- Trong phần thẩm tra lý lịch, siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như khai, bị cáo đã có chồng nhưng chưa đăng ký kết hôn. Quá trình bị tạm giam từ 14/9/2011, bị cáo đã sinh con (năm 2012).

Sáng nay (6/1), TAND TP.HCM đã đưa "đại án" lừa đảo gần 4.000 tỷ đồng do bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như (36 tuổi, nguyên quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ - Ngân hàng Vietinbank) cùng đồng phạm thực hiện ra xét xử.

Xem clip:

Đề nghị triệu tập “bầu” Kiên và ông Trần Xuân Giá

Trong "đại án" này có 15 đơn vị, cá nhân được xác định là nguyên đơn dân sự và bị hại. 79 đơn vị, cá nhân là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án.
 
Cũng trong phần thủ tục, luật sư Lưu Văn Tám - Đoàn luật sư TP.HCM là người bảo vệ quyền lợi cho Ngân hàng ACB đề nghị tòa triệu tập thêm đại diện Vietinbank - chi nhánh TP.HCM với tư cách là bị đơn dân sự trong vụ án.
 
Liên quan đến việc ACB bị chiếm đoạt hơn 718 tỷ đồng, luật sư Tám cho rằng việc này liên quan đến các cá nhân như ông Nguyễn Đức Kiên (tức "bầu" Kiên), ông Trần Xuân Giá và một số cá nhân nguyên là lãnh đạo ACB. Do vậy, trách nhiệm đối với các cá nhân này trong vụ án cần được xác định, do đó cần triệu tập thêm những cá nhân này.
 
Luật sư của Ngân hàng Nam Việt đề nghị hoãn phiên tòa vì cần thêm thời gian để tiếp cận, nghiên cứu hồ sơ vụ án.
 
Về đề nghị của luật sư Tám, luật sư bảo vệ quyền lợi cho Vietinbank cho rằng trong vụ án, Vietinbank được triệu tập với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Hiện tại, Vietinbank đã có người đại diện tham gia phiên tòa. Do vậy, không cần thiết phải triệu tập thêm một số lãnh đạo của Vietinbank. 

Sau phần thủ tục, đại diện VKSND TP.HCM nhận định ngay trong giai đoạn điều tra, Navibank từng xác định còn 200 tỷ đến hạn nhưng chưa tất toán. Do vậy, việc luật sư Navibank cho rằng chưa nắm rõ thông tin và đề nghị hoãn phiên tòa là không có cơ sở.

Sau ý kiến của Viện kiểm sát, HĐXX đã hội ý, trước khi đưa ra quyết định tiếp tục phiên tòa hay không. 

Tòa tạm ngừng xử, xem xét ý kiến luật sư

Sau ý kiến của Viện kiểm sát, HĐXX đã tạm dừng xét xử để hội ý.

10h30p, Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Đức Sáu đã tuyên bố tạm hoãn phiên tòa để HĐXX hội ý, xem xét các kiến nghị hoãn phiên tòa, triệu tập thêm người liên quan, xác định lại bị đơn dân sự của các luật sư.

11h15: HĐXX vào làm việc và tuyên bố: Tiếp tục phiên tòa bởi việc Ngân hàng Navibank cho rằng mình không phải là bị hại trong vụ việc là thiếu chính xác. Tòa bác đề nghị của Navibank.

11h30: Tòa tạm nghỉ. Đến 13h30p, phiên tòa tiếp tục với phần công bố cáo trạng.

47 luật sư tham gia phiên tòa

Vào lúc 8h25p, thẩm phán Nguyễn Đức Sáu - Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM chính thức đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử. Vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm nên nhiều cơ quan báo chí có mặt để theo dõi phiên tòa.

Tuy nhiên, do số lượng bị cáo, bị hại cũng như người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, luật sư tham gia phiên tòa rất đông nên cơ quan báo chí được sắp xếp ngồi ở bên ngoài, theo dõi phiên tòa qua màn hình trực tiếp.

{keywords}
Ảnh: Vũ Đoan
{keywords}
Bị cáo Huyền Như tại tòa Ảnh: Vũ Đoan

Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như xuất hiện tại tòa trong chiếc áo sơ mi màu đỏ, mái tóc ngắn. Bào chữa cho Như có tới 3 luật sư gồm: luật sư Nguyễn Tiến Hùng - Đoàn luật sư Hà Nội, Nguyễn Văn Ngoan - Đoàn luật sư Hà Nội và luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi - Đoàn luật sư TP.HCM.

Vụ án có tổng cộng 47 luật sư tham gia bào chữa và bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo, nguyên đơn dân dự và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Tính đến 9h sáng, ngoài một số cá nhân có đơn xin vắng mặt, nhiều cá nhân, đơn vị là nguyên đơn dân sự và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vẫn chưa có mặt tại tòa theo giấy triệu tập. 

Trong phần thẩm tra lý lịch, "siêu lừa" Huỳnh Thị Huyền Như cho biết bị cáo đã có chồng nhưng chưa đăng ký kết hôn, có một con nhỏ sinh năm 2012, bị cáo bị tạm giam từ ngày 14/9/2011. Sau Huyền Như, các bị cáo còn lại cũng lần lượt được mời lên thẩm vấn.

{keywords}
Ảnh: Vũ Đoan
{keywords}
Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như xuất hiện tại tòa trong chiếc áo sơ mi màu đỏ, mái tóc ngắn Ảnh: Vũ Đoan

Cùng bị truy tố về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" còn có các bị can gồm: Võ Anh Tuấn (42 tuổi, Phó Giám đốc Vietinbank - Chi nhánh Nhà Bè), Huỳnh Mỹ Hạnh (chị gái Như, 42 tuổi, Phó Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Hoàng Khải), Trần Thị Tố Quyên (33 tuổi, Nhân viên Công ty Hoàng Khải).

Liên quan đến vụ án, 9 bị can khác nguyên là cán bộ, nhân viên Vietinbank gồm: Trần Thanh Thanh (33 tuổi, Quảng Ngãi), Tống Nguyên Dũng (27 tuổi, Đồng Nai), Bùi Ngọc Quyên (33 tuổi, TP.HCM), Hoàng Hương Giang (27 tuổi, Gia Lai), Phạm Thị Tuyết Anh (33 tuổi, Thái Bình), Đoàn Lê Du (34 tuổi, Kiên Giang), Huỳnh Trí Dũng (27 tuổi, Tây Ninh), Vũ Nguyễn Xuân Tiên (38 tuổi, TP.HCM), Nguyễn Thị Phúc Ngân (32 tuổi, Lâm Đồng) bị truy tố về tội "vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".

Các bị can còn lại bị truy tố về các tội như: "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "cho vay nặng lãi", "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" và "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Theo cáo trạng, đầu năm 2007, khi là cán bộ tín dụng tại ngân hàng VietinBank, Huỳnh Thị Huyền Như đã đứng ra vay hơn 200 tỷ đồng với lãi suất cao để kinh doanh bất động sản. Đến năm 2010, do kinh doanh thua lỗ nên Như mất khả năng thanh toán.

Để có tiền trả nợ, từ tháng 3/2010 – 9/2011, lấy danh nghĩa huy động vốn cho Vietinbank, Huỳnh Thị Huyền Như đã tự đứng ra thỏa thuận lãi suất vay tiền với các tổ chức, cá nhân; làm giả con dấu của Vietinbank - Chi nhánh Nhà Bè và 7 công ty khác để lập 110 hợp đồng tiền gửi, cùng nhiều hồ sơ mở tài khoản, rút tiền...lừa đảo chiếm đoạt tài sản tổng cộng 3.986 tỷ đồng.

Phiên tòa dự kiến sẽ kéo dài từ ngày 6 - 25/1, do thẩm phán Nguyễn Đức Sáu - Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM làm chủ tọa. HĐXX gồm 5 thành viên với 2 thẩm phán, 3 Hội thẩm nhân dân và 1 Hội thẩm nhân dân dự khuyết.

Thừa ủy quyền của VKSND Tối cao, có hai kiểm sát viên đại diện VKSND TP.HCM giữ quyền công tố tại tòa. 34 luật sư sẽ tham gia bào chữa cho bị cáo và các bên liên quan trong vụ án.

Ngoài 23 bị can hầu tòa, Tòa còn triệu tập 3 ngân hàng, 9 công ty và 3 cá nhân khác tham gia phiên tòa với tư cách là nguyên đơn dân sự và người bị hại trong vụ án.

Cơ quan chức năng đã kê biên, thu giữ tài sản, tiền mặt, sổ tiết kiệm của các bị can với tổng trị giá hơn 800 tỷ đồng; gần 157.000 EUR, 4.600 USD và 4 xe ô tô trị giá 5 tỷ; 20 bất động sản trị giá 361 tỷ đồng…

VietNamNet sẽ tiếp tục thông tin về phiên tòa xét xử.

Ảnh: Vũ Đoan, clip: Trương Khởi

M.Phượng - N.Trang