CTCP Chứng khoán ASC vừa họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, trong đó có nội dung nổi bật là thống nhất thông qua việc đổi tên thành CTCP Chứng khoán VPBank (VPBank Securities).

Đây là động thái rõ ràng nhất cho thấy Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank (VPB) của ông Ngô Chí Dũng đã thực sự chuyển trọng tâm sang một lĩnh vực kinh doanh mới.

Trước đây VPBank cũng có một công ty chứng khoán là CTCP Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (nay là Chứng khoán VPS). Tuy nhiên, VPBank đã thoái vốn khỏi công ty này để tập trung vào các mảng kinh doanh khác, trong đó có tín dụng tiêu dùng.

Trong vài năm gần đây, VPBank đã phát triển rất mạnh về quy mô vốn, tài sản và đặc biệt lợi nhuận, từ vài nghìn tỷ lên vài chục nghìn tỷ và trở thành quán quân lợi nhuận trên thị trường trong năm 2021 vừa qua với 38 nghìn tỷ đồng (trong đó có một phần thu về từ thương vụ bán cổ phần FE Credit).

VPBank mua Chứng khoán ASC và đổi tên thành VPBank Securities trong bối cảnh thị trường chứng khoán sôi động trở lại và trở thành một kênh đầu tư được quan tâm hàng đầu đối với các nhà đầu tư trong nước.

Trong khi đó, các quỹ đầu tư thế giới cũng đang đổ vào Việt Nam khi mà nền kinh tế có triển vọng tươi sáng trong dài hạn. Thị trường vốn Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh.

Theo kế hoạch, VPBank Securities sẽ chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu và tăng vốn điều lên gấp hơn 33 lần, từ gần 269 tỷ đồng lên mức 8.920 tỷ đồng, chỉ xếp sau Chứng khoán SSI.

Trước đó, VPBank công bố về việc thông qua mua/nhận chuyển nhượng cổ phần tại CTCP Chứng khoán ASC. Theo đó,VPBank sẽ mua/nhận chuyển nhượng hơn 26 triệu cổ phần, tương đương tỷ lệ 97,42% vốn tại ASCS. 

ĐHCĐ của VPBank Securites cũng thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 đầy tham vọng với doanh thu kỳ vọng đạt 1.509 tỷ đồng, gấp tới 131 lần doanh thu của năm 2021. Lợi nhuận sau thuế được đặt ở mức 632 tỷ đồng, cao gấp hơn 105 lần.

Gần đây, nhiều tổ chức tín dụng Việt Nam đang đẩy mạnh mảng ngân hàng đầu tư. Việc mua bán, thâu tóm các công ty chứng khoán được xem là một bước để các đại gia tiến vào lĩnh vực đầu tư, trong đó có đầu tư chứng khoán. 

{keywords}
Tin chứng khoán ngày 16/2: Việt Nam trở thanh tâm điểm, ông lớn dồn sức cho một cuộc đua mới

Trước đó, giới đầu tư đã chứng kiến Hanwha Investment & Securities đổi tên thành Pintree Securities và thúc đẩy đầu tư các dịch vụ tài chính kỹ thuật số tại Việt Nam. Hanwha Investment & Securities là một thành viên của Tập đoàn Hanwha, có quy mô lớn thứ 7 trong số các tập đoàn kinh tế lớn của Hàn Quốc. 

Hồi 2019, Chứng khoán Phương Đông ORS đổi tên thành Chứng khoán Tiên Phong (TP Securites ) và Phó Chủ tịch Ngân hàng TPBank Đỗ Anh Tú đã tham gia HĐQT sau khi CTCK phát hành riêng lẻ tăng vốn từ 240 tỷ lên 400 tỷ bằng cách phát hành 16 triệu cổ phiếu cho 2 cá nhân.

Ông Đỗ Anh Tú giữ chức TGĐ CTCP Diana Unicharm và Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), ông Tú là em trai ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch TPBank.

Xu hướng hồi phục

Với những diễn biến mới trên thế giới, nhất là khi căng thẳng Nga-Ukraine hạ nhiệt, thị trường chứng khoán Việt Nam trở về với triển vọng tươi sáng hơn với nền kinh tế vẫn đang xu hướng hồi phục mạnh .

Theo SHS, VN-Index có thể tiếp nối đà hồi phục để hướng đến ngưỡng tâm lý 1.500 điểm và những giằng co cũng như rung lắc có thể xuất hiện tại đây. Nhà đầu tư đã tham gia mua vào trước Tết trong các phiên 12/1, 18/1 và 24/1 có thể tiếp tục nắm giữ danh mục và quan sát thị trường.

Còn theo YSVN, VN-Index có thể sẽ kiểm định lại vùng kháng cự 1.495 – 1.510 điểm trong phiên kế tiếp và thị trường có thể sẽ giảm nhẹ về cuối phiên khi dòng tiền vẫn còn suy yếu. Đồng thời, thị trường vẫn còn đang trong giai đoạn tích lũy cho nên VN-Index có thể sẽ còn biến động giằng co quanh đường trung bình 20 phiên. Điểm tích cực là chỉ báo tâm lý ngắn hạn vẫn tiếp tục tăng cho thấy rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp và chiến lược phù hợp giai đoạn này là nắm giữ hoặc tìm kiếm cơ hội theo xu hướng dòng tiền.

Dù vậy, nhiều CTCK vẫn khá thận trọng. VCBS cho rằng áp lực chốt lời tại ngưỡng 1.500 là tương đối mạnh, và  VN-Index sẽ chưa thể xuất hiện xu hướng hồi phục vững chắc trong những phiên tới. Theo đó, nhà đầu tư vẫn có thể tiếp tục nắm giữ các cổ phiếu dẫn dắt nhưng cần sẵn sàng chốt lời trong những phiên cuối tuần nếu nhịp hồi phục suy yếu và thị trường xuất hiện tín hiệu đảo chiều quay lại xu hướng giảm

Chốt phiên giao dịch 15/2, chỉ số VN-Index tăng 20,79 điểm lên 1.492,75 điểm. HNX-Index tăng 2,83 điểm lên 423,84 điểm. Upcom-Index tăng 0,37 điểm lên 111,22 điểm. Thanh khoản đạt  21,6 nghìn tỷ đồng, trong đó có 19,2 nghìn tỷ đồng trên HOSE.

V. Hà

Vượt lên chiếm Top 1, ‘ông lớn’ ngân hàng tham vọng mới

Vượt lên chiếm Top 1, ‘ông lớn’ ngân hàng tham vọng mới

Ngành NH chứng kiến sự bứt phá mạnh trong 2021 với quán quân lợi nhuận mới 1,5 tỷ USD thuộc về NH mẹ VPBank. Sẵn nguồn tiền từ thoái vốn Fe Credit thu về hơn 20 nghìn tỷ đồng, ông lớn NH tư nhân bày tỏ những tham vọng mới