Cùng với doanh nhân Võ Thị Thanh của CTCP Thuận Thảo (GTT), đây là “Bông hồng vàng” thứ 2 ở Phú Yên lâm vào cảnh khốn đốn.

Tổng mức giá khởi điểm cho 2 tài sản của Vạn Phát gần 151 tỷ đồng

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Phú Tài (BIDV Phú Tài) vừa có thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá 2 tài sản của Công ty TNHH Rượu Vạn Phát và Công ty TNHH Sản xuất thương mại tổng hợp Vạn Phát.

Theo đó, mức giá khởi điểm cho nhà máy, toàn bộ hệ thống máy móc thiết bị sản xuất đường tinh luyện, cồn, rượu dự kiếnlà 114 tỷ đồng.

Ngoài ra, với hệ thống máy móc thiết bị của dây chuyền ép mía 910 tấn mía/ngày có giá khởi điểm dự kiến 36,99 tỷ đồng.

Toàn bộ các tài sản này đã được Công ty TNHH Rượu Vạn Phát, Công ty TNHH SXTM TH Vạn Phát thực hiện bàn giao cho BIDV Phú Tài để xử lý phát mại theo Biên bản bàn giao tài sản thế chấp bán đấu giá ngày 5/3 vừa qua.

{keywords}
 

Con đường “sa lầy” của Rượu Vạn Phát như thế nào?

Về Rượu Vạn Phát, năm 2003, khi Bộ NN&PTNT quyết định đóng cửa một số nhà máy đường sản xuất thua lỗ, nữ doanh nhân Bùi Thị Quy (Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Rượu Vạn Phát bây giờ) đã mua lại xác máy của nhà máy đường Việt Trì (Phú Thọ) về Sơn Hòa (Phú Yên) lập nhà máy rượu Vạn Phát. 

Tuy nhiên, thời gian này, Công ty phải đối mặt với muôn vàn khó khăn do giá đường bấp bênh, vùng nguyên liệu chưa ổn định, doanh số thu về rất khiêm tốn. 

Thêm vào đó, thời điểm 2010- 2011 do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, Nhà máy đường Vạn Phát từng đứng trước nguy cơ phá sản. 

Lúc đó BIDV là ngân hàng duy nhất đã hỗ trợ Rượu Vạn Phát vay vốn 25 tỷ đồng để khôi phục lại sản xuất.

Để có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp đường ngoại, Rượu Vạn Phát tiếp tục đầu tư dây chuyền hiện đại, nâng công suất nhà máy từ 500 tấn lên 3.500 tấn mía/ngày. 

Song song đó công ty còn đẩy mạnh phát triển lĩnh vực làm rượu, cồn và phân vi sinh. Đơn cử là Công ty đầu tư xây dựng dự án nhà máy sản xuất sirô cô đặc và phân vi sinh tổng hợp tại tỉnh Gia Lai với tổng mức đầu tư 326 tỷ đồng. 

Nhờ đó, Rượu Vạn Phát đã được vực dậy và giai đoạn từ năm 2011- 2015, bình quân doanh số một năm đạt khoảng 170 tỷ đồng/năm. 

Năm 2013 và 2014, Chủ tịch Bùi Thị Quy được trao tặng cúp Bông hồng Vàng dành cho 100 nữ doanh nhân tiêu biểu Việt Nam.

Tuy nhiên, đến tháng 8/2017, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Phú Hòa, Phú Yênđã khởi tố vụ phá hoại hoa màu xảy ra tại thôn Phong Hậu, xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa liên quan đến Rượu Vạn Phát. 

Đồng thời, Công ty TNHH Rượu Vạn Phát cũng đã khởi kiện hành chính về các quyết định của UBND huyện Phú Hòa áp dụng biện pháp khắc phục đối với Công ty này.

Cũng vào thời điểm đó, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã đồng ý nội dung báo cáo của Thanh tra Chính phủ về kết quả kiểm tra, xem xét, giải quyết các nội dung phản ánh, kiến nghị của Chủ tịch Bùi Thị Quy.

Kết quả kiểm tra cho thấy quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh của Công ty TNHH Rượu Vạn Phát có một số thiếu sót, vi phạm và đã được các cơ quan chức năng của tỉnh Phú Yên xử lý theo quy định của pháp luật. UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu Công ty TNHH Rượu Vạn Phát khắc phục triệt để các vi phạm đã được các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý thời gian qua.

Công ty TNHH Rượu Vạn Phát trên thực tế đã đầu tư gần 6.000 ha vùng nguyên liệu mía và nhà máy sản xuất đường.

(Theo Vietnamdaily)