Ngành Dệt May Việt Nam từng bước phát triển trên nền tảng nghề truyền thống của cha ông và học tập công nghệ tiên tiến hiện đại để đưa Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới. Song song với việc đáp ứng nhu cầu mặc ấm, nhiều địa phương với ngành nghề của mình đã luôn mày mò cải tiến để tạo ra những sản phẩm độc đáo, trở thành làng nghề và lưu truyền đến hôm nay như lụa Hà Đông, vải lãnh Mỹ A, thổ cẩm Mỹ Nghiệp- Ninh Thuận… Tiếp cận theo hướng này, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) chủ trương phát triển, định vị sản phẩm, thương hiệu sản phẩm dưới góc độ nghiên cứu khoa học để chuyển hóa sản phẩm có giá trị gia tăng cao trong xu thế hiện nay.
Đòi hỏi từ thực tiễn hội nhập và cạnh tranh
Tập đoàn Dệt May Việt Nam, từ những năm đầu của thập niên 90 đã xác định mục tiêu chiến lược sản xuất kinh doanh cung cấp cho thị trường nội địa và hướng tới xuất khẩu. Ba thập kỷ Tập đoàn mang sứ mệnh dẫn dắt để học tập, đổi mới, chuyển giao công nghệ mới, thiết bị mới của thế giới vào Việt Nam, tư vấn tham gia cùng Chính phủ để đàm phán thành công các hiệp định thương mại WTO, CPTPP, EVFTA làm tiền đề để thu hút đầu tư vào Việt Nam. Vượt qua bao sóng gió thử thách của các cuộc khủng khoảng kinh tế châu Á và thế giới năm 1997 – 1998, năm 2010 – 2011, Vinatex góp phần đưa Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu dệt may trên 40 tỷ Đô la Mỹ/năm, nằm trong những nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới với điểm đến là hơn 100 quốc gia cùng nhiều mặt hàng chủng loại đa dạng đáp ứng yêu cầu cho các hàng thời trang và phân phối lớn trên phạm vi toàn cầu như: Nike, Adidad, Boss, JC-Penny, Kmart, Target…
Dệt may Việt Nam thực sự đã hòa nhập và cạnh tranh một cách khốc liệt với các nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Srilanka… trên phạm vi toàn cầu với đòi hỏi ngày càng khắt khe về chất lượng, đơn hàng nhỏ, giao hàng nhanh, giá cả cạnh tranh và thêm vào đó là các yêu cầu về môi trường xanh – đã qua rồi thời kỳ lợi thế cạnh tranh về giá (sản xuất sản phẩm hàng loạt với giá thành thấp để xuất khẩu và giành thị phần).
Bên cạnh một số lợi thế mà dệt may Việt Nam có được từ các Hiệp định Thương mại của Chính phủ đã ký kết, còn không ít khó khăn thách thức như việc hạn chế mở rộng quy mô sản xuất dệt, nhuộm tại các tỉnh liên quan đến việc xử lý nước thải, cạnh tranh về giá vì không còn lợi thế về giá trị lao động (Bangladesh, Srilanka lương tương đương với 125 Đô la Mỹ/người/tháng cho ngành dệt may…). Việc thực hiện các chương trình xanh hóa đòi hỏi thời gian và chi phí lớn cũng làm tăng giá thành sản phẩm.
Trước những đòi hỏi mới của thị trường toàn cầu, một trong những định hướng mới trong những năm gần đây của Tập đoàn Dệt May Việt Nam là tìm cách chuyển hóa sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn như ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới, thị trường ngách, sản phẩm gắn với xanh hóa môi trường cùng với các giải pháp để đổi mới thiết bị nâng cao năng suất lao động. Tại các doanh nghiệp, mỗi đơn vị luôn phát huy thế mạnh trên sản phẩm chủ lực, đi sâu vào đầu tư mở rộng thị trường theo hướng sở trường và thắt chặt gắn kết với khách hàng.
Chuyển hóa sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn
Với vai trò dẫn dắt trong lĩnh vực phát triển sản phẩm mới, những năm trở lại đây đội ngũ khoa học kỹ thuật của Vinatex đã luôn nghiên cứu tìm tòi công nghệ mới, thiết bị mới để giới thiệu với các đơn vị thành viên, tìm kiếm vật liệu mới để ứng dụng vào sản phẩm với phương châm “mới ta trên nền tảng cũ của người” về vật liệu dệt.
Hơn 2 năm qua, công tác nghiên cứu khoa học đi theo định hướng tìm thị trường mới bằng sản phẩm mới, thị trường ngách, gia tăng giá trị sản phẩm để tìm kiếm giá trị gia tăng và mở rộng thị trường. Từ chọn dòng sản phẩm, loại mặt hàng phù hợp với công nghệ, thiết bị và nguồn nhân lực hiện có làm mục tiêu nghiên cứu thị trường cũng được thống kê thu thập và phân tích kỹ lưỡng dựa trên những lợi thế và khả năng cạnh tranh quốc gia về sản phẩm so với các quốc gia khác cũng như các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe về mặt hàng.
Đến nay, công tác nghiên cứu bước đầu đã thành công trong việc tạo ra sản phẩm có giá trị cao như: sản phẩm bảo hộ cá nhân chậm cháy dùng trong ngành dầu khí, điện lực, khai khoáng, gò hàn, môi trường nhiệt độ cao, phòng cháy chữa cháy…, ứng dụng vào dệt gia dụng để làm sản phẩm tủ đựng quần áo, thảm, rèm, bọc sopha, tạp dề, găng tay… Sản phẩm bảo hộ cá nhân đạt các tiêu chuẩn OeKo – Tex standard 100, UL Approval, NF PA 2112, ASTM F1506, Iso 11612, NFPA CGSB, laundring instructions for home and industrial laundry đã được khách hàng Bắc Mỹ chấp nhận. Với yêu cầu khắt khe về truy xuất nguồn gốc sản phẩm ngay cả vị trí đặt máy để sản xuất cho đến đường đi của sản phẩm cũng đều được ghi nhận và xác nhận không dịch chuyển trong 05 năm.
Hàng năm, thế giới tiêu thụ khoảng 16 tỷ Đô la Mỹ, mức tăng trưởng là 9%/năm cho sản phẩm bảo hộ cá nhân phòng cháy chữa cháy– nhiều nhất là Bắc Mỹ, quần áo bảo hộ được sản xuất từ vải chống cháy là 4,5 tỷ Đôla Mỹ, kế đến là châu Âu vừa dùng bảo hộ lao động bằng vải chống cháy, vừa dùng vải được bao phủ hóa chất chống cháy và tiếp đến là Trung Quốc, Nhật, Úc, Nam Mỹ và Việt Nam đã và đang sử dụng nhiều theo qui định của Chính phủ.
Hiện nay, khách hàng đang tìm đến hai dòng sản phẩm phòng cháy chữa cháy được sản xuất từ xơ chống cháy và vải được bao phủ hóa chất chống cháy, qui trình sản xuất từ xơ sợi cho đến sản phẩm cuối cùng là may mặc của Tập đoàn.
Có thể nói, những chương trình nghiên cứu trên không chỉ mang lại giá trị kinh tế khi xây dựng được một chuỗi sản xuất từ năng lực kéo sợi đến năng lực dệt, năng lực nhuộm, năng lực may ước tính cho trên 700 lao động với công suất, kế hoạch đến năm thứ 5 đạt: doanh thu trên 100 triệu Đôla Mỹ/năm; sản phẩm may 7 triệu bộ/năm; vải 21 triệu mét/năm; sợi 6.500 tấn/năm mà còn tạo môi trường để những cán bộ trẻ có năng lực được đào tạo qua lớp Young Talent của Tập đoàn dần hoàn thiện kiến thức quản lý và chuyên môn; là cơ sở để kết hợp giữa đào tạo lý thuyết và ứng dụng thực hành của Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội với doanh nghiệt dệt may Việt Nam. Mong muốn qua nghiên cứu sản phẩm mới, đội ngũ trẻ có sức lan tỏa và trở thành nòng cốt của các chương trình sáng kiến cải tiến kỹ thuật mà Tập đoàn và Công đoàn Dệt May Việt Nam phát động hằng năm.
Tiếp đà nghiên cứu sản phẩm mang giá trị gia tăng cao, bên cạnh sản phẩm nêu trên, đội ngũ kỹ thuật của Tập đoàn cũng đang nghiên cứu sản phẩm tiết kiệm năng lượng khi giặt và sản phẩm hướng tới môi trường xanh, sẽ ra mắt trong các kỳ tới.
Kỳ vọng của Tập đoàn là tạo ra những sản phẩm chuyên biệt chất lượng tốt, giá trị gia tăng cao để thu hút các tập đoàn lớn cùng liên doanh liên kết sản xuất, đồng thời qua nghiên cứu có thể đón nhận và chuyển giao công nghệ mới cho các đơn vị thành viên. Cũng như vậy, những nền tảng này là cơ sở để học viên chương trình Young Talent Vinatex tiếp bước và phát huy năng lực đưa sản phẩm dệt may Việt Nam tiến xa hơn và đạt được các mục tiêu mà Chính phủ kỳ vọng.
Nam Cao