Theo thông báo của Sở GD-ĐT Hà Nội, từ ngày 8/2, học sinh khối 7 – 12 tại các vùng có mức độ dịch ở cấp độ 1, 2 sẽ đến trường học trực tiếp. Suốt nhiều tháng phải học online kể từ những ngày đầu tiên của năm học mới, khi học sinh đi học trở lại, không chỉ ban giám hiệu, các giáo viên cũng phải tất bật với vô số việc phát sinh.

“Có quá nhiều thứ phải lo khi học sinh trở lại trường”, cô H.T.M, giáo viên một trường tư tại Hà Nội chia sẻ.

Ngoài việc phải chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đảm bảo an toàn khi đón học sinh quay trở lại, các giáo viên chủ nhiệm như cô M. cũng phải tất tả với nhiều công việc lẽ ra cần thực hiện ngay từ đầu năm, nhưng vì chuyển sang học online nên tới bây giờ mới có thể thực hiện.

“Từ việc nhắc nhở các phụ huynh đăng ký đồng phục năm học mới cho con; lập danh sách các học sinh đăng ký xe tuyến trong lớp đến việc thống kê danh sách học sinh tại từng khu vực; cập nhật tình hình tiêm chủng, số mũi đã tiêm của học sinh để báo cáo lại cho nhà trường,… Biết bao nhiêu việc không tên ngoài chuyện chuyên môn cũng đủ khiến giáo viên kiệt sức. Những ngày sát Tết, việc vẫn chồng việc; có khi giáo viên vẫn phải lọ mò đến đêm mà vẫn không giải quyết xong”, cô T. nói.

{keywords}

Những ngày cuối cùng của năm, các giáo viên chủ nhiệm vẫn chật vật với những “công việc không tên” (Ảnh minh họa).

Cũng giống như cô T., những ngày sát Tết, cô P.T.H, giáo viên một trường THCS công lập ở Hà Nội cũng ám ảnh vì “liên tục nhận được tin nhắn, điện thoại thắc mắc của phụ huynh”.

“Sau khi đóng ứng dụng Zoom kết thúc bài giảng, giáo viên chủ nhiệm vẫn chưa hết việc. Nào là phải lập danh sách, báo cáo tình hình hàng ngày của học sinh; liên lạc với phụ huynh về những vấn đề cần lưu ý trong học tập, các hoạt động trường lớp và phương án xử lý; nghe điện thoại và giải đáp thắc mắc của phụ huynh về những chuyện phát sinh trong quá trình học online. Nhất là khi học sinh sắp quay trở lại trường, giáo viên chủ nhiệm chẳng những không nhàn hơn mà còn phải lao động gấp 2, gấp 3”.

Cô H. cho biết, có những việc trước đây không có hoặc mang tính hành chính, không phải phận sự của giáo viên thì giờ đây, giáo viên chủ nhiệm cũng phải “cân hết”. Hay có vô vàn thứ việc lắt nhắt như thông báo thu tiền, nhận tiền qua tài khoản, thông báo mua đồng phục,… giáo viên cũng phải gửi danh sách tới các phụ huynh để cha mẹ đăng ký cho con em mình, rồi tỉ mỉ ngồi rà soát lại từng em.

“Có những khi phụ huynh trót quên điền, kiểm tra thông tin, giáo viên lại phải gọi điện, nhắn tin đốc thúc từng đầu việc. Học sinh dừng đến trường đã lâu, giờ chuẩn bị đi học trở lại, có nhiều thứ cần phải thống nhất nên phụ huynh thắc mắc rất nhiều. Những chuyện như thế, đôi khi giáo viên cũng phải làm quen và xem đó như… chuyện chuyên môn của mình”, cô H. chia sẻ.

Một giáo viên tại Hà Nội than thở, giáo viên chủ nhiệm “thời online” giờ đây không có khái niệm giờ chính khóa vì phải làm triền miên cả ngày lẫn đêm. Cho nên, dù nói rằng làm việc ở nhà, nhưng thời gian dành cho lớp còn nhiều hơn thời gian chăm sóc con cái.

“Trên lý thuyết, giáo viên chủ nhiệm được giảm 3 tiết/ tuần, nhưng đổi lại là một khối lượng công việc không hề nhẹ nhàng. Nói thẳng ra, việc quy đổi và miễn trừ 3 tiết dạy so với áp lực mà giáo viên chủ nhiệm phải chịu cũng chẳng thấm vào đâu.

Không những vậy, giờ đây, giáo viên còn phải quản lý lớp online, quàng thêm vào người biết bao công việc có tên lẫn không tên nên cả ngày chỉ biết xoay quanh màn hình máy tính. Những ngày cuối năm, giáo viên vẫn “mắc kẹt” với hàng tá công việc cần phải hoàn thành trước năm mới nên cũng chưa có thời gian sắm sửa gì cho gia đình mình”, cô giáo này than thở.

Các nhà trường mong học sinh quay trở lại

Bà Nguyễn Mỹ Hảo, Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Tân (Cầu Giấy) cho biết, nhà trường rất mong ngóng được đón học sinh trở lại, để các con có đủ điều kiện học tập, vui chơi và rèn luyện. Hiện nay, 100% cán bộ giáo viên của nhà trường cũng đã được tiêm đủ từ 2 mũi; còn học sinh các khối 8,9 và một số học sinh của lớp 7 cũng đã được tiêm theo chỉ đạo của thành phố. Do đó, đây là thời điểm thích hợp để trẻ được tới trường.

“Thực tế, học sinh cấp THCS đang trong giai đoạn tâm sinh lý dễ có nhiều “bất ổn”. Việc phải học trực tuyến kéo dài, không được gặp gỡ, giao tiếp với bạn bè, thầy cô, trong khi chưa biết cách bày tỏ vấn đề với cha mẹ,… sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe tinh thần của trẻ. Còn đối với học sinh lớp 9 – lứa học sinh đã phải trải qua 3 năm học trực tuyến, việc được đến trường học tập trực tiếp cũng là điều cần thiết, giúp các con có điều kiện chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi quan trọng vào lớp 10 sắp tới”, bà Hảo cho hay.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Hồng Thái (Ba Đình) cho hay, đến thời điểm hiện tại, nhà trường đã sẵn sàng mọi điều kiện để đón học sinh các khối quay trở lại.

“Sau gần một năm phải học online, thầy và trò rất mong chờ để được đi học trực tiếp. Bởi lẽ, quá trình giáo dục không chỉ là dạy về văn hóa. Để hình thành nhân cách cho học sinh còn phụ thuộc rất nhiều vào quá trình giao tiếp, đặc biệt là hình thành cho học sinh những cảm xúc tích cực, xuất phát từ tình cảm thầy trò, tình cảm giữa bạn bè với nhau và các giao tiếp xã hội khác,…

Nhưng khi học online, yếu tố hình thành nhân cách thông qua phát triển về cảm xúc đã bị hạn chế đi rất nhiều. Hệ lụy của những điều này là khá nặng nề và không thể đong đếm được. Trong đó, cản trở lớn nhất lúc này chính là sức ì. Thậm chí, nhiều học sinh sau một thời gian dài học online tại nhà đã ngại không còn muốn đến trường nữa”, ông Sơn nói.

Thời Vũ

Giáo viên mong bỏ những việc "không tên"

Giáo viên mong bỏ những việc "không tên"

Chúng tôi thật mong muốn Bộ GD-ĐT xem xét những qui định, việc làm không cần thiết nhằm giải phóng giáo viên khỏi những thủ tục “hành chính” theo tinh thần đổi mới căn bản toàn diện giáo dục.