Trong thời gian vừa qua, việc hàng loạt mạng xã hội, trang tin và báo điện tử bị thanh tra bộ TT&TT xử phạt vi phạm hành chính đã khiến rất nhiều người dân cảm thấy "gật gù" bởi dù yêu thích hay là độc giả thân quen cũng cần có một thái độ đúng: "có sai phạm cần phải làm nghiêm". Tuy nhiên, một sản phẩm khác cũng thuộc phạm vi dịch vụ internet và thông tin trên mạng như nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực từ 01/9/2013) đã quy định là trò chơi điện tử (hay còn gọi là game) thì vẫn đang khá lộng hành và nhởn nhơ.
Theo Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về việc Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, Chương IV, Điều 34, Mục 5 về Quyền và nghĩa vụ của đơn vị cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử đã quy định rõ: phải "đảm bảo quyền lợi chính đáng của người chơi theo đúng quy tắc của trò chơi điện tử đã công bố; chịu trách nhiệm về giá cước, chất lượng dịch vụ, an toàn thông tin; giải quyết khiếu nại và các tranh chấp phát sinh giữa người chơi và doanh nghiệp; giữa người chơi với người chơi".
Thế nhưng, rất nhiều game online ra mắt trong thời gian qua tại Việt Nam đều đang "phớt lờ" điều khoản này. Các đơn vị cung cấp dịch vụ (thường gọi là các nhà phát hành game) vẫn ung dung cung cấp các sản phẩm chất lượng tồi tệ nhưng "lăng xê" thành những siêu phẩm đình đám và đến khi game ra mắt, người dùng lại phải chịu đựng những dịch vụ "quá tồi" mà không biết làm sao để thoát vòng luẩn quẩn vì đã lỡ chi tiền.
Có thể kể tới ngay NPH Ogames cùng sản phẩm Ngạo Thế Online. Ngay từ khi game còn chưa ra mắt, Ogames đã phải đứng trước nỗi lo "chống lại game lậu" bởi source game đã được phát hành tràn lan trên thị trường với rất nhièu phiên bản khác nhau. Những tưởng NPH này phải đẩy mạnh chất lượng phục vụ để "chiếm ưu thế" hơn so với những đơn vị phát hành chui khác thì Ngạo Thế Online đã làm hỏng luôn hy vọng cuối cùng. Đội ngũ làm game của NPH này tuy tuổi đời còn trẻ nhưng từng có kinh nghiệm phát hành một số game online khác nên những vấn đề Việt hóa, server, cổng thanh toán cũng nên được chuẩn bị kỹ càng hơn.
Một sản phẩm khác là Kiếm Tung của NPH Vigo. Đây là trò chơi trực tuyến có chất lượng khá tốt và theo đánh giá của giới chuyên môn, Kiếm Tung rất "đáng chơi" bởi đồ họa đẹp và gameplay có chiều sâu. Dẫu vậy, sự khó chịu của game thủ đến từ sự cường điệu hóa khi game được thổi phồng lên quá mức nên giai đoạn chính thức ra mắt, Kiếm Tung đã khiến rất nhiều người thất vọng vì "đời không như mơ". NPH này tiếp tục mắc lỗi dịch thuật, hạ tầng kỹ thuật kém, vận hành lởm khởm và không chăm sóc tốt khách hàng khiến hàng loạt game thủ đăng tải tâm thư phản ánh trên diễn đàn của game.
Một đại diện khác có lẽ cũng nên được kể tên trong danh sách này là Tân Ngọa Long. Là một webgame (game trên trình duyệt) bình thường nhưng Tân Ngọa Long đã khiến game thủ "đi hết từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác". Đầu tiên là tên game khiến nhiều game thủ lầm tưởng đây là phiên bản mới của webgame chiến thuật thành công thuộc loại nhất nhì Việt Nam là Ngọa Long (do VNG phát hành) nhưng hoàn toàn không liên quan. Lối chơi của game cũng không gây nổi ấn tượng nổi bật nào ngoài các tính năng ép người chơi phải nạp tiền (game thủ hay gọi vui là 'hút máu'), thậm chí sự kiện cũng quá nghèo nàn và các hoạt động không kích thích nổi cộng đồng.
Thế mới nói, bên cạnh những đơn vị làm game nhiệt huyết yêu nghề cũng có nhưng đơn vị còn quá cẩu thả và coi thường quyền lợi của người chơi. Hãy đặt sản phẩm ở đúng với vị trí của nó, hãy tạo kỳ vọng đúng với chất lượng và nội tại của từng sản phẩm, nội tại của từng Nhà Phát Hành. Với những trường hợp vi phạm, hãy xử phạt nghiêm minh để các trò chơi điện tử được tiếp tục phát triển như các dịch vụ internet khác.
Hương Mabư