"Tại sao người Việt Nam có thể mỉm cười, bình thản kể với một người Mỹ như tôi những gì họ đã trải qua trong chiến tranh, về những vết thương họ vẫn mang đến giờ này, hay về cả những đứa con không bao giờ lớn vì chất độc màu da cam của họ. Tôi không hiểu nổi"
Kỳ 1: Nhà báo Mỹ 'góp nhặt' nỗi đau chiến tranh Việt Nam
Một từ tiếng Anh mới
"Sao người Việt Nam không ghét người Mỹ sau tất cả những gì họ đã làm ở đất nước này?"Tôi không nhớ nổi Marissa Roth cứ lặp đi lặp lại câu hỏi đó bao nhiêu lần. Hầu như với đối tượng phỏng vấn nào, khi nghe kể xong câu chuyện của họ, bà đều lúc lắc đầu, đầy ưu tư rồi hỏi họ câu đó.
"Tại sao người Việt Nam có thể mỉm cười, bình thản kể với một người Mỹ như tôi những gì họ đã trải qua trong chiến tranh, những cái chết của người thân họ, những vết thương họ vẫn mang đến giờ này, hay về cả những đứa con không bao giờ lớn vì chất độc màu da cam của họ. Tôi không hiểu nổi"
Câu hỏi đó được Marissa mang cả vào câu chuyện trao đổi với ông Charles M. Chuck Searcy, một cựu chiến binh Mỹ từng chiến đấu tại Việt Nam, sau đó quay lại đất nước này và ở lại đây nhiều năm, cố gắng hàn gắn lại nỗi đau người Mỹ để lại.
Thay vì trả lời trực tiếp câu hỏi của Marissa, Chuck Searcy quay sang dạy tôi phát âm từ tolerant (khoan dung, kiên nhẫn, chịu đựng). Sau khi giảng nghĩa cho tôi, Chuck nói với Marissa: "Vietnamese people are very tolerant" (Người Việt rất khoan dung).
Bà Doãn Ngọc Trâm và chị Đặng Hiền Trâm, mẹ và chị của liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm, Ảnh Hoàng Hường |
Marissa có vẻ vẫn không thỏa mãn, cố gắng gặng hỏi tiếp. Tôi cũng không biết trả lời Marissa thế nào. Thế hệ sinh ra sau chiến tranh như tôi thật khó nói điều gì, càng không thể diễn giải chính xác những gì bà cảm nhận.
May thay, cuối cùng chúng tôi tìm được được đối tượng hoàn hảo để tìm cho nữ ký giả Mỹ câu trả lời cũng hoàn hảo. Đó là bà Doãn Ngọc Trâm, mẹ anh hùng liệt sĩ Đặng Thùy Trâm.
Không chỉ làm khách ngạc nhiên kính nể với khả năng nói tiếng Pháp lưu loát mà bà đã học cách đây 60 năm 'từ thời học sinh', mà bằng cốt cách của một người mẹ đầy khoan dung, một người phụ nữ trí thức, một con người đầy trải nghiệm, bà Doãn Ngọc Trâm đĩnh đạc trả lời bằng tiếng Pháp, rồi quay sang giải nghĩa cho tôi bằng tiếng Việt.
"Tại sao chúng tôi lại phải ghét người Mỹ, hay bất cứ người dân nào trên thế giới? Chúng tôi chỉ căm thù những người chĩa súng vào chúng tôi gây đau thương. Trong chiến tranh, khi sang xâm lược Việt Nam, người Mỹ là kẻ thù, chúng tôi đương nhiên căm giận và phải cầm súng chống lại bằng mọi giá. Nhưng khi chiến tranh kết thúc, người Mỹ quay lại với tư cách là những người bạn, chúng tôi chào đón họ, những người bạn không có lý do gì để căm ghét nhau"
Có vẻ như Marissa đã tìm được đúng nơi bà cần tìm. Sau khi ghi chép cẩn thận, ngắm nghía các phiên bản của Nhật ký Đặng Thùy Trâm với hơn 20 thứ tiếng trên bàn, Marissa đứng lặng hồi lâu trước tấm ảnh được phóng to của bà Doãn Ngọc Trâm ngồi đan len cùng mẹ cựu chiến binh Mỹ Frederic Whitehurst, được chụp trong lần bà Trâm sang thăm gia đình người cựu binh đã giữ cuốn nhật ký. Một hình ảnh mang tính biểu tượng về sự hòa giải và thanh bình.
Khi ra khỏi nhà 'những người phụ nữ tên Trâm' (mẹ và các chị của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm đều cùng tên), Marissa trầm ngâm nói: "Có lẽ tôi nên học hỏi người Việt Nam, phải chăng tha thứ, cố gắng bỏ qua quá khứ là cách để mình sống nhẹ nhàng hơn chăng?"
Và Marissa đưa tôi về câu chuyện gia đình bà, đã xảy ra hơn nửa thế kỷ.
Anh Nguyễn Hồng Sơn (ảnh trên) vốn là bộ đội ở tuyến lửa Quảng Trị, anh bị nhiễm chất độc da cam những năm 1970-1972. Sau này anh lập gia đình và có hai con, các con anh đều bị di chứng chất độc da cam từ bố. Con gái anh Sơn (ảnh dưới) năm nay 37 tuổi. Ảnh Hoàng Hường |
Một từ gốc Hi Lạp
Thuật từ Holocaust bắt nguồn từ tiếng Hi Lạp halekaustann (ηολόκαυστον), nghĩa là "thiêu (kaustos) rụi (holos)". Từ đầu năm 1942, Holocaust đã được dùng để chỉ cách Hitler đối xử với người Do Thái. Đến cuối thập niên 1970, thuật từ này mang ý nghĩa qui ước được dùng để chỉ cuộc tàn sát diệt chủng của Đức Quốc Xã. Sau này Holocaust được sử dụng để chỉ cuộc thảm sát diệt chủng thực hiện bởi Đức Quốc Xã để phân biệt với các cuộc tàn sát diệt chủng khác đã từng xảy ra trong lịch sử.
"Cha mẹ tôi là những người tị nạn của vụ Holocaust. Mẹ tôi là người gốc Hungary, sống ở Budapest. Cha tôi là người thuộc vùng Novi Sad, Yugoslavia (bao gồm Croatian, Serbian, Slovene, Macedonian sau này). Họ đều là người Do Thái và đang trên đường chạy trốn cuộc thảm sát diệt chủng" Marissa kể.
"Cha mẹ tôi gặp nhau tháng 11/1938, trên chuyến tàu cuối cùng vượt biển Atlantic, ngay trước khi bị bắt vào trại tập trung. Ông bà ngoại tôi được một gia đình ở Budapest che giấu và sống sót qua Thế Chiến. Ông bà nội tôi và nhiều thành viên khác trong gia đình bị giết ngay trên thềm ngôi nhà của họ ở Novi Sad vào tháng 1/1942.
Marrisa Roth chụp Đài tưởng niệm những nạn nhân B52 tại phố Khâm Thiên, Hà Nội |
Cho dù cha mẹ tôi thường từ chối nói lại chuyện cũ. Họ im lặng rất lâu khi chúng tôi còn nhỏ, nhưng khi tôi lớn lên thảm kịch lịch sử gia đình ấy đã khiến tôi quan tâm sâu sắc, và quyết tâm tìm hiểu. Từ những cuộc điều tra nho nhỏ trong gia đình, họ hàng. Tôi đã từng về Budapest tìm lại những người sống sót trong dòng họ, những người dường như sống khép kín với cả những người họ hàng như tôi, có lẽ ký ức kinh hoàng đã hủy hoại sâu sắc tâm hồn họ.
Dần dần tôi ngày càng có ý niệm rõ ràng về một hành trình tìm hiểu những ảnh hưởng và tổn thương mà các cuộc chiến để lại cho con người.
Bắt đầu từ một công việc cho tạp chí Times tại Afganistan năm 1988, tôi chụp những người một vài góa phụ của những người lính chết trận. Sau đó tôi đến trại tị nạn của người Afganistan tại Thái Lan và Peshawar chụp những người phụ nữ và trẻ em đang tị nạn tại đó, để rồi tôi quyết định dành sự nghiệp để theo đuổi câu chuyện về những 'di sản' của các cuộc chiến tranh để lại cho những người phụ nữ và những đứa trẻ.
"Những người đàn ông bắt đầu các cuộc chiến, nhưng phụ nữ là những người bị bỏ lại để nhận sự tổn thương".
Hơn 20 năm qua, tôi đã đối diện với quá nhiều nỗi đau, và chính tôi cũng đã tổn thương quá nhiều. Không ai yêu cầu tôi, đây là một dự án hoàn toàn cá nhân, đã lấy đi của tôi rất nhiều sức lực, nước mắt, thời gian và cả tiền bạc. Tôi không thể giải thích vì sao tôi phải làm như vậy, có lẽ đó là một động lực nào đó thôi thúc từ bên trong. Hai cuộc hôn nhân đổ vỡ, nhiều hệ lụy, một chặng đưường mệt mỏi.
Rất may nhiệm vụ nặng nề này sắp kết thúc. Tháng 9/2012, triển lãm ảnh One Person Crying: Women and War sẽ được tổ chức tại Los Angeles. Sau đó tôi sẽ xuất bản sách.
Việt Nam sẽ khép lại hành trình của tôi, ngoài những nhân chứng, tôi mong sẽ tìm thấy sự phục hồi của một Việt Nam mạnh mẽ để làm đoạn kết sinh động cho dự án của mình, và phục hồi cho chính tôi.
Đó là lý do tôi chọn Việt Nam cho hành trình cuối cùng".
Tiếp: Những nhân vật của tôi
Hoàng Hường