- Có 86 giáo viên mầm non công tác tại huyện biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An), 'bỗng nhiên' bị thu hồi tiền tỷ trợ cấp diện thu hút công tác ở vùng đặc biệt khó khăn vào dịp cận Tết.

Nhiều giáo viên mầm non ở huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) được ký hợp đồng theo Thông tư liên tịch số: 09 giữa Bộ GD-ĐT; Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ (gọi tắt là TT/09) cho biết, trong năm 2016, bình quân mỗi giáo viên mầm non được nhận khoản tiền phụ cấp công tác ở vùng đặc biệt khó khăn và nước sạch gần 18 triệu đồng/1 giáo viên.

Tuy nhiên, cuối tháng 12/2016, hiệu trưởng các trường mầm non ra quyết định thu hồi toàn bộ số tiền trên theo sự chỉ đạo của UBND huyện Kỳ Sơn.

Vay mượn trả lại tiền... phụ cấp

Tiếp xúc với chúng tôi, cô N. (xin được giấu tên, giấu trường) kể rằng, vào tháng 8/2015, Phòng Giáo dục huyện Kỳ Sơn tiếp nhận 86 giáo viên mầm non, phân bổ giảng dạy ở 22 trường mầm non trên địa bàn. Cô N. nhận được 5 triệu đồng tiền trợ cấp ban đầu, thế nhưng sau đó khoản tiền này bị thu hồi trở lại.

{keywords}

Trường MN Nậm Cắn nơi có 6 giáo viên bị thu hồi hơn 100 triệu đồng tiền phụ cấp.

Năm 2016, cô N. nhận được 11 triệu đồng kinh phí phụ cấp thu hút đợt một. Chuẩn bị nhận tiền đợt hai thì phòng kế toán nhà trường thông báo, các giáo viên thuộc hợp đồng TT/09 phải nộp lại toàn bộ tiền đã nhận.

Theo Nghị định 61/2006, tất cả các giáo viên mầm non công tác ở vùng đặc biệt khó khăn đều được hưởng nguồn kinh phí này từ Ngân sách Nhà nước.

''Tiền phụ cấp em nhận giờ mua hết vật dụng, đồ dùng, bây giờ phải về xin bố mẹ nộp lại. Gần Tết mà phải trả một khoản tiền lớn, em và nhiều đồng nghiệp khác rất hụt hẫng'' - cô N. bày tỏ

Còn cô Nh. (công tác tại trường P.Đ.) cho biết, năm 2015 nhận được 10 triệu đồng tiền trợ cấp ban đầu; năm 2016 nhận 11 triệu đồng tiền phụ cấp. Đến nay số tiền đã tiêu hết, chưa biết lấy đâu để trả lại khoản được trở cấp theo quyết định của trường.

''Em giờ chưa biết vay ai để chi trả, gần Tết rồi giáo viên mầm non rất khó khăn. Có đồng nghiệp phải vay nóng, vay ngân hàng để trả lại. Giáo viên tụi em chưa biết bao giờ nhận được khoản tiền hỗ trợ này theo đúng chỉ đạo của NĐ 61'' - cô Nh. bùi ngùi

Thậm chí, có giáo viên đang trong thời gian nghỉ sinh thì nhận được thông báo từ kế toán nhà trường: ''Tiền phụ cấp của giáo viên đã nhận sẽ cấn trừ vào chế độ thai sản... Thà không cho nhận phụ cấp ngay từ đầu, bây giờ phải trả lại em thấy quá thất vọng'' - cô H. kể

Bà Trần Thị Đông - Hiệu trưởng Trường MN Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn) cho biết, thực hiện theo chỉ đạo của UBND huyện, nhà trường ra quyết định thu lại khoản kinh phí của 6 giáo viên đã nhận phụ cấp. 

Ngân sách phụ cấp 86 giáo viên chưa có?

Ông Nguyễn Hồng Hoa - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) cho biết, việc UBND huyện ban hành quyết định điều chỉnh ngân sách giảm chi ở các trường mầm non, thu lại tiền phụ cấp của giáo viên phòng chưa nắm rõ.

''Một là các trường chi sai cho các giáo viên. Hai là Phòng Tài chính huyện làm chưa rõ. Bởi vì các khoản phụ cấp trong NĐ-61/2006 giữa giáo viên biên chế và giáo viên hợp đồng TT/09 đều được hưởng như nhau'' - ông Hoa thông tin

{keywords}

Các quyết định UBND huyện Kỳ Sơn giảm chi ngân sách đến 22 trường mầm non.

Chiều ngày 5/1, làm việc với PV VietNamNet, bà Vi Thị Quyên - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, ngày 12/9/2016, bà có ký các quyết định về việc bổ sung điều chỉnh dự toán chi ngân sách 2016 đến 22 trường học mầm non.

Đơn cử một số trường phải giảm chi như: Trường MN Bảo Thắng gần 115 triệu đồng; Trường MN Mường Lống là 60 triệu đồng; Trường MN Bảo Nam là gần 55 triệu đồng...

Bà Quyên đã gọi ông Trần Ngọc Hiền - Phó phòng Tài chính huyện Kỳ Sơn, trả lời về việc các giáo viên mầm non theo TT/09 vì sao phải hoàn trả lại các khoản phụ cấp.

{keywords}

Bà Võ Thị Quyên - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn.

Ông Hiền cho biết, nguồn ngân sách của tỉnh Nghệ An chưa cân đối, bàn giao về cho huyện Kỳ Sơn để chi trả tiền phụ cấp cho giáo viên hợp đồng TT/09. Huyện Kỳ Sơn có 24 trường mầm non, trong đó 22 trường có giáo viên hợp đồng này.

''Do chính sách Nhà nước chưa kịp thời cấp kinh phí, nên chúng tôi chưa kịp chi trả cho giáo viên hợp đồng 09. Sớm hay muộn thì kinh phí của các giáo viên này sẽ được nhận khi ngân sách từ tỉnh Nghệ An cấp xuống'' - ông Hiền trình bày

Cũng theo ông Hiền, nguồn phụ cấp giáo viên bị thu hồi là lỗi của nhà trường, lầm tưởng đối tượng hỗ trợ? Nhà trường phải có nhiệm vụ thu lại nguồn ngân sách cấp sai cho giáo viên. Trong khi đó, cùng dạy dưới một nhà trường, ở vùng đặc biệt khó khăn thì giáo viên biên chế lại được nhận phụ cấp đầy đủ.

''Phòng Tài chính huyện chưa giải thích rõ ràng cho kế toán các trường, dẫn đến việc cấp nhầm. Chúng tôi sẽ chỉ đạo phòng tài chính đối chiếu lại thông tin, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Kinh phí tạm thời thu lại để phục vụ mục đích khác...'' - bà Quyên thông tin

Ông Hiền cho biết, tổng kinh phí thu lại đã cấp cho 86 giáo viên ở 22 trường mầm non là gần 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn phụ cấp cho giáo viên hợp đồng TT/09, ở vùng đặc biệt khó khăn huyện Kỳ Sơn chưa biết bao giờ mới có nguồn để chi trả.

Quốc Huy