụng khi trứng, ấu trùng lại tiếp tục bám vào rau.

Rửa rau đúng cách như thế nào?

Theo Cục An toàn thực phẩm, phải đảm bảo nước dùng để rửa phải sạch, rửa dưới vòi nước chảy từ 3 nước trở lên, sau đó tùy vào từng loại rau để có cách rửa khác nhau:

- Nếu là cọng rau lá to: như cải xanh, xà lách…, phải bẻ ra từng nhánh, từng lá, để dưới vòi nước chảy mạnh một lúc lâu cho sạch hết ký sinh trùng nếu có. Lật tiếp qua bề mặt kia rửa tương tự như vậy. Sau đó bỏ vào thau, rửa lại bình thường một hoặc hai nước.

- Nếu là rau cọng nhỏ: như cải xoong, rau muống…, để vào thau rồi đảo qua, đảo lại nhiều lần, ít nhất cũng phải thay năm, sáu nước như vậy. 

Đối với các gia đình, khi mua rau về, dù là rau sạch bán ở các siêu thị vẫn phải rửa thật sạch, tốt nhất là rửa từng lá rau dưới vòi nước chảy nhiều lần để vi khuẩn, trứng ký sinh trùng và hoá chất còn bám trên rau trôi đi trước khi sử dụng.   

Để phòng nhiễm ký sinh trùng từ rau sống, các bác sĩ khuyến cáo người dân tốt nhất không nên ăn rau sống, nhất là khi đi ăn ở hàng quán, hay những quán ăn vỉa hè bị hạn chế về nguồn nước sạch và không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.