Chiều 17/10, phiên tòa xét xử vụ án sai phạm xảy ra tại dự án cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi giai đoạn 2 tiếp tục với phần thẩm vấn.

Theo cáo trạng, Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam, định hướng đến năm 2030, được Thủ tướng phê duyệt. Bộ GTVT giao Tổng công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm Chủ đầu tư dự án.

Dự án thực hiện đầu tư bằng nguồn vốn vay rất lớn của các tổ chức tài chính quốc tế, được tổ chức đấu thầu quốc tế rộng rãi, với sự tham gia của các Nhà thầu có đủ năng lực. 

Tuy nhiên, quá trình tổ chức đầu tư xây dựng từ Chủ đầu tư, Ban QLDA, Nhà thầu thi công, Tư vấn giám sát đã buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra giám sát, không tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế được áp dụng cho dự án, dẫn đến tuyến đường khi mới đưa vào sử dụng đã hư hỏng. 

z4787433548367 30b441c0b43c3a897aa4b44387a679a6.jpg
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: DT

Kết quả điều tra, kết luận giám định của cơ quan giám định tư pháp xác định đối với các gói thầu thuộc giai đoạn 2 của dự án, VEC đã thanh toán cho các Nhà thầu thi công các hạng mục xây dựng không đảm bảo chất lượng số tiền hơn 460 tỷ đồng.

Giai đoạn 2 dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có chiều dài từ Km65 - Km139+204, sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới - WB và do Tổ chức tư vấn CDM Smith Inc (Mỹ) thực hiện giám sát thi công. 

Các nhà thầu, gồm: Liên danh Tổng Công ty xây dựng số 1 - Tập đoàn Lotte E&C (Hàn Quốc); Tập đoàn Shandong Luquao Group., Ltd (Tập đoàn Sơn Đông, Trung Quốc); Tập đoàn Jiangsu Provincial Transportation Engineering Group Co., Ltd (Tập đoàn Giang Tô, Trung Quốc); Tập đoàn Lotte E&C (Hàn Quốc); Tập đoàn Posco E&C (Hàn Quốc), thực hiện thi công xây lắp các Gói thầu A1, A2, A3, A4 và A5.

Đối với hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến các đối tượng người nước ngoài tại các Nhà thầu, Tư vấn giám sát thi công các gói thầu thuộc giai đoạn 2 dự án, kết quả điều tra xác định: Có 27 đối tượng người nước ngoài có quốc tịch Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Philippines, Úc.

Các đối tượng gồm: 22 đối tượng tại các Nhà thầu thi công là Giám đốc Ban điều hành, Giám đốc quản lý chất lượng, Kỹ sư và 5 đối tượng tại đơn vị Tư vấn giám sát các gói thầu là Giám đốc dự án, Kỹ sư thường trú, đều đã về nước trước khi khởi tố vụ án.

Cơ quan điều tra (CQĐT) đã có các văn bản ủy thác tư pháp về hình sự đến các cơ quan có thẩm quyền tại 5 nước trên đề nghị phối hợp xác minh, cung cấp nhân thân, lai lịch các đối tượng, làm căn cứ giải quyết vụ án, đến nay chưa có kết quả trả lời. 

Do thời hạn điều tra vụ án đã hết, CQĐT tách vụ án hình sự liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật của 27 đối tượng trên để xem xét xử lý sau khi có kết quả tương trợ tư pháp về hình sự.

Tranh cãi về bồi thường thiệt hại

Tại tòa, đại diện VEC cho hay: “Chúng tôi đã ký kết hợp đồng với các nhà thầu, các nhà thầu phải thực hiện xây dựng tuyến đường đảm bảo an toàn, đúng tiêu chuẩn chất lượng theo phê duyệt. Nếu các nhà thầu thực hiện không đúng, để xảy ra sai sót, gây thiệt hại thì phải bồi thường cho chủ đầu tư”.

Đại diện Tổng công ty xây dựng số 1 không đồng ý yêu cầu bồi thường thiệt hại của VEC vì cho rằng đơn vị đã làm đúng hợp đồng, lỗi nhà thầu không có. Hơn nữa, VEC đang có công nợ với nhà thầu A1 là 150 tỷ đồng khối lượng đã thi công, nhưng chưa được thanh toán.

Đại diện Posco E&C (Hàn Quốc) cũng không đồng tình với yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của VEC. “Đây là trường hợp duy nhất trên thế giới đánh giá chất lượng con đường sau khi đường đã đưa vào sử dung…”, lời đại diện Posco.

Trả lời thẩm vấn tại tòa, đại diện Lotte E&C (Hàn Quốc) cũng không đồng ý với yêu cầu bồi thường của VEC. Theo đại diện Lotte E&C, VEC đã thuê 1 đơn vị kiểm tra chất lượng riêng biệt. Đơn vị này cũng đã kiểm tra quy trình tương tự như bên giám định. Kết quả báo cáo là không có vấn đề gì. Sau đó, cơ quan nghiệm thu quốc gia cũng đã đánh giá đạt chất lượng theo yêu cầu và đã đưa đường vào sử dụng. 

Theo hợp đồng, Lotte E&C sẽ bảo hành 2 năm sau khi đưa vào sử dụng. Trong thời gian 2 năm đó, đơn vị không nhận được phản ánh gì về sai sót, cũng không nhận được công văn yêu cầu gì về việc sửa chữa bảo trì phát sinh trên gói thầu mà Lotte E&C đảm nhiệm.

Liên quan đến vụ án, giống như Tập đoàn Lotte E&C (Hàn Quốc) và Tập đoàn Posco E&C (Hàn Quốc), Tập đoàn Shandong Luquao Group., Ltd (Tập đoàn Sơn Đông, Trung Quốc) cùng Tập đoàn Jiangsu Provincial Transportation Engineering Group Co., Ltd (Tập đoàn Giang Tô, Trung Quốc) được triệu tập đến tòa với tư cách bị đơn dân sự.

Hai đơn vị trên ủy quyền cho đại diện tham gia phiên tòa nhưng giấy ủy quyền chưa được hợp pháp hóa lãnh sự nên chưa được tòa công nhận.

Trả lời thẩm vấn tại tòa, giám định viên cho hay đã giám định theo đúng quy định, quy trình, quy chuẩn. “Chúng tôi làm việc rất căng thẳng, quan trên trông xuống, ở dưới người dân trông vào”, lời vị giám định viên.

Theo giám định viên, không phải hư hỏng mới sai, mà thi công sai thì là sai, căn cứ đưa ra của Lotte E&C (Hàn Quốc) và Posco E&C đều không có căn cứ...