- Cùng là sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 4 tập 1, cùng bài Tập đọc “Ông Trạng thả diều”, tuy nhiên điều lạ đang khiến giáo viên băn khoăn là ở mỗi cuốn lại tên một đời vua khác nhau. Cuốn ghi Trần Nhân Tông, cuốn lại là Trần Thái Tông.
Cùng sách giáo khoa nhưng mỗi cuốn một kiểu. Ảnh: Thanh Hùng |
Điều này được một giáo viên tiểu học phát hiện ra trong một tiết học mới đây và băn khoăn khi đây đều là sách giáo khoa chính thống.
Cụ thể, ở bài Tập đọc “Ông Trạng thả diều” ở tuần thứ 11 trang 104 kể về trạng nguyên Nguyễn Hiền, cùng đều là sách giáo khoa, nhưng có cuốn ghi là đời vua Trần Nhân Tông, cuốn lại ghi đời vua Trần Thái Tông. Sách giáo khoa ghi đời vua Trần Nhân Tông được in vào nộp lưu chiểu vào tháng 4 năm 2005.
Một giáo viên khác cũng chia sẻ, cô trò cũng từng tranh luận trên lớp chuyện sách cô sai hay trò sai.
Ảnh: Thanh Hùng |
Qua tìm hiểu của VietNamNet, theo sử sách ghi lại, Nguyễn Hiền thi đỗ trạng nguyên khi mới 13 tuổi, trở thành trạng nguyên trẻ nhất trong lịch sử khoa cử Việt Nam, tại khoa thi tháng 2 năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 16 (1247) thời vua Trần Thái Tông.
Để giải đáp thắc mắc của một số giáo viên tiểu học, VietNamNet đã liên hệ tới Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chiều ngày 13/11.
Ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho hay, sách giáo khoa Tiếng Việt 4, tập 1 bản in lần đầu tiên năm 2005 trong đó có văn bản "Ông Trạng thả diều" được lấy trung thành với bản gốc của nhà văn Trinh Đường, viết rằng: “Vào đời vua Trần Nhân Tông, có một gia đình nghèo…”.
Tuy nhiên, ngay sau khi xuất bản lần đầu, biên tập viên của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam cũng đã phát hiện lỗi sai Nguyễn Hiền sống ở thời vua Trần Thái Tông chứ không phải Trần Nhân Tông. "Sau khi kiểm tra lại chúng tôi thấy sự phát hiện này là đúng. Và ngay sau đó, khi tái bản lần thứ nhất, văn bản đã được sửa lại chính xác là: “Vào đời vua Trần Thái Tông”, ông Tùng nói.
Việc này xảy ra do học sinh vẫn được dùng lại sách giáo khoa. Như vậy, những sách ghi Trần Thái Tông mới là thông tin chính xác và đã được cập nhật, tái bản. |
Đại diện Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam cho biết đã kiểm tra một số bản sách tái bản các lần sau nữa đều thấy đã ghi đúng là Trần Thái Tông.
Tuy nhiên, theo ông Tùng, việc mỗi sách một đời vua hoàn toàn có thể xảy ra khi dùng sách ở các lần tái bản khác nhau do học sinh có thể dùng lại sách giáo khoa.
Qua đây ông Tùng muốn thông tin tới các thầy, cô giáo có thể giải thích cho học sinh hiểu và thống nhất trạng nguyên Nguyễn Hiền ở đời vua Trần Thái Tông.
Thanh Hùng
"Chôn rau cắt rốn" hay "chôn nhau cắt rốn"?
Một phụ huynh có con học tiểu học tại Hà Nội cho rằng sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5 sử dụng sai thành ngữ “Chôn rau cắt rốn” và cho rằng phải là “chôn nhau cắt rốn” mới đúng.
Trẻ lớp 4 có cần hiểu về Bạch Thái Bưởi?
Điều cần nói từ câu hỏi “Em hiểu thế nào là một bậc anh hùng kinh tế?” là ở cách làm sách giáo khoa thiếu thực tế.
Phụ huynh đau đầu giải nghĩa “bậc anh hùng kinh tế” trong sách lớp 4
Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy (Q. Gò Vấp, TP HCM) thực sự đau đầu khi không thể giải đáp được cho cậu con trai hiểu cặn kẽ nghĩa cụm từ “bậc anh hùng kinh tế” trong SGK Tiếng Việt lớp 4.