Theo Bộ GD-ĐT, chương trình GDPT 2018 có sự đổi mới về mục tiêu giáo dục nên nội dung và phương pháp giảng dạy, cách kiểm tra đánh giá học sinh, cũng sẽ thay đổi theo. Nếu chương trình hiện hành đánh giá đầu ra theo chuẩn kiến thức kĩ năng, thái độ, thì chương trình mới đánh giá người học theo chuẩn phẩm chất, năng lực.
Hiện, Bộ GD-ĐT đang xây dựng hướng dẫn đánh giá học sinh lớp 1 theo chương trình phổ thông mới. Nội dung cốt lõi của hướng dẫn này là đánh giá quá trình học tập, sự tiến bộ của học sinh theo yêu cầu cần đạt về các phẩm chất, năng lực được quy định trong chương trình tổng thể và chương trình từng môn học lớp 1 thông qua quá trình học tập từng môn học. Cùng đó, đánh giá sự hình thành và phát triển phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi của học sinh được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đồng thời, đề tài nghiên cứu cấp quốc gia “Đánh giá học sinh tiểu học theo tiếp cận năng lực đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông”, cũng đang được Bộ GDĐT chỉ đạo triển khai, nhằm đưa ra những công cụ hỗ trợ việc đánh giá học sinh đạt hiệu quả.
“Nhóm nghiên cứu đã xây dựng các khung chuẩn đánh giá năng lực, phẩm chất cho học sinh lớp 1, gồm các khung chuẩn chung và khung năng lực, phẩm chất đặc thù. Theo đó, mỗi phẩm chất, năng lực sẽ gồm một số tiêu chí và mỗi tiêu chí được cụ thể hoá thành một số chỉ báo; mỗi chỉ báo sẽ xác định bằng những biểu hiện hành vi đặc trưng, cốt lõi nhất. Dựa trên những khung phẩm chất, năng lực này, giáo viên sẽ có bảng tham chiếu, để biết từng học sinh mạnh gì - yếu gì, đã đạt được những yêu cầu nào của chương trình - cái nào dưới mức chuẩn. Từ đó hỗ trợ các em và điều chỉnh hoạt động dạy học” - PGS.TS Nguyễn Công Khanh chủ nhiệm đề tài cho hay.
Sắp có hướng dẫn đánh giá học sinh lớp 1 theo chương trình phổ thông mới. Ảnh minh họa: Thanh Hùng |
Theo Bộ GD-ĐT, việc đánh giá học sinh tiểu học theo chương trình phổ thông mới sẽ kế thừa những ưu điểm đã được thực chứng của cách đánh giá học sinh theo Thông tư 30, Thông tư 22 đang áp dụng hiện nay, có bổ sung những điểm mới để đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra về phẩm chất, năng lực của chương trình.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng việc đánh giá học sinh vừa có tác động đánh giá thực trạng chất lượng giáo dục, vừa giúp điều chỉnh quá trình dạy và học để đạt hiệu quả tốt. Với học sinh tiểu học, việc đánh giá càng cần được các giáo viên, nhà trường chú trọng hơn, để giúp hình thành phẩm chất, năng lực cho các em. Việc khen hay chê phải đúng mực, phù hợp, để tạo thành động lực khuyến khích học trò tiến bộ. Việc đánh giá phải vì sự tiến bộ của mỗi học sinh.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho rằng, với lớp 1-2-3 cần chú trọng đánh giá thường xuyên theo tiến trình học tập, rèn luyện của học sinh. Để làm được, giáo viên phải quan tâm, sát sao với từng học trò để biết được năng lực, phẩm chất thực tế của mỗi em và từ đó có sự hỗ trợ kịp thời giúp học sinh tiến bộ. Kết hợp với việc đánh giá định kỳ, cách làm này cũng khắc phục được hạn chế của việc chỉ đánh giá học sinh qua điểm số bài kiểm tra.
Bộ GD-ĐT sẽ sớm ban hành Hướng dẫn đánh giá học sinh lớp 1 theo chương trình GDPT mới để giúp các nhà trường, giáo viên đánh giá học sinh được hiệu quả.
Hải Nguyên
“Giờ chưa thấy sách giáo khoa, chọn sao cho kịp?”
- Đến cuối tháng 3/2020, tức còn khoảng hơn 3 tháng nữa, các cơ sở giáo dục sẽ phải báo cáo phương án lựa chọn sách giáo khoa cho chương trình phổ thông mới. Tuy nhiên, đến nay còn nhiều vấn đề đặt ra ở chính công tác này.