Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố tình hình giao dịch trong tháng 10 với nhiều điểm đáng chú ý, trong đó có hiện tượng mua ròng ở mức lớn nhất kể từ đầu năm và thị trường tiếp tục xu hướng giảm mạnh.

Trong tháng 10, nhiều cổ phiếu giảm mạnh và mất ngưỡng vốn hóa tỷ USD.

Theo HNX, trong tháng 10, cổ phiếu có khối lượng giao dịch lớn nhất là mã chứng khoán SHS của CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội với tỷ trọng 15,53% khối lượng giao dịch toàn thị trường, tương đương hơn 211 triệu cổ phiếu được giao dịch; tiếp theo là cổ phiếu PVS của Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam với tỷ trọng 11,19%, tương đương hơn 152 triệu cổ phiếu được giao dịch.

CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) là doanh nghiệp do ông Đỗ Quang Vinh (con trai ông Đỗ Quang Hiển - Bầu Hiển) làm chủ tịch.

Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội từng có vốn hóa lên ngưỡng tỷ USD khi cổ phiếu SHS lên mức 30.000 đồng/cp hồi cuối tháng 11/2021. Tuy nhiên, cổ phiếu này giảm mạnh và tới cuối tháng 10/2022, có lúc xuống dưới ngưỡng 7.000 đồng/cp, vốn hóa xuống chỉ còn 5.700 tỷ đồng.

SHS ghi nhận lợi nhuận 9 tháng 2022 lao dốc so với cùng kỳ. (Nguồn: BCTC)

Thị trường chứng khoán chung giảm mạnh, với chỉ số VN-Index từ 1.520 điểm xuống vùng 1.000 điểm như hiện tại khiến nhiều cổ phiếu chứng khoán lao dốc. Hàng loạt cổ phiếu rơi tự do, thủng đáy dài hạn.

Các cổ phiếu chứng khoán như SSI, VND, VCI, HCM, MBS, SHS... đều đồng loạt giảm sâu, thị giá mất khoảng 60-75% so với đỉnh. Trên thị trường không còn công ty chứng khoán nào có vốn hóa tỷ USD.

Sự sụt giảm về thanh khoản trên thị trường chứng khoán, cùng với việc giá cổ phiếu giảm, khiến hoạt động môi giới, tự doanh và cho vay của các công ty chứng khoán bị ảnh hưởng mạnh.

Giai đoạn bùng nổ, thanh khoản trên thị trường thường xuyên đạt trên ngưỡng 1 tỷ USD/phiên, có những ngày giao dịch đạt tới 2,4 tỷ USD. Số lượng tài khoản mở mới có tháng lên tới 450.000.

Tuy nhiên, gần đây sự ảm đạm bao trùm, thị trường chỉ ghi nhận 10.000-15.000 tỷ đồng/phiên.

Kết quả kinh doanh kém khiến nhiều cổ phiếu chứng khoán, trong đó có Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội của con trai Bầu Hiển, miệt mài mò đáy.

Chứng khoán SHS báo lãi quý III/2022 sụt giảm 64% so với cùng kỳ xuống còn hơn 88,2 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2022, SHS báo lợi nhuận sau thuế giảm hơn 41 lần xuống còn hơn 20 tỷ đồng do khoản lỗ lớn quý II, đạt gần 1% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Sàn chứng khoán Hà Nội mất 1,7 tỷ USD trong tháng 10

Trong tháng 10, Sàn Hà Nội diễn biến tiêu cực như Sàn Chứng khoán TP.HCM. Chỉ số HNX Index có xu hướng giảm, đan xen một số phiên phục hồi nhẹ; đóng cửa tháng 10/2022 đạt 210,43 điểm, giảm 15,91% so với tháng 9/2022. Trong đó, phiên giao dịch ngày 26/10, HNX Index đạt 205,95 điểm, là mức thấp nhất của chỉ số này kể từ đầu tháng 2/2021. 

Thanh khoản trên thị trường trong tháng 10/2022 tiếp tục giảm mạnh. Tổng khối lượng giao dịch cổ phiếu toàn thị trường đạt 1,26 tỷ cổ phiếu, giá trị giao dịch tương ứng đạt hơn 20 nghìn tỷ đồng. Tính bình quân, khối lượng giao dịch đạt hơn 60 triệu cổ phiếu/phiên, giá trị giao dịch đạt hơn 963 tỷ đồng/phiên, giảm tương ứng 12,7% và 32% so với tháng trước.

Biến động chỉ số HNX-Index và khối lượng giao dịch cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. (Nguồn: HNX)

Các chỉ số ngành đều giảm điểm trong tháng 10/2022, trong đó nhóm ngành giảm điểm nhiều nhất là tài chính với mức giảm gần 20,8%; ngành xây dựng giảm gần 17,3%; ngành công nghiệp giảm gần 10,9%...

Các chỉ số quy mô cũng đều giảm điểm, chỉ số LargeCap dành cho các doanh nghiệp có quy mô lớn giảm gần 17,5%; chỉ số Mid/SmallCap dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ giảm gần 12,3% so với cuối tháng 9/2022.

Một số cổ phiếu ngược dòng trên sàn Hà Nội bao gồm: PRC của CTCP Logistics Portserco với mức tăng 50%; TJC của CTCP Dịch vụ Vận tải và Thương mại với mức tăng hơn 30,1%; ARM của CTCP Xuất nhập khẩu hàng không tăng hơn 25,9%; KST của CTCP KASATI tăng gần 22,5%.

Trong tháng 10, khối nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 481 tỷ đồng trên sàn Hà Nội. Đây là giá trị mua ròng lớn nhất trong tháng của nhà đầu tư nước ngoài kể từ đầu năm đến nay, trong đó giá trị giao dịch mua vào đạt hơn 594 tỷ đồng, giá trị bán ra đạt hơn 113 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 3,45% toàn thị trường). 

Hoạt động tự doanh của các CTCK thành viên trong tháng 10/2022 có giá trị giao dịch hơn 157 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 0,7% toàn thị trường), trong đó giá trị bán ròng 12,2 tỷ đồng. Trong tháng 10, HNX không có thêm cổ phiếu niêm yết mới, giá trị vốn hóa thị trường tại thời điểm 31/10 đạt 255,3 nghìn tỷ đồng (10,3 tỷ USD), giảm 14,2% so với cuối tháng 9/2022 (tương đương giảm 1,7 tỷ USD).

Nhóm cổ phiếu bất động sản chưa ngừng giảmNhóm cổ phiếu bất động sản chưa ngừng giảm sau khi đã mất giá rất nhiều trong tháng vừa qua cho dù doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và ông Bùi Thành Nhơn báo lượng tiền tới cuối quý 3 dồi dào.