Sáng kiến về trò chơi dân gian “kiểu công nghệ” được trình bày tại FPT Educamp 2018 hứa hẹn đem đến những trải nghiệm mới cho cả HS, phụ huynh và những người làm giáo dục nói chung nếu được đưa vào thực tế.

Ô ăn quan, bịt mắt bắt dê, rồng rắn lên mây… là những trò chơi dân gian gắn bó với biết bao thế hệ trẻ em Việt Nam. Nhưng khoảng 1 thập kỷ trở lại đây, đặc biệt khi máy tính, điện thoại di động, Internet phát triển với tốc độ như vũ bão, lan tỏa khắp thành thị đến nông thôn, những trò chơi này dần vắng bóng trong cuộc sống thường ngày của trẻ em.

Thực tế này được TS. Trần Thế Trung (Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT) tìm hiểu khi đến nhiều trường học và chia sẻ lại trong một hội thảo giáo dục mới được tổ chức tại FPT Education. Cũng theo TS. Trần Thế Trung, cuộc sống hiện đại với các thiết bị số một phần phục vụ tốt nhu cầu học tập, giải trí của trẻ em nhưng mặt trái của nó là những vấn đề mà nhiều học sinh và cả gia đình các em hiện đang phải đối mặt: béo phì, cận thị, giảm năng động, ngại giao tiếp…

{keywords}
TS Trần Thế Trung chia sẻ thực tế: nhiều trẻ em hiện nay ham mê các thiết bị công nghệ

Với góc nhìn của một người nghiên cứu công nghệ, anh Trung băn khoăn: “Tại sao không thử đưa yếu tố công nghệ mới lạ vào các trò chơi dân gian quen thuộc?” Công nghệ, điện thoại hay máy tính bảng - những thứ vốn có sức hấp dẫn với trẻ em nếu tích hợp thành công vào trò chơi dân gian có lẽ cũng tạo nên khía cạnh mới lạ, thu hút cho những trò chơi có tuổi đời dễ đến cả trăm năm này.

Tại FPT Educamp vừa diễn ra ngày 25/11/2018, TS Trần Thế Trung chia sẻ ý tưởng tích hợp công nghệ vào trò chơi dân gian Việt Nam và thế giới như đưa camera và hệ thống nhận diện QR code vào trò chơi bịt mắt bắt dê, lập trình “rồng ảo”, “thầy thuốc ảo” vào trò rồng rắn lên mây…

Trẻ em có thể chơi những trò chơi dân gian có yếu tố công nghệ này ngay tại trường trong lúc chờ bố mẹ đến đón, chơi tại nhà cùng bạn bè và bố mẹ qua một chiếc laptop, chơi ở ngoài trời qua ứng dụng cài đặt trên điện thoại thông minh. Ngoài ra, công nghệ cho phép lưu lại hình ảnh khi chơi để các em “khoe” với bạn bè, bố mẹ hoặc mở rộng thêm tính năng đố vui xung quanh trò chơi dân gian để trẻ nhỏ vừa học, vừa chơi, vận động cả thể chất và trí tuệ.

{keywords}
Khá đông người quan tâm đến chủ đề đưa yếu tố công nghệ vào trò chơi dân gian mà TS. Trần Thế Trung chia sẻ

TS. Trần Thế Trung cho rằng ý tưởng này rất “sáng” để áp dụng trong trường học, đặc biệt ở bậc tiểu học. Theo TS Trung, phụ huynh của một trường nơi anh từng chia sẻ ý tưởng đưa công nghệ vào trò chơi dân gian, sẵn sàng trả 100.000 đồng/ giờ để con mình được trải nghiệm những trò chơi tưởng cũ mà mới này.

Một số ý kiến tỏ ra băn khoăn về kinh phí đầu tư thiết bị công nghệ và đào tạo giáo viên để hướng dẫn học sinh chơi các trò chơi này. TS. Trần Thế Trung cho rằng các thiết bị như laptop, điện thoại di động hiện nay khá phổ biến trong môi trường giáo dục. Khi thương mại hóa trong tương lai, phần mềm trò chơi cũng sẽ được bán với giá thành hợp lý. Ngoài ra, yếu tố công nghệ được tích hợp không làm thay đổi luật chơi cơ bản nên cả giáo viên và học sinh đều dễ dàng nắm được qua một vài lần chơi thử.

Ý tưởng mới, hoàn toàn có thể triển khai nhưng TS Trần Thế Trung cũng thừa nhận quá trình này còn dài bởi làm ra trò chơi dân gian có yếu tố công nghệ không khó nhưng được học sinh, giáo viên và phụ huynh đón nhận là điều không dễ. Đặc biệt, trong thời đại 4.0, khi công nghệ thay đổi mọi thứ, có thể biến những trò chơi dân gian trở nên hấp dẫn nhưng hoàn toàn cũng có thể khiến trẻ em lãng quên sự tồn tại của những món ăn tinh thần một thời này.

FPT EduCamp là hội thảo mở được Tổ chức Giáo dục FPT (FPT Edu) tổ chức hàng năm để kết nối các giảng viên, cán bộ, chuyên gia quản lí giáo dục và đào tạo, các nhà hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Tại hội thảo, người tham dự có thể chia sẻ các sáng kiến, kinh nghiệm, tri thức và ý tưởng để thúc đẩy sự phát triển của giáo dục Việt Nam nói chung và của FPT Edu nói riêng.

Năm thứ 5 được tổ chức, FPT EduCamp 2018 chọn chủ đề chính là ‘Trường học 4.0’, hướng đến các chia sẻ và thảo luận xung quanh những nhóm tiêu đề như: Hoạt động Dạy và Học; Nghiên cứu Khoa học; Hợp tác Quốc tế; Đảm bảo chất lượng; Thiết kế chương trình; Tuyển sinh; Các dịch vụ trong trường học: Công tác sinh viên, Quan hệ doanh nghiệp, Tư vấn tâm lý, Phát triển cá nhân (PDP), Tổ chức và Quản lý đào tạo...; Vận hành trường học; Kinh nghiệm triển khai Giáo dục trong thời đại 4.0.

Ngọc Trâm