Tham dự hội nghị có nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (gọi tắt là Cục Xuất bản) Nguyễn Nguyên, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Phạm Minh Tuấn, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM Lâm Đình Thắng và đại diện các nước thành viên ABPA như Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Philippines, Campuchia…

PGS.TS Phạm Minh Tuấn - Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Chủ tịch luân phiên ABPA - bày tỏ sự vui mừng khi Việt Nam và các thành viên ABPA đã đồng hành 18 năm.

“Hiệp hội bước đầu đáp ứng nhu cầu giao lưu, hợp tác giữa các nước thành viên, trở thành kênh trao đổi thông tin, chia sẻ chính sách mới của ngành xuất bản mỗi nước cũng như những kinh nghiệm thúc đẩy phát triển văn hóa đọc. Qua đó, các thành viên có cơ hội học hỏi lẫn nhau, tùy chỉnh áp dụng cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của từng nước”, ông Tuấn nói.

Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản - nhận định các thành viên ABPA đã nỗ lực vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 để đạt được nhiều thành tựu to lớn. 

Theo số liệu năm 2022, Việt Nam có 57 nhà xuất bản, trên 2.000 pháp nhân kinh doanh sách, khoảng 13.000 điểm phát hành sách. Hội Xuất bản Việt Nam có 183 hội viên gồm 57 nhà xuất bản và 126 công ty phát hành. 

Năm qua, Việt Nam xuất bản 33.000 tựa sách (56% là sách mới) và 539 triệu bản sách (tăng 54%); 3.350 tựa sách điện tử (tăng 45%) với 32,5 triệu bản (tăng 30%). Tổng doanh thu của các nhà xuất bản đạt 4.000 tỷ đồng (tăng 33%), các công ty phát hành đạt 4.300 tỷ đồng (tăng 22%). 

Theo ông Nguyên, hai thách thức lớn nhất của ngành xuất bản Việt Nam là sự cạnh tranh giữa sách, văn hóa đọc với các hình thức nghe nhìn khác, mạng xã hội; và vấn nạn vi phạm bản quyền, đặc biệt thông qua những nền tảng đa quốc gia, nền tảng thương mại điện tử bán sách giả, sách bất hợp pháp.

Cục trưởng Cục Xuất bản Nguyễn Nguyên.

Với tư cách Chủ tịch luân phiên ABPA nhiệm kỳ 2022 - 2023, Hội Xuất bản Việt Nam đề xuất tiếp tục nghiên cứu, thực hiện sáng kiến "One ASEAN", thông qua Hiệp hội thúc đẩy quan hệ giao lưu hợp tác giữa nhà xuất bản của các nước. Từ đó, học hỏi kinh nghiệm, trao đổi bản quyền trong khu vực, thực hiện mục tiêu làm đa dạng bản sắc ASEAN, đưa khu vực thành trung tâm xuất bản, từng bước vươn tầm thế giới. 

Kế đến, thành lập trung tâm bản quyền trực thuộc ABPA nhằm giới thiệu sách của các nhà xuất bản thuộc các hiệp hội thành viên, góp phần thúc đẩy giao dịch bản quyền nội khối và chia sẻ thông tin để kịp thời xử lý hành vi vi phạm bản quyền.

Cuối cùng, tổ chức Giải thưởng sách ASEAN với ban giám khảo gồm chủ tịch các hội xuất bản thành viên ABPA cho ý kiến về các nguyên tắc, quy chế và tiêu chí lựa chọn sách viết về chủ đề ASEAN bằng tiếng Anh hoặc ngôn ngữ địa phương kèm bản dịch tiếng Anh. Đồng thời, tổ chức cuộc bình chọn các tác phẩm hay theo chủ đề để cùng nhau xuất bản tại các quốc gia. 

Hội Xuất bản dự kiến tổ chức Hội sách quốc tế tại TP.HCM vào tháng 4/2024 cùng Hội thảo quốc tế Tác động của chuyển đổi số lên hoạt động xuất bản và con đường phát triển của ngành xuất bản các nước thuộc khuôn khổ sự kiện. 

Ông Phạm Minh Tuấn vinh danh các thành viên ABPA. 

Đoàn Malaysia hoàn toàn ủng hộ sáng kiến "One ASEAN" do Việt Nam đề xuất bởi những năm qua, ngành xuất bản các nước Đông Nam Á hầu như tự thân nỗ lực, thiếu sự chung tay, hòa hợp. Đại diện đoàn tin rằng đã đến lúc các thành viên cần đoàn kết, hợp tác chặt chẽ.

Các thành viên ABPA đồng tình với đề xuất của Hội Xuất bản Việt Nam. Một số thành viên quan tâm đến vấn đề ngôn ngữ, cho rằng có thể là rào cản của giải thưởng.

Theo đại diện Singapore, có thể học hỏi mô hình tổ chức của giải Nobel Văn học. "Giải thưởng đã trao cho hơn 100 tác giả đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Vì vậy ngôn ngữ không hoàn toàn là vấn đề, ASEAN không thiếu những nhà văn xứng đáng. Chúng ta nên tập trung vào vấn đề ý chí, nguồn lực và kinh phí", ông nói.

Cuối hội nghị, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Phạm Minh Tuấn đề xuất thành viên Malaysia sẽ làm Chủ tịch luân phiên ABPA nhiệm kỳ 2024 - 2025, nhận được sự đồng thuận của toàn bộ thành viên có mặt.

Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á (ASEAN Book Publishers Association - ABPA) là cộng đồng thân thiện, nơi hợp tác, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm của các nhà xuất bản ở khu vực Đông Nam Á và đối tác trong ngành. Hội Xuất bản Việt Nam là thành viên đồng sáng lập ABPA vào năm 2005.