Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hôm nay (6/9), ở khu vực phía Đông Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và giông, cục bộ có nơi mưa to. Lượng mưa tính từ 7-15h có nơi trên 40mm như: Hà Trung (Thanh Hóa) 58mm, Tân Giang (Hà Tĩnh) 47.6mm, Ia Pnôn (Gia Lai) 58.8mm, Cư Kbang (Đắk Lắk) 47.4mm, Tam Giang Tây (Cà Mau) 93mm,…

Từ 14h30 chiều nay, nhiều khu vực ở Hà Nội bắt đầu có mưa giông lớn, gió giật liên hồi khiến nhiều cây đổ ngổn ngang; có 3 người thương vong.

Dự báo diễn biến mưa lớn trong 24-48 giờ tới, ở phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa, từ đêm 6/9 đến hết đêm 7/9, có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-300mm, cục bộ có nơi trên 450mm.

w mua ngap 904.jpg
Thời tiết Hà Nội bắt đầu mưa lớn từ chiều 6/9 do ảnh hưởng rìa bão số 3. Ảnh minh họa: Phạm Hải

Ngày 8/9, mưa giảm dần, còn ở mức mưa vừa, có nơi mưa to và giông với lượng mưa 10-30mm, có nơi trên 60mm; riêng khu vực vùng núi có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa 30-60mm, cục bộ có nơi trên 150mm.

Phía Tây Bắc Bộ từ tối 7/9 đến ngày 8/9, có mưa to đến rất to với lượng mưa 100-300mm, cục bộ có nơi trên 450mm.

Ngoài ra, đêm 6/9 và ngày 7/9, khu vực từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế có mưa rào và giông, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 15-30mm, cục bộ có nơi trên 70mm; chiều tối và đêm 6/9, ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa, mưa vừa và giông, cục bộ có nơi mưa to đến rất to với lượng mưa từ 20-40mm, cục bộ có nơi trên 80mm.

Cơ quan khí tượng cảnh báo, đêm 8/9, ở Bắc Bộ và Thanh Hóa tiếp tục có mưa vừa, có nơi mưa to và giông với lượng mưa phổ biến 10-30mm, cục bộ có nơi trên 70mm. Riêng khu vực Tây Bắc và Việt Bắc của Bắc Bộ có mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa 30-60mm, cục bộ có nơi trên 150mm.

Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Mưa lớn và mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.

Trước đó, ông Đinh Hữu Dương, Trưởng phòng dự báo thời tiết, Đài Khí tượng thuỷ văn khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ cũng cho hay, dựa trên dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, dự kiến đêm 6 đến ngày 7/9, khu vực Hà Nội bắt đầu chịu ảnh hưởng của bão số 3.

Đầu tiên là gió mạnh dần lên cấp 5-6, có thời điểm lên cấp 7, giật cấp 9. Kèm theo đó là mưa, tập trung trong ngày 7, 8/9. Tuy nhiên, ông Dương nhấn mạnh, cần lưu ý chiều ngày 6/9, khả năng ảnh hưởng rìa xa của bão, Hà Nội có thể xuất hiện đợt mưa giông mạnh gây đổ cây, đổ cột điện. Điều này đã từng xảy ra trong một số cơn bão trước đây,.

“Mưa tập trung trong thời gian ngắn có thể gây ra quá tải trong thoát lũ khu vực nội thành, gây ngập lụt ở nội thành trong 30 phút đến nhiều giờ đồng hồ. Ở ngoại thành cũng có thể xuất hiện ngập lụt ở vùng trũng thấp, khu vực vùng ven sông Tích, sông Bùi, trong đó chú ý là một số xã của huyện Chương Mỹ như Tốt Động, Nam Phương Tiến có thể ngập lụt sâu và kéo dài nhiều ngày” - ông Dương lưu ý.

Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cũng thông tin, thời tiết TPHCM và Nam Bộ, nhiều mây, ngày có lúc giảm mây nắng gián đoạn, có mưa rào nhiều nơi, rải rác mưa vừa và giông, có nơi mưa to, cục bộ có mưa rất to. Trong cơn giông cần đề phòng lốc, sét và gió giật mạnh. Đề phòng mưa lớn cục bộ gây ngập các khu vực trũng thấp và thoát nước kém.

Cảnh báo lũ trên các sông ở Bắc Bộ và Thanh Hóa

Chiều 6/9, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, từ ngày 7-10/9, trên các sông ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có khả năng xuất hiện 1 đợt lũ, với biên độ lũ lên trên các sông từ 2-6m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông nhỏ tại các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt tại các tỉnh Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn và Hòa Bình có khả năng lên mức BĐ2-BĐ3; đỉnh lũ trên sông Thao, thượng lưu sông Lô, sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam, sông Hoàng Long lên mức BĐ1-BĐ2; sông Bưởi, thượng nguồn sông Mã (Thanh Hóa) lên trên mức BĐ1; mực nước hạ lưu sông Hồng-Thái Bình ở dưới mức BĐ1.

Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, lũ quét và sạt lở đất trên các sườn dốc ở khu vực vùng núi Bắc Bộ, Thanh Hóa. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các đô thị, thành phố và các tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ do mưa lớn, đặc biệt tại các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Hà Giang, Yên Bái, Bắc Kạn, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hà Nội.