Theo đó, sản phụ Hoàng Thị Th. (37 tuổi, mang thai 38 tuần 2 ngày) nhập viện khi bắt đầu có dấu hiệu cơn co tử cung. Được biết, sản phụ đã có tiền sử 2 lần mổ đẻ. Sản phụ được xác định có rau tiền đạo trung tâm, rau cài răng lược.
Rau cài răng lược là tình trạng bánh rau bám chặt bất thường vào lớp cơ tử cung. Tùy mức độ xâm lấn của bánh rau vào tử cung sẽ có những biến chứng và mức độ ảnh hưởng khác nhau. Nếu không được xử trí và cấp cứu kip thời, biến chứng sản khoa này có nguy cơ rất cao gây tử vong cho cả mẹ và con.
Tình trạng rau cài răng lược (nhau cài răng lược) - Hình minh họa |
BsCKII. Nguyễn Thị Thu Hường, Trưởng khoa Sản, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cho biết: trường hợp sản phụ Th. có nhiều biến chứng tiềm ẩn có thể xảy ra trong quá trình phẫu thuật lấy thai như nguy cơ chảy máu ngừng tuần hoàn, sản phụ có thể phải cắt bỏ tử cung, tổn thương tới các tạng xung quanh và có thể nguy hiểm tới tính mạng.
Sau nhiều giờ phẫu thuật, ca mổ thành công, bé trai chào đời với cân nặng 3.580 gram.
Về phía sản phụ, phần bánh rau không bong được cài răng lược đâm xuyên thành bàng quang, làm rách vùng đáy bàng quang, khiến bàng quang chảy máu. Các bác sĩ đã tiến hành cầm máu bàng quang, cắt bán phần thấp tử cung và xử trí các tổn thương.
Hiện sức khỏe sản phụ Th. và thai nhi ổn định, đang được tiếp tục theo dõi tại bệnh viện. Dự kiến sản phụ sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.
Qua trường hợp kể trên, các bác sĩ khuyến cáo: Để đề phòng các biến chứng sản khoa, đặc biệt là biến chứng rau cài răng lược, các sản phụ cần chủ động trong kế hoạch hóa gia đình, tránh nạo hút thai và không lạm dụng mổ lấy thai để tránh nguy cơ gây rau cài răng lược cho những thai kỳ sau.
Nguyễn Liên
Đòi sinh con thuận tự nhiên trong tư thế đứng ở bệnh viện, sản phụ suýt mất con
Sản phụ chuyển dạ, vỡ ối, nước ối vàng, đau bụng dữ dội, tim thai nhanh. Song, gia đình không đồng ý can thiệp, đòi sinh con theo thế đứng.