Bộ Công Thương vừa có công văn yêu cầu UBND các tỉnh có mỏ quặng sắt và titan rà soát tổng hợp báo cáo số lượng, chủng loại quặng sắt, quặng titan tồn kho đến 30/1/2016 để có cơ sở đưa ra giải pháp xuất khẩu.
Ngày 2/12/2016, Bộ Công Thương đã ban hành công văn số 111609 yêu cầu UBND các tỉnh có mỏ quặng sắt và titan, Hiệp hội Thép Việt Nam, Hiệp hội Titan Việt Nam rà soát tổng hợp báo cáo số lượng, chủng loại quặng sắt, quặng titan tồn kho đến ngày 30/1/2016 để có cơ sở đưa ra giải pháp xuất khẩu.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi các bộ, cơ quan ngang bộ về việc triển khai nhiệm vụ Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 10/2016, trong đó yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương có biện pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, lưu ý giải pháp xuất khẩu quặng sắt, titan tồn kho.
Liên quan đến vấn đề này, hồi tháng 8/2016, UBND tỉnh Yên Bái đã đề nghị Bộ Công Thương cho phép xuất khẩu quặng sắt tồn kho của một số DN trên địa bàn với sản lượng được báo cáo lên tới 400.000 tấn.
Về vấn đề này, tại Chỉ thị 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2012, Chính phủ đã ra yêu cầu không cấp xuất khẩu các loại khoáng sản như quặng sắt, đồng, chì, kẽm... để dành cho việc chế biến sâu trong nước về dài hạn, hạn chế việc thất thoát tài nguyên, bảo vệ môi trường.
Trong phiên trả lời chất vấn Quốc hội mới đây, Bộ trưởng công Thương Trần Tuấn Anh cũng khẳng định: “Chúng ta đang hướng tới một cách hài hòa và bền vững các ngành công nghiệp quan trọng, khai thác hợp lý và bền vững các lợi thế tài nguyên quốc gia”.
Bộ Công Thương cũng vừa công bố dự thảo Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch hệ thống sản xuất thép đến năm 2025, định hướng đến 2035.
Theo rà soát của Bộ này, đến năm 2020, cả nước sẽ thiếu hụt khoảng 15 triệu tấn thép thô. Năm 2025 thiếu hụt sẽ vượt mức 20 triệu tấn, nhập siêu ngành thép sẽ ngày càng trầm trọng hơn.
Bản dự thảo quy hoạch đặt mục tiêu năm 2020 trong nước sản xuất 8 triệu tấn, năm 2025 đạt 15 triệu tấn và năm 2035 đạt 35 triệu tấn gang và sắt xốp. Riêng sản xuất phôi thép trong 5 năm tới đạt 18 triệu tấn, cán mốc 27 triệu sau 10 năm và 52 triệu tấn trong 20 năm nữa.
Theo các chuyên gia trong ngành, việc xuất khẩu quặng lậu từ lâu đã là vấn đề từng có nhiều tranh luận, vì thế chính quyền các tỉnh và Bộ Công Thương cũng cần đánh giá chính xác hơn lượng tồn kho của các công ty khai khoáng để ban hành chính sách phù hợp, hạn chế thất thoát tài nguyên, đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản xuất.
Lương Bằng