Sau 10 năm triển khai, BRI đã khẳng định khả năng kết nối hạ tầng, thương mại, đầu tư, tài chính xuyên quốc gia, xuyên châu lục, trên phạm vi toàn cầu.
Tính đến tháng 10/2023, Trung Quốc đã ký văn bản hợp tác xây dựng “Vành đai và Con đường” với hơn 30 tổ chức quốc tế và trên 150 quốc gia, thành lập hơn 20 Diễn đàn hợp tác đa phương thuộc các lĩnh vực chuyên sâu, đồng thời tổ chức thành công 3 Diễn đàn cấp cao hợp tác “Vành đai Con đường” (BRF), với sự góp mặt đông đảo của nhiều nước tham gia BRI.
Đặc biệt, Trung Quốc đã gắn kết được nội dung của BRI với Chương trình phát triển bền vững của Liên Hiệp quốc đến năm 2030. Đây chính là nỗ lực “kết nối chính sách” bền bỉ của các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước Trung Quốc trong quá trình quảng bá và thực thi các chương trình, hạng mục liên kết thuộc BRI.
Kết nối hạ tầng và kết nối thương mại là hai lĩnh vực ghi nhận nhiều thành tựu lớn nhất trong 10 năm triển khai BRI của Trung Quốc. Theo thống kê chưa đầy đủ, Trung Quốc đã ký kết trên 3.000 dự án hợp tác với các nước, trong đó đa phần là các công trình xây dựng hạ tầng và đầu tư thương mại. Thế giới ghi nhận sự hình thành của mạng lưới đường bộ, đường sắt cao tốc, cảng biển kết nối Á – Âu cùng 6 tuyến hành lang kinh tế nối thông Trung Quốc với hai khu vực có vị trí địa chiến lược hết sức quan trọng là Đông Nam Á và Nam Á.
Hệ thống hạ tầng “6 hành lang, 6 con đường, đa quốc gia, đa cảng biển” được hình thành và ngày càng hoàn thiện là yếu tố then chốt thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác đầu tư thương mại giữa các quốc gia thuộc “hai cánh cung” tơ lụa. Tính đến cuối năm 2022, Trung Quốc đã ký 19 Hiệp định thương mại tự do với 26 nước và khu vực liên quan đến BRI thuộc Châu Á, Châu Đại Dương, Châu Mỹ La Tinh và Châu Âu; từ năm 2013-2022, hàng hoá xuất khẩu Trung Quốc đến các nước “dọc tuyến đường” tăng từ 49,8% lên 56,3%, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại chủ yếu của hơn 140 quốc gia trên toàn thế giới. Đây chính là đóng góp quan trọng và thiết thực của Sáng kiến Vành đai Con đường đối với việc thúc đẩy và gia tăng mối liên kết sâu rộng giữa các nước trong quan hệ hợp tác thương mại toàn cầu.
Việt Nam với vai trò “cầu nối”
Với vị thế địa chiến lược quan trọng của mình, Việt Nam luôn đóng vai trò “cầu nối” để Trung Quốc thực hiện mục tiêu liên kết khu vực Đông Nam Á - mắt xích then chốt, chiến lược nhất trong BRI. Đồng thời, BRI cũng tạo mở những cơ hội rất đáng tận dụng để thúc đẩy quan hệ hợp tác đầu tư, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Tại Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế Vành đai Con đường lần thứ 3 (18-10-2023), Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố sẽ điều chỉnh một số nội dung mới, hết sức mấu chốt trong quá trình triển khai BRI giai đoạn tới. Đây là nhân tố thuận lợi tạo nhiều không gian hơn cho Việt Nam và Trung Quốc hiện thực hóa những điều khoản ký kết trong Bản ghi nhớ “kết nối Vành đai Con đường với Hai hành lang một vành đai” vào tháng 11/2017, nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình.
Theo đó, hai nước có thể thúc đẩy mạnh mẽ hơn một số lĩnh vực đang chứa đựng nhiều tiềm năng và nhu cầu hợp tác:
Thứ nhất, hai nước sẽ tiếp tục triển khai các dự án đầu tư hạ tầng, bao gồm giao thông đường bộ, đường sắt, năng lượng, logistic, mạng viễn thông… Hiện tại và trong tương lai, Việt Nam vẫn là điểm sáng thu hút nguồn đầu tư từ Trung Quốc, trong đó chủ yếu là xây dựng hạ tầng, đáp ứng nhu cầu thiết thực và cấp bách của Việt Nam trong quá trình hiện đại hoá.
Đương nhiên, để mở rộng không gian và lĩnh vực đầu tư của Trung Quốc thì cả hai bên đều cần khắc phục triệt để những hạn chế, yếu kém đang tồn đọng, tác động tiêu cực đến hiệu quả các hạng mục đầu tư cũng như tâm lý tiếp nhận đầu tư từ phía Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam nên thu hút nhiều hơn các hạng mục “nhỏ nhưng đẹp” và hạng mục “xanh”, phù hợp với năng lực và yêu cầu phát triển của Việt Nam, đồng thời phù hợp với xu hướng triển khai BRI trong giai đoạn tới của Trung Quốc.
Thứ hai, trên cơ sở cải thiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng, khai thông hệ thống kết nối cứng giữa Trung Quốc với Việt Nam thì hoạt động thương mại giữa hai nước cũng như trong khu vực Đông Nam Á chắc chắn sẽ sôi động hơn, đạt hiệu suất cao hơn. Trước mắt, trong khuôn khổ BRI, Việt Nam và Trung Quốc cần đẩy mạnh và khai thông hơn nữa hoạt động thương mại khu vực biên giới để thực sự phát huy vai trò và ưu thế của Hai hành lang kinh tế, kết nối khu vực miền Tây Trung Quốc với toàn bộ các tỉnh thành dọc hai tuyến “hành lang” của Việt Nam. Nhờ đó, hợp tác thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam cũng như với các nước Đông Nam Á sẽ trở nên thông suốt, bền vững hơn.
Thứ ba, trong giai đoạn tới, kinh tế số sẽ là trọng tâm phát triển của Trung Quốc và Việt Nam trên lộ trình hiện đại hoá đất nước. Do vậy, Con đường tơ lụa kỹ thuật số (DSR) cũng sẽ là một lĩnh vực trọng điểm trong BRI. Việt Nam cần tận dụng tối đa cơ hội hợp tác kỹ thuật số với Trung Quốc, nhất là việc nâng cấp, hoàn thiện hệ thống dịch vụ thương mại điện tử, quan trắc chất lượng nguồn nước và cảnh báo cháy rừng tại các khu vực biên giới liền kề hai nước. Trong lĩnh vực này, Việt Nam và Trung Quốc nên phối hợp thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực công nghệ cao, phục vụ yêu cầu hợp tác kinh tế số giữa hai nước.
Thứ tư, để thúc đẩy quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực đã nêu, trong khuôn khổ BRI, Việt Nam và Trung Quốc nhất thiết cần hoàn thiện tốt nhất thể chế, cơ chế hợp tác “sạch”, theo cam kết được ông Tập Cận Bình nêu trong BRF lần thứ 3: tăng cường tính “liêm khiết” trong các dự án BRI. Đây cũng là yếu tố cốt lõi để triển khai, thúc đẩy các lĩnh vực có thể hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc, trong khuôn khổ BRI.
Có thể thấy, Sáng kiến Vành đai Con đường là chương trình hợp tác mang tính toàn cầu, xuyên châu lục, đa quốc gia, đa lĩnh vực. Qua 10 năm triển khai, mặc dù còn tồn đọng khá nhiều hạn chế và đối mặt với nhiều thách thức, nhưng sáng kiến này đã đem lại nhiều giá trị tích cực và lợi ích cho sự phát triển của các quốc gia “dọc tuyến đường”. Trong bối cảnh Trung Quốc cam kết thực hiện “8 hành động” để xây dựng Vành đai Con đường “chất lượng cao”, các nước tham gia BRI đang nỗ lực hợp tác với Trung Quốc, nhằm thực hiện tiêu chí “cùng thắng”, “cùng hưởng lợi”, theo nguyên tắc được Trung Quốc khẳng định ngay tại thời điểm đề xuất BRI.
Việt Nam luôn ủng hộ các sáng kiến có lợi cho sự phát triển và ổn định của mọi quốc gia, khu vực do Trung Quốc khởi xướng, bao gồm cả BRI. Việt Nam kỳ vọng sẽ nâng tầm hợp tác với Trung Quốc trên mọi lĩnh vực lên nấc thang cao hơn, hiệu quả hơn nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 12/12 tới, khi quan hệ đối tác hợp tác chiến lược giữa hai nước được thiết lập tròn 15 năm (2008-2023). Trên cơ sở đó, hợp tác Vành đai Con đường cũng sẽ có bước đi khởi sắc hơn, thiết thực hơn, phù hợp hơn với lợi ích của cả hai bên.
TS. Hoàng Huệ Anh