Dù là một loại quả có múi thơm mềm, vị ngọt nhưng không phải ai cũng thưởng thức được hương vị của sầu riêng bởi mùi hương nồng nàn ban đầu. Tuy nhiên, Pak Chong-Khao Yai, một giống của dòng sầu riêng nổi tiếng Mon Thong được trồng ở tỉnh Nakhon Ratchasima, đã được chính quyền Thái Lan cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý (GI: là nhãn áp dụng cho các sản phẩm tương ứng với một vị trí địa lý cụ thể và có các đặc điểm hoặc chất lượng liên quan đến địa điểm cụ thể đó).
Tại lễ hội sầu riêng ở huyện Pak Chong do Tổng cục Du lịch Thái Lan đồng tổ chức, những người trồng khẳng định giống sầu mới ngọt, múi mềm và đặc biệt không nồng mùi. Những vị khách có mặt tại lễ hội, trong đó có một số hoa hậu Thái Lan, đã trực tiếp kiểm chứng và dành không ít lời khen cho loại sầu mới này.
Thái Lan, nhà xuất khẩu sầu riêng hàng đầu thế giới, đã thu về khoảng 187 tỷ baht (5 tỷ USD) vào năm ngoái trong bối cảnh nhu cầu ở Trung Quốc tăng vọt .
Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, nhập khẩu sầu riêng tươi của Trung Quốc vào khoảng 2,3 tỷ USD, tăng gấp 4 lần trong giai đoạn 2017-2020. Đây cũng là loại trái cây được nhập khẩu nhiều nhất vào Trung Quốc trong năm 2019.
Dù là loại quả đặc biệt được ưa chuộng ở các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc, nhưng sầu riêng cũng khiến nhiều người cảm thấy phiền toái.
Vào năm 2018, một chuyến bay ở Indonesia khởi hành từ Bengkulu trên đảo Sumatra đến Jakarta đã phải hoãn lại khoảng một giờ đồng hồ sau khi sau khi hành khách than phiền về mùi phát ra từ hàng chục bao tải sầu riêng. Chuyến bay chỉ có thể cất cánh sau khi phi hành đoàn dỡ bỏ toàn bộ số sầu riêng.
Năm 2019, nhà chức trách Australia đã sơ tán mọi người vì ai đó đã mang sầu riêng vào thư viện Đại học Canberra, dẫn đến mùi được miêu tả như "khí gas rò rỉ".
Sầu riêng cũng bị cấm trên phương tiện giao thông công cộng và khách sạn tại một số thành phố ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Singapore.
Đỗ An (Theo SCMP)