Thị xã Sa Pa là đơn vị hành chính cấp huyện vùng cao của tỉnh Lào Cai. Với lợi thế về đặc điểm tự nhiên, Sa Pa là một trong những điểm du lịch vùng cao thu hút du khách bậc nhất ở phía Bắc hiện nay. Năm 2016, Sa Pa đã triển khai thực hiện việc phân loại rác tại nguồn nhằm giảm tối đa lượng rác chôn lấp trực tiếp, đảm bảo vệ sinh môi trường và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

20. sa pa.jpg
Công tác dọn dẹp vệ sinh môi trường trên địa bàn Thị xã Sa Pa đã gặt hái được những kết quả tốt.

Báo cáo tại Diễn đàn “Khó khăn, vướng mắc trong thực hiện phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” do Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam và Tạp chí Môi trường và Cuộc sống tổ chức mới đây, đại diện UBND thị xã Sa Pa cho biết: Tổng khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn khoảng 42 - 46 tấn/ngày; trong đó, lượng rác hữu cơ 18 - 20 tấn/ngày, lượng rác vô cơ 24 - 26 tấn/ngày. 

Đối với khu vực đô thị, việc đảm nhiệm công tác vệ sinh, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt đang được tổ chức thực hiện bởi Xí nghiệp môi trường Sa Pa theo dịch vụ công ích đô thị. Xí nghiệp duy trì thực hiện việc vệ sinh, thu gom, vận chuyển rác thải tại các phường với tần suất 2 lần/ngày vào ca buổi sáng và buổi chiều. Toàn bộ lượng rác thải hữu cơ được thu gom, vận chuyển 2 chuyến/ngày đưa đi xử lý tại nhà máy xử lý rác thải Thành phố Lào Cai để sản xuất phân compost; rác thải vô cơ được thu gom, vận chuyển 3 chuyến/ngày đưa đi xử lý tại bãi rác xã Ngũ Chỉ Sơn bằng hình thức phun hóa chất và chôn lấp. Tuy nhiên tỉ lệ thực hiện phân loại mới đạt được 64%.

Đối với khu vực nông thôn, từ năm 2020 đến nay, 10 xã trên địa bàn đang triển khai thực hiện phương án vệ sinh, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt tại khu vực trung tâm xã và một số thôn có dân cư tập trung. Tần suất thu gom 2 – 3 ngày/tuần, định kỳ 1 - 2 tuần thuê xe vận chuyển đến bãi rác thải xã Ngũ Chỉ Sơn, lò đốt rác xã Bản Hồ để xử lý. Tỷ lệ thu gom rác thải nông thôn khu vực trung tâm đạt khoảng 30%. 

Đối với khu vực các thôn xa khu vực trung tâm xã chưa tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, các xã tổ chức tuyên truyền vận động người dân thực hiện việc phân loại rác thải trước khi đưa đi xử lý: rác thải hữu cơ tận dụng tối đa cho chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp. Đối với rác thải vô cơ khác thì xử lý bằng hình thức đốt hoặc chôn lấp trong khuôn viên gia đình, vị trí hố chôn lấp đảm bảo cách xa nhà và các công trình cấp nước sinh hoạt. 

Đối với các loại rác thải khác như vỏ bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) được thu gom vào bể chứa vỏ bao bì, chai lọ hóa chất thuốc BVTV sau sử dụng và được xử lý theo quy định. 

Theo báo cáo của UBND thị xã, kết quả phân loại tại nguồn đạt tỷ lệ 65%, tỷ lệ rác thải hữu cơ chiếm khoảng 40%, rác vô cơ chiếm khoảng 60%, cụ thể: Khu vực các cơ quan, đơn vị, trường học thực hiện phân loại tại nguồn đạt tỷ lệ > 80%; khu vực bệnh viện, trạm y tế thực hiện phân loại tốt đạt 100%; các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống tỷ lệ phân loại đạt gần 60%; khu vực Chợ văn hóa, bến xe khách tỷ lệ phân loại thấp khoảng 40%. Tỷ lệ phân loại rác thải khu vực nông thôn đạt khoảng 30-35%.

Để có những kết quả đáng khích lệ trên, UBND thị xã Sa Pa đã đề ra các giải pháp triển khai cụ thể. Hàng năm phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan ban ngành của thị xã tổ chức tập huấn tuyên truyền về công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn cho các cơ sở sản xuất kinh doanh và người dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, thường xuyên tuyên truyền trên các phương tiện truyền thanh của thị xã và của các phường và trên các xe lưu động của đội quy tắc và xe Trung tâm VH Thể thao - Truyền thông thị xã mỗi tuần 1 lần vào các ngày thứ 7, chủ nhật để nhân dân và du khách được cập nhật. Thị xã cũng thường xuyên thành lập đoàn kiểm tra công tác vệ sinh môi trường và công tác phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn tại các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn thị xã; nhắc nhở và xử phạt vi phạm hành chính đối với các cơ sở có vi phạm.