Các nhà khoa học và chuyên gia luật bày tỏ lo ngại rằng, một thử nghiệm tham vọng sử dụng một siêu máy gia tốc có thể vô tình hủy diệt Trái đất.
Máy va chạm ion nặng tương đối tính (Relativistic Heavy Ion Collider/ RHIC) của Mỹ hiện là máy gia tốc mạnh thứ hai trên thế giới này, chỉ xếp sau máy gia tốc hạt lớn (LHC) của Tổ chức Nghiên cứu Nguyên tử Châu Âu (CERN). Ảnh: Daily Mail |
Máy va chạm ion nặng tương đối tính (Relativistic Heavy Ion Collider/ RHIC) thuộc Phòng thí nghiệm quốc gia Brookhaven của Mỹ đang trở thành tâm điểm chú ý, sau khi các chuyên gia lên tiếng cảnh báo về những nguy cơ nghiêm trọng liên quan đến kế hoạch nâng cấp máy quy mô lớn.
Khi hoạt động, RHIC tăng tốc các hạt nhân tới tốc độ của ánh sáng trước khi nghiền nát chúng với nhau trong một nỗ lực nhằm tạo ra plasma quark-gluon, một dạng vật chất cực nóng, hơn 4.000 tỉ độ C, được cho là từng xuất hiện ngay sau vụ nổ Big Bang cách đây 13,7 tỉ năm.
Sau khi nâng cấp, máy gia tốc mạnh thứ hai trên thế giới này, chỉ xếp sau máy gia tốc hạt lớn (LHC) của Tổ chức Nghiên cứu Nguyên tử Châu Âu (CERN), dự kiến có thể làm khởi phát các vụ va chạm mạnh gấp 20 lần mức tối đa khi máy được chế tạo ban đầu.
Kế hoạch trên đang khiến các chuyên gia lo ngại. Trong một bài viết đăng tải trên báo International Business Times, Eric Johnson - giáo sư chuyên ngành luật thuộc North Dakota và giáo sư Michael Baram thuộc Trường luật, Đại học Boston nhấn mạnh, cơ sở quản lý RHIC cần phải tiến hành tái đánh giá nguy cơ cỗ máy sau nâng cấp có thể tạo ra một thảm họa vô cùng lớn, đủ để tiêu hủy toàn bộ sự sống trên Trái đất.
Mặc dù thử nghiệm với siêu máy gia tốc RHIC có thể giúp trả lời những câu hỏi về việc sự sống bắt đầu trên hành tinh của chúng ta như thế nào, nhưng những người chỉ trích, bao gồm cả Hiệp hội thiên văn học Hoàng gia Anh, khuyến cáo, quá trình có thể ngẫu nhiên tạo ra các lỗ đen cực nhỏ và các hạt hạ nguyên tử strangelet.
Hạt strangelet là một dạng giả định của vật chất quark, trong những điều kiện nhất định có khả năng kích hoạt một phản ứng chuỗi và biến đổi mọi thứ thành "vật chất kỳ lạ", dẫn đến sự hủy diệt Trái đất.
Các chuyên gia lo ngại, thử nghiệm với máy RHIC sau nâng cấp có thể tạo ra một phản ứng chuỗi và biến đổi mọi thứ thành vật chất kỳ lạ, dẫn tới sự hủy diệt mọi sự sống trên Trái đất. Ảnh: Corbis |
Các chuyên gia đặc biệt quan ngại, những thử nghiệm ở mức năng lượng thấp cũng có thể sản sinh ra các hạt strangelet. Trong khi đó, một báo cáo gần đây chỉ ra rằng, các lỗ đen mini có thể hình thành từ mức năng lượng thấp hơn suy đoán ban đầu của chúng ta.
Theo trang iO9, các quan ngại tương tự cũng từng xuất hiện khi máy LHC của CERN từng bắt đầu quá trình tìm kiếm "hạt của Chúa", dù ít khả năng các máy gia tốc hạt có thể sản sinh ra các lỗ đen ổn định và ngay cả khi làm được điều đó, các lỗ đen cũng không thể hút vật chất theo cách tiềm tàng đe dọa hành tinh.
Tuấn Anh (Theo Daily Mail)