- Mỗi người dân cần tự trang bị kiến thức để thích nghi, để đảm bảo chống lại những thông tin xấu độc hại - Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn trao đổi với VietNamNet.

Thưa Thứ trưởng, một vấn đề dư luận hiện rất quan tâm là các trang blog cá nhân đưa nhiều thông tin xuyên tạc, bôi nhọ, chống phá Nhà nước, chế độ. Trong năm 2015, Bộ sẽ có những giải pháp nào để chủ động ứng phó với những luồng thông tin xấu, độc hại kiểu này? Giải pháp tối ưu để ngăn chặn luồng thông tin độc hại, xuyên tạc chính là đẩy mạnh thông tin chính thống làm chủ mặt trận thông tin. Nhưng để đạt được mục tiêu này, các cơ quan báo chí cần được định hướng như thế nào?

Trong thế giới phẳng, không gian mạng phát triển mạnh như hiện nay, bên cạnh những lợi ích thiết thực, cũng gây ra nhiều tác hại không thể lường trước cho người sử dụng. Hiện nay trên mạng xã hội, nhất là blog cá nhân, có những blog rõ ràng là chống đối quyết liệt Đảng, Nhà nước, bôi nhọ, nói xấu lãnh đạo.Những thông tin xấu, độc hại nếu không kịp thời ngăn chặn, giải quyết thì sẽ tác động rất lớn đến tâm tư của người dân, gây ra sự hoài nghi lớn trong xã hội.

Đối với mạng xã hội, chúng ta không thể ngăn chặn và cũng không có chủ trương ngăn chặn mạng xã hội phát triển. Tuy nhiên, với các blog xấu thì ngoài biện pháp kỹ thuật, chúng tôi cũng đã khuyến cáo các cơ quan báo chí tăng cường thông tin chính thống để đấu tranh lại với các luận điệu xuyên tạc trên blog cá nhân phản động.

Cần xác định rằng thông tin chính thống phải đi trước, phải chính xác hơn thì mới ngăn chặn được những thông tin ngoài lề. Do đó, các cơ quan báo chí phải chủ động thông tin, tăng cường giáo dục cán bộ, PV, BTV nâng cao nghiệp vụ, cần những phóng viên giỏi đấu tranh trực diện trên mạng. Đây là một hoạt động cần được đẩy mạnh trong thời gian tới, mà muốn vậy thì PV, BTV của báo chí chính thống cần phải bút sắc, lòng trong và giỏi về CNTT.

Vấn đề cốt lõi nhất chính là người dân, những người tiếp nhận thông tin. Mỗi người dân cần  tự trang bị kiến thức để thích nghi, để đảm bảo chống lại những thông tin xấu độc hại. Tới đây, chúng tôi sẽ có những biện pháp toàn diện hơn để ngăn chặn, phòng chống thông tin độc hại trên mạng và làm cho môi trường mạng trong sạch hơn, đáp ứng nhu cầu thông tin chung của xã hội.

Sau ý kiến của Thủ tướng về việc không thể ngăn chặn mạng xã hội và phải đưa thông tin chính thống lên mạng xã hội, năm 2015 này Bộ TT&TT có những giải pháp gì trước xu hướng nói trên?

Mạng xã hội là nhu cầu không thể thiếu hiện nay. Tính kết nối và chia sẻ của mạng xã hội vượt ra khỏi những ngăn cách về ngôn ngữ, địa lý, thời gian… Lợi ích lớn nhất của mạng xã hội là khả năng lan truyền thông tin nhanh chóng và xây dựng một mẫu định danh trực tuyến phục vụ yêu cầu công cộng cũng như giá trị cộng đồng.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn trả lời báo chí sáng 1/2. Ảnh: T.Cầm

Tuy nhiên, lợi ích lớn nhất là thông tin nhanh chóng đó cũng sẽ trở thành tác hại lớn nhất nếu lan truyền tin đồn do người sử dụng thiếu ý thức về pháp luật và đạo đức.

Nếu nói rằng những người tham gia mạng xã hội đều có mưu cầu lợi ích, mưu cầu hạnh phúc cho riêng mình thì trong một chừng mực nào đó họ phải có ý thức không xâm phạm đến lợi ích và hạnh phúc của người khác và cộng đồng.

Hạn chế tác hại và phát huy lợi ích của mạng xã hội phù hợp với mong muốn chung của cộng đồng hiện nay, tôi nghĩ là phải dựa trên hai nền tảng pháp luật và đạo đức như đã nói. Ý kiến của Thủ tướng tại hội nghị tổng kết Văn phòng Chính phủ sáng 15/1 vừa qua là điều đáng suy nghĩ và đó là một bài toán với mạng xã hội hiện nay.

Đưa thông tin chính thống đến cộng đồng thông qua mạng xã hội là xu hướng truyền thông công chúng gắn liền với hình thức sản xuất và phân phối nội dung.

Để kiểm soát được nội dung trên mạng xã hội, kiểm soát tin đồn thì chúng ta nên dịch chuyển theo xu hướng truyền thông công chúng. Nhưng đây là vấn đề mới nên phải bàn thảo và xem xét lại cách thức cho phù hợp, tối ưu nhất nhằm đem lại lợi ích cho xã hội.

Trong thời gian qua Chính phủ đã ban hành chính sách phát triển công nghệ cao, do đó cần phải tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp tập trung vào công nghệ cao để làm chủ được tài nguyên số; sử dụng mạng xã hội có sẵn để phát triển dịch vụ riêng của mình nhưng đi đôi với đó là phải quản lý được nội dung thông tin.

Về khía cạnh để thông tin cần thiết đến với người đọc hiện nay, chúng ta đã có cơ sở là Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Tuy nhiên, đến nay nhiều cơ quan hành chính nhà nước ít chú ý đến việc thực hiện thường xuyên, kịp thời và đầy đủ quy chế này dẫn đến khủng hoảng truyền thông.

Việc minh bạch hoá thông tin thông qua người phát ngôn chính thống là một lợi ích rất lớn trong bối cảnh mạng xã hội phát triển rầm rộ như hiện nay.

Rõ ràng, thông tin ra đời sau luôn bất lợi hơn thông tin phát đi đầu tiên, dễ trở thành thông tin có tính giải thích, làm rõ cho thông tin đầu. Trong các vụ việc nhạy cảm, làm thế nào để các cơ quan báo chí tiếp cận được thông tin chính thống, chính xác một cách nhanh nhất?

Theo Quy chế phát ngôn, khi có một sự việc ảnh hưởng lớn tới xã hội, người phát ngôn của những đơn vị liên quan sẽ phải lên tiếng. Nhưng thực tế là hiện nay, ở một số bộ, một số địa phương, người phát ngôn trả lời còn chậm, không chính xác dẫn tới bị xuyên tạc, lợi dụng.

Dù vậy, ở một số bộ như GTVT thì trực tiếp Bộ trưởng là người phát ngôn, trả lời các vấn đề của bộ mình mà dư luận quan tâm, kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí... Hoặc ngay như Bộ TT&TT trong năm 2014 cũng đã làm tốt chức năng phát ngôn này. Trước những vấn đề được dư luận quan tâm như thay đổi mã vùng, Bộ đã trực tiếp cử các Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực trả lời báo chí, cung cấp nhiều nội dung thông tin tại các cuộc họp giao ban. Có nhiều nội dung do Bộ trưởng trực tiếp trả lời các cơ quan báo chí.

Đó là điểm mới mà tôi cho rằng trong năm 2015, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tiếp tục phát huy vai trò của người phát ngôn, tự giác và kịp thời cung cấp thông tin một cách đầy đủ, toàn diện tới dư luận. Nhờ đó, người dân sẽ hiểu rõ sự việc hơn, và đây cũng là cách mà người dân tiếp cận thông tin một cách đầy đủ, chính xác.

Theo đánh giá của Thứ trưởng, sự xuất hiện của những hình thức thông tin, truyền thông mới như OTT, mạng xã hội... sẽ tạo ra những thách thức như thế nào cho công tác quản lý của Bộ?

Trước hết phải khẳng định rằng, những hình thức thông tin truyền thông mới này không chỉ mang đến thách thức mà còn tạo ra cả cơ hội mới.

Hạ tầng viễn thông và internet băng rộng cho phép các dịch vụ khác nhau như dữ liệu, âm thanh và hình ảnh được tích hợp và truyền tải đến người dùng dễ dàng, thuận tiện với chi phí hợp lý đã thực sự làm thay đổi cuộc sống.. nhưng chúng cũng tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn, an ninh thông tin.

Ngoài ra, xu thế hội tụ công nghệ đã tạo nên một thế giới ngày càng phẳng, trong đó là phát triển của các dịch vụ xuyên biên giới, cho phép người sử dụng dễ dàng truy cập, đưa thông tin lên mạng và trao đổi thông tin không chỉ ở Việt Nam mà trên khắp thế giới. Bên cạnh các thông tin bổ ích, có giá trị đối với xã hội, nhiều nội dung thông tin độc hại, trái với thuần phong mỹ tục, trong một số trường hợp đi ngược lại với lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia, vi phạm pháp luật Việt Nam, chống phá nhà nước và chế độ cũng được phát tán trên môi trường mạng. Các nội dung độc hại đó cần có các biện pháp quản lý tổng thể để hạn chế các ảnh hưởng của nó đối với xã hội và cộng đồng.

Các dịch vụ mới phát triển và sử dụng tự do, chưa có quy định quản lý cũng gây ra phiền phức cho người sử dụng, ví dụ như việc quảng cáo không đúng quy định, tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và nguy cơ lộ, lọt thông tin cá nhân. Phương án quản lý để đảm bảo các dịch vụ mới và truyền thống cùng phát triển, cạnh tranh song vẫn bổ trợ cho nhau là thách thức đặt ra cần phải giải quyết.

Bên cạnh đó, các dịch vụ mới như OTT, Uber, mạng xã hội... tạo nên những trải nghiệm mới, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, cho xã hội. Hiện nay chưa có cơ chế kiểm soát, giám sát của các cơ quan chức năng của Việt Nam đối với các dịch vụ, thông tin liên quan.

Về quan điểm, Bộ TT&TT ủng hộ và tiếp tục có những giải pháp thúc đẩy và phát huy các mặt tích cực mà các công nghệ, dịch vụ mới đã mang lại. Tuy nhiên, các công nghệ, dịch vụ mới xuất hiện sẽ phát sinh ảnh hưởng đến một số khía cạnh xã hội. Bộ đang xây dựng văn bản quản lý dịch vụ OTT để đảm bảo hài hòa lợi ích của các nhà cung cấp hạ tầng dịch vụ viễn thông, các công ty cung cấp dịch vụ OTT, tạo nên một thị trường cạnh tranh bình đẳng, cùng phát triển và trên hết là quyền lợi của người sử dụng.

Trọng Cầm