Nhóm Think Playgrounds, hay được gọi với cái tên “Nghĩ về sân chơi trong thành phố” gồm thành viên là các tình nguyện viên, cùng 7 kiến trúc sư đã cùng nhau xây dựng những sân chơi miễn phí, để trẻ em có được không gian vui chơi đúng nghĩa. Điểm đặc biệt của những sân chơi này là thiết bị, đồ chơi cho trẻ em hầu hết được làm bằng đồ tái chế như lốp xe, dây thừng, gỗ pallet có giá rẻ… Những vật liệu này được tình nguyện viên sơn các màu sắc khác nhau, tạo thành những đồ chơi độc đáo thu hút trẻ em.
Một sân chơi tại khu tập thể D2B Phương Mai được trang bị nhiều đồ chơi làm từ vật liệu tái chế. Do diện tích nhỏ, nên mặt tường được vẽ những hình ảnh ngộ nghĩnh để tạo cảm giác thích thú cho trẻ.
Với tinh thần “Làm sân chơi không khó, đồ đạc có sẵn xung quanh ta”, nhóm Dự án “Nghĩ về sân chơi trong thành phố” đã xây dựng sân chơi đầu tiên tại khu vực bãi giữa sông Hồng vào tháng 5 năm 2014, và đến nay vẫn hoạt động khá tốt. Địa điểm để xây dựng sân chơi cũng cần được lựa chọn kỹ lưỡng, anh Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, đồng sáng lập Think Playgrounds cho biết: “Công việc chọn địa điểm phụ thuộc vào hoàn cảnh thực tế sau khi nhóm khảo sát, sau đó làm việc với khu dân cư để đưa ra phương án sân chơi thích hợp nhất”.
Nhóm đã tổ chức hai sự kiện cho trẻ em là Play Day và Play Street. Trong đó, điểm nhấn là dự án thử nghiệm mô hình sân chơi di động tại phố Đào Duy Từ. Dự án là sự phối hợp ba bên giữa Think Playgrounds, tổ chức HealthBridge của Canada và Ban quản lý Phố Cổ Hà Nội. Chị Chu Kim Đức, đồng sáng lập Think Playgrounds chia sẻ: “Nhóm chọn phố Đào Duy Từ để trẻ em quanh khu vực phố cổ đến chơi, vì đây là nơi kinh doanh sầm uất, nhưng hầu như không có dịch vụ miễn phí nào cho trẻ em”.
Từ giữa năm 2014 đến nay, nhóm đã xây dựng khoảng 8 sân chơi trong các khu dân cư như Tuệ Viên (phường Cự Khối, Long Biên), khu D2B Phương Mai, khu tập thể Trung Tự (Đống Đa), khu tập thể Bộ Thủy sản (phố Nguyễn Công Hoan)... Nhóm còn kêu gọi các tổ chức hỗ trợ trồng thêm cây để tạo bóng mát cho các em.
Một số hình ảnh độc đáo của những sân chơi làm bằng vật liệu tái chế Thethaovanhoa.vn ghi lại:
Đồ chơi tái chế với màu sắc bắt mắt thu hút trẻ em ở mọi độ tuổi, giúp các em vui chơi một cách thoải mái.
Những đồ chơi mô phỏng đồ vật ngoài đời thật như chiếc ô tô này cũng khá thu hút trẻ em.
“Sân chơi tái chế” nào cũng có những tấm nhún hình tròn để trẻ em rèn luyện thể chất.
Vật dụng đơn giản như chiếc dây thừng cũng được sáng tạo thành trò chơi thú vị.
Hầu hết những đồ chơi trong sân được chế tạo theo hướng khuyến khích sự vận động của trẻ em, giúp trẻ vận động rèn luyện sức khỏe.
Cầu thăng bằng là trò chơi thu hút nhiều trẻ em bởi nó có “độ khó”, khiến trẻ muốn “chinh phục thử thách”.
Từ những sợi dây thừng và những thanh gỗ rực rỡ màu sắc có thể tạo ra một ngôi nhà trên cây độc đáo với chiếc cầu trượt, cũng thu hút khá nhiều trẻ em tại khu tập thể Trung Tự, quận Đống Đa.
Trò chơi leo núi dành cho những đứa trẻ ưa thích mạo hiểm.
Sân chơi tại khu tập thể Bộ Thủy sản có diện tích nhỏ, nhưng cũng được trang bị những trò chơi độc đáo để những đứa trẻ không cảm thấy nhàm chán.
Những thanh gỗ và những lốp xe cũ được ghép nối, cách điệu thành chiếc tàu thủy màu sắc.
Những ống nhựa cũng được cách điệu thành chiếc ống nhòm cho các “thủy thủ nhí”.
Chiếc dây thừng được buộc chắc chắn cũng được trẻ em sáng tạo ra những cách chơi khác nhau.
Những sợi dây thừng và ống tre được lắp ghép thành xích đu, trò chơi phổ biến ở nhiều sân chơi.
Các sân chơi tái chế đều có những chiếc bập bênh được làm từ lốp xe và gỗ.
Bên cạnh những trò chơi, những bức tường màu sắc khiến không gian của trẻ em trở nên thú vị hơn.
Theo Thể thao Văn hóa