Phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật thi đua, khen thưởng (sửa đổi) ngày 27/5, nhiều đại biểu ủng hộ phương án 1, bổ sung các văn nghệ sĩ của các lĩnh vực nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học, soạn giả của lĩnh vực sân khấu là đối tượng để xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú.

Nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học và soạn giả đang bị bỏ quên

Đại biểu Trần Thị Thu Đông (Bạc Liêu) cho rằng việc bổ sung các đối tượng nêu trên là rất hợp lý. Bởi lẽ, hiện nay lĩnh vực văn học, nghệ thuật có 9 chuyên ngành, nhưng trong luật hiện hành chỉ đề cập đến văn nghệ sĩ của 6 chuyên ngành. Còn lại 3 chuyên ngành là nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học và soạn giả của lĩnh vực sân khấu chưa được quy định là chưa hợp lý.

Theo bà Đông, tất cả những văn nghệ sĩ dù hoạt động ở chuyên ngành văn học nghệ thuật khác nhau, có thể có tên gọi khác nhau nhưng đều có chung tên gọi là văn nghệ sĩ. Đây chính là những người có năng khiếu, có tài năng, có cảm thụ đặc biệt để sáng tác, sáng tạo ra những giá trị văn học nghệ thuật. 

Bà dẫn chứng, trong công cuộc giải phóng dân tộc, cả nhiếp ảnh và mỹ thuật đã tham gia phục vụ kháng chiến, góp phần đưa kháng chiến thắng lợi. Trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhiếp ảnh tiếp tục cống hiến đạt hàng ngàn huy chương trong nước và quốc tế, mang vinh quang về cho Tổ quốc. Nhưng lĩnh vực nhiếp ảnh không được xem xét để tặng các danh hiệu của Nhà nước.

Trong kho tàng nghệ thuật nhiếp ảnh của dân tộc, rất nhiều tác phẩm ảnh mà giá trị và ý nghĩa của nó đã gây tiếng vang khắp năm châu như tác phẩm của các nghệ sĩ nhiếp ảnh: An Ninh, Lâm Hồng Long, Đinh Đăng Định, Vũ Ba, Lương Nghĩa Dũng, Lâm Tấn Tài, Lê Minh Trường, Võ An Khánh,…

Đây là những di sản văn hóa vô giá của dân tộc, được đổi lấy bằng tài năng, tâm huyết lao động nghệ thuật, nhiều khi bằng cả máu của các nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà nhiếp ảnh. 

Do đó, đại biểu tỉnh Bạc Liêu cho rằng, các nghệ sĩ nhiếp ảnh xứng đáng là đối tượng để xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú nếu đáp ứng đủ các tiêu chí theo quy định.

Tương tự với chuyên ngành kiến trúc, văn học, soạn giả, đại biểu cũng đề nghị xét tặng danh hiệu Kiến trúc sư Nhân dân, Kiến trúc sư Ưu tú hoặc Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú; Nhà văn Nhân dân, Nhà văn Ưu tú nếu đáp ứng đủ các tiêu chí theo quy định.

“Lâu nay luật hiện hành chỉ xét tặng danh hiệu cho một số đối tượng nghệ sĩ là chưa đánh giá đúng và đầy đủ sự cống hiến của các loại hình văn học nghệ thuật đối với xã hội. Nói đúng hơn là đối với sự nghiệp cách mạng, vô tình làm giảm sức sáng tạo và sự cống hiến của văn nghệ sĩ”, bà Đông băn khoăn.

Do đó, việc bổ sung theo phương án 1 là hoàn toàn đúng đắn, đáp ứng sự mong mỏi chính đáng của văn nghệ sĩ. Đây chính là một luồng gió mới thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, là hiệu ứng tích cực, quan trọng và kịp thời được lan tỏa từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ 2 mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người khởi xướng. 

Cần công bằng trong xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cũng ủng hộ với phương án 1. 

Bà cho biết, vấn đề này, Ủy ban Xã hội và Bộ Nội vụ đã làm việc chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa và là cơ quan chủ trì quy định chi tiết việc xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân và Nghệ sĩ Ưu tú. Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam cũng có ý kiến chính thức với cơ quan có thẩm quyền về vấn đề này. 

“Đúng là theo quy định hiện hành, việc xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú là hướng tới đối tượng người biểu diễn, người trình bày tác phẩm như diễn viên điện ảnh, diễn viên kịch, chỉ huy dàn nhạc, để ghi nhận sự đóng góp, cống hiến của họ đối với việc trình bày tác phẩm trực tiếp đưa tác phẩm đến công chúng thông qua sự sáng tạo của cá nhân, góp phần tạo nên giá trị của sản phẩm”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa 

Theo bà Hoa, trong lĩnh vực sáng tác, tác giả có tác phẩm hoặc công trình đáp ứng được các tiêu chuẩn, quyết định sẽ được xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh hoặc giải thưởng nhà nước. Tuy nhiên, trên thực tế, không nhiều tác giả thuộc các lĩnh vực nêu trên được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng nhà nước. 

“Chính vì vậy, chúng ta phải tách bạch 2 việc này với nhau và không nên quá cứng nhắc trong việc quy định điều kiện, tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú đối với những đối tượng này”, bà Hoa nói.

Bà cũng nêu dẫn chứng, nhiếp ảnh gia Võ An Ninh nổi tiếng là người chép sử bằng ảnh, với những bức ảnh nổi tiếng về nạn đói năm 1945 ở Việt Nam. Nhưng hơn ai hết, ông là một nghệ sĩ nhiếp ảnh sáng tác nhiều tác phẩm để đời, trong đó có tác phẩm "Đẩy thuyền ra khơi" được giải thưởng Ngoại hạng Triển lãm ảnh Paris năm 1938. 

Hay như Lưu Quang Vũ, soạn giả sân khấu kịch nói; soạn giả Trần Đình Ngôn, người viết chèo nhiều nhất Việt Nam; Trần Hữu Trang, soạn giả cải lương hay Đào Tấn, soạn giả sân khấu tuồng nổi tiếng. 

“Họ không chỉ đơn thuần là người sáng tác mà còn là những nghệ sĩ đích thực với những tác phẩm không thể nào quên trong lòng khán giả”, đại biểu Hoa khẳng định.

Vì vậy, sẽ là công bằng và hợp lý hơn nếu các nhiếp ảnh gia, kiến trúc sư, soạn giả cũng được xét tặng danh hiệu vinh dự nhà nước, Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú khi tác phẩm của họ đủ điều kiện và đưa tới công chúng. Ngoài ra, quy định này cũng góp phần ghi nhận, động viên, khích lệ đối với những người hoạt động trong lĩnh vực này...

Giải trình, làm rõ thêm các nội dung đại biểu góp ý, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc bổ sung đối tượng nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học, soạn giả trong lĩnh vực sân khấu để được xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú khi họ đáp ứng được tiêu chuẩn theo quy định là vấn đề mới xuất hiện.

Với một tinh thần cầu thị, trách nhiệm nghiêm túc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đối tượng và trân trọng ý kiến xác đáng của một số đại biểu Quốc hội cũng như nhiều ý kiến góp ý khác, Bộ trưởng Nội vụ cho biết cơ quan soạn thảo báo cáo chủ tọa phiên họp và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu cho lấy phiếu để ĐBQH lựa chọn quyết định phương án cụ thể.

Bộ trưởng Nội vụ khẳng định, đến nay dự án luật đã thể hiện rất rõ 4 chính sách: Hoàn thiện về hệ thống thi đua, hoàn thiện về hệ thống khen thưởng, hoàn thiện về chế định, thẩm quyền phân cấp, hoàn thiện những quy định về cải cách hành chính cũng như về hồ sơ thi đua, khen thưởng.

Thu Hằng - Trần Thường