Tham gia BHXH khi đủ điều kiện về tuổi nghỉ hưu và thời gian tham gia thì người lao động được hưởng lương hưu hàng tháng, đảm bảo cuộc sống khi về già. Đồng thời, trong thời gian nghỉ hưu được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí (với mức hưởng 95% chi phí khám, chữa bệnh) để chăm sóc sức khỏe. Mặt khác, do mức hưởng lương hưu được định kỳ được điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế nên người hưởng lương hưu luôn được bảo toàn giá trị, không bị rủi ro khi đồng tiền mất giá.

Thực ra tiền, tài sản không gắn liền với nhân thân con người như khi tham gia BHXH. Tiền, tài sản khác có thể mất đi vĩnh viễn, không thể lấy lại được dù có bao nhiêu đi chăng nữa. Tuy nhiên, nếu tham gia BHXH thì lúc đến tuổi nghỉ hưu, già yếu sẽ được hưởng lương hưu từ Quỹ BHXH do Nhà nước bảo đảm.

Mệt mỏi chờ rút BHXH vì quá đông. Ảnh: Thanh Tùng

Đặc biệt với sự ra đời của Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH đã tạo điều kiện tối đa cho người lao động được hưởng lương hưu. Theo đó, sẽ chủ trương giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới 10 năm nên việc tham gia BHXH có nhiều thuận lợi, quyền lợi và ưu điểm so với trước.

Bởi vì, khi không còn sức lao động thì tiền lương hàng tháng rất quan trọng để trang trải cuộc sống. Ví dụ, tại thời điểm hiện nay nếu điều chỉnh mức lương hưu hàng tháng thấp nhất thì bằng mức tiền lương cơ sở - khoảng 1.500.000 đồng thì chia ra 30 ngày thì người nghỉ hưu vẫn có 50.000 đồng/ngày để trang trải cuộc sống hàng ngày. Trong thực tế xã hội cho thấy nhiều người lúc còn trẻ, còn sức khỏe kiếm được rất nhiều tiền, có khối tài sản lớn nhưng do biến cố nào đó hoặc làm ăn thua lỗ, phá sản... thì cuối đời lại tay trắng, không "đồng xu dính túi".

Người rút BHXH một lần đang làm thủ tục nhận tiền. Ảnh: Thanh Tùng

Từ năm 1995 đến nay, Nhà nước đã thực hiện 22 lần điều chỉnh lương hưu để đảm bảo cuộc sống cho người về hưu. Ngay như năm 2022 mặc dù kinh tế khó khăn nhưng lương hưu vẫn được điều chỉnh tăng 7,4%. Đặc biệt, những người nghỉ hưu trước năm 1995 mà sau khi điều chỉnh nếu mức lương hưu dưới 2.500.000 đồng/tháng còn tiếp tục được điều chỉnh thêm. Điều này cho thấy Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến những người hưu trí, tham gia BHXH không còn sức lao động đảm bảo cuộc sống, hạn chế tối đa yếu tố lạm phát hay trượt giá đối với lương hưu.

Vì vậy, tình trạng một số nơi người lao động ồ ạt rút BHXH một lần là điều rất đáng tiếc, thiệt thòi cho chính người lao động. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến chính sách hướng tới đảm bảo an sinh xã hội cho toàn bộ người dân, mọi người khi về già đều có lương hưu mà ảnh hưởng đến chính quyền lợi của người tham gia BHXH. Bởi khi hết tuổi lao động, già yếu sẽ không có lương hưu, không được cấp thẻ BHYT miễn phí và nhiều nguy cơ đối mặt với khốn khó khi già yếu, bệnh tật.

ThS Phạm Văn Chung (Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum)