Cụ thể, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), vừa được Quốc hội thông qua, quy định, cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng (TCTD) phải cung cấp cho TCTD các thông tin của cá nhân và người liên quan gồm: Họ và tên; số định danh cá nhân; quốc tịch, số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp của cổ đông là người nước ngoài; số Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ pháp lý tương đương của cổ đông là tổ chức; ngày cấp, nơi cấp của giấy tờ này.

Bên cạnh đó, cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên cũng phải cung cấp thông tin về số lượng, tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình và người có liên quan tại tổ chức tín dụng đó.

Các cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ phải gửi cho TCTD văn bản cung cấp thông tin lần đầu và khi có thay đổi các thông tin này trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh hoặc có thay đổi thông tin. 

Riêng về tỷ lệ sở hữu, cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ chỉ phải công bố thông tin khi có mức thay đổi về tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình, tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình và người có liên quan từ 1% vốn điều lệ trở lên so với lần cung cấp liền trước.

Luật mới cũng yêu cầu TCTD phải công bố công khai thông tin về họ và tên cá nhân, tên tổ chức là cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng và số lượng, tỷ lệ sở hữu cổ phần của cá nhân đó và người có liên quan trên trang thông tin điện tử của TCTD trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông tin cung cấp.

Theo quy định mới, khái niệm "người có liên quan" đã được mở rộng đến cả ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cô, dì, chú, bác, các cháu, tức là 5 thế hệ. Đây là một biện pháp cần thiết để có thể kiểm soát được tình trạng sở hữu chéo.

W-dsc-9833-1.jpg
Ảnh minh họa (Hoàng Hà).

Luật Các TCTD (sửa đổi) cũng quy định lộ trình về việc siết tỷ lệ cấp tín dụng với khách hàng tại khoản 1 Điều 136 như sau:

Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó của ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô không được vượt quá tỷ lệ sau đây:

Từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành (1/1/2025) đến trước ngày 1/1/2026: 14% vốn tự có đối với một khách hàng; 23% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó;

Từ ngày 1/1/2026 đến trước ngày 1/1/2027: 13% vốn tự có đối với một khách hàng; 21% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó;

Từ ngày 1/1/2027 đến trước ngày 1/1/2028: 12% vốn tự có đối với một khách hàng; 19% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó;

Từ ngày 1/1/2028 đến trước ngày 1/1/2029: 11% vốn tự có đối với một khách hàng; 17% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó;

Từ ngày 1/1/2029: 10% vốn tự có đối với một khách hàng; 15% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó.

Trước đó, Luật các tổ chức tín dụng quy định: Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô; tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 25% vốn tự có của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô.

Như vậy, tỷ lệ tối đa cấp tín dụng/vốn tự có với một khách hàng tại ngân hàng sẽ giảm dần từ 15% về 10% trong 5 năm (đến 2029). Tỷ lệ tối đa cấp tín dụng/vốn tự có đối với một khách hàng và người liên quan sẽ giảm dần từ 25% về 15% trong 5 năm (đến 2029).