Theo số liệu từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), năm 2023, toàn phân khúc sedan hạng D chỉ bán được tổng cộng 4.600 xe, giảm hơn 3.000 xe, tương đương đến hơn 40%, so với năm 2022. Trong đó, dẫn đầu phân khúc là Toyota Camry đạt doanh số 2.429 xe, tiếp đến là Mazda 6 bán được 1.094 xe và èo uột nhất là Honda Accord cả năm chỉ bán được 58 xe.

Tháng 1/2024, doanh số bán toàn phân khúc sedan hạng D chỉ đạt 195 xe, giảm 57% so với tháng 12/2023. Doanh số bán cả 3 mẫu xe chủ lực ở phân khúc này gồm Toyota Camry, Mazda6 và Kia K5 đều tụt thê thảm. Trong đó, Toyota Camry là chỉ đạt 103 xe; Mazda6 đạt 50 xe và Kia K5 đạt 34 xe. Còn Honda Accord đạt 8 xe.

xe8vnn.jpeg
 Toyota Camry.

Trải qua hơn 100 năm kể từ khi ra đời, sedan vốn là dòng xe được giới kinh doanh, tài phiệt ưa chuộng, là biểu tượng không thể thay thế cho sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô thế giới. Tại Việt Nam, sedan hạng D cũng xuất hiện sớm và có nhiều tên tuổi đã quen thuộc với người tiêu dùng từ khá lâu như Toyota Camry, Honda Accord...

Ở thời kỳ đầu của ngành công nghiệp ô tô trong nước, một vài cái tên đã xuất hiện bằng hình thức nhập khẩu lẫn lắp ráp. Năm 1996, Mazda đã hợp tác với Xí nghiệp ôtô Hòa Bình (VMC), nhập khẩu mẫu Mazda 626 để bán cho khách hàng Việt. Đây là tiền thân của Mazda 6 sau này. Năm 1998 Toyota Việt Nam trình làng chiếc Camry, lắp ráp tại nhà nhà máy ở Vĩnh Phúc.

xe9vnn.jpeg
 Mazda 6.

Từ năm 2000, phân khúc sedan hạng D ở Việt Nam trở nên sôi động hơn khi thu hút thêm nhiều tên tuổi gia nhập thị trường. Ford đầu tư hơn một triệu USD cho dây chuyền lắp ráp mẫu xe Mondeo tại Việt Nam và ra mắt mẫu sản phẩm vào năm 2003. Đến năm 2009, Công ty Thành Công nhập Hyundai Sonata về phân phối tại Việt Nam. Năm 2011 Honda Accord, được nhập khẩu từ Thái Lan về phân phối. Năm 2012 đến lượt Kia Optima/K5 ra mắt. Đến năm 2013, nhà phân phối Nissan bắt đầu phân phối chính hãng Teana.

xe10vnn.jpeg
 Kia K5

Vào thời kỳ đỉnh cao, phân khúc sedan hang D có doanh số bán hơn 10.000 xe/năm, nhưng sau đó cứ “lụi tàn” dần. Một số mẫu xe cũng biến mất, đến nay chỉ còn lại có Toyota Camry, Mazda6, Kia K5 và Honda Accord. Sự “trỗi dậy” của dòng xe SUV, MPV, CUV đã khiến thị phần xe sedan ngày càng thu hẹp. Đặc biệt, phân khúc sedan hạng D ngày càng rơi vào cảnh “ế ẩm”, thường xuyên nằm trong nhóm xe có doanh số thấp nhất thị trường.

Ưa chuộng xe gầm cao là một xu hướng của ngành ô tô thế giới và thị trường Việt Nam cũng vậy. Nhiều khách hàng phổ thông thay vì lựa chọn Sedan hạng D truyền thống, đã chuyển sang những mẫu xe CUV, SUV, MPV.

xe7vnn.jpeg
  Honda Accord.

Những năm gần đây, phân khúc sedan hạng D cũng có nhiều thay đổi, trang bị thêm nhiều tính năng hiện đại, thậm chí là “xanh hóa” với công hybrid và “lột xác” về thiết kế, được giới chuyên môn đánh giá khá cao. Hiện tại giá bán bản thấp nhất lùi về dưới 800 triệu đồng và cao nhất chưa tới 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, Sedan hạng D cũng được cho là khá kén chọn khách chủ yếu là những khách hàng khá giả, tầm trung niên, không phù hợp nhiều với giới trẻ.

Giới kinh doanh ô tô nhận định, năm 2024 sedan hạng D tiếp tục là phân khúc bị “lãng quên” có ít đóng góp vào doanh số chung của toàn thị trường. Cuộc đua tranh nội bộ ở phân khúc này nhiều khả năng cũng không có nhiều xáo trộn khi vị trí dẫn đầu vẫn thuộc về Toyota Camry, còn Honda Accord tiếp tục "đội sổ".

Theo Hải Linh (Diễn đoàn doanh nghiệp)

Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!