Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm 2020 của Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp ngày 11/1, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đánh giá Ủy ban đã tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu bảo toàn, phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp với điểm sáng là thu ngân sách công ty mẹ của 17/19 tập đoàn vượt 12% so với kế hoạch đề ra.

{keywords}
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo 

Nếu không tính ảnh hưởng sụt giảm tài sản của Vietnam Airlines là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chịu thiệt hại nặng nề và trực tiếp nhất bởi dịch COVID, vốn chủ sở hữu công ty mẹ của 14/19 tập đoàn tăng 0,4% so với cùng kỳ. Thành tích trên cần được đặt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu sụt giảm chưa từng có, GDP trong nước năm 2020 dù có tăng trưởng, nhưng mức tăng trưởng thấp hơn năm 2019 hơn 4%.

“Trong bối cảnh khó khăn lịch sử như vậy, Ủy ban đã cơ bản bảo toàn được vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, là thành tích đáng được ghi nhận và biểu dương” Phó Thủ tướng đánh giá.

Ngoài ra, Ủy ban và các doanh nghiệp đã nỗ lực phê duyệt/triển khai nhiều dự án đầu tư trọng điểm, là các cơ sở hạ tầng thiết yếu, các công trình lớn, có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt cả về kinh tế, chính trị lẫn an ninh quốc phòng, an ninh năng lượng, và các dự án có tính kết nối, lan toả, tạo động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Đó là: Dự án Cảng HKQT Long Thành và Dự án Nhà ga hành khách T3 Cảng HKQT Tân Sơn Nhất; triển khai thử nghiệm kĩ thuật 5G; hoàn thành và đưa giàn BK-21 vào khai thác vượt tiến độ 28 ngày, hoàn thành và đưa vào vận hành nhiều dự án trong lĩnh vực sản xuất, khai thác điện có qui mô vừa và nhỏ , cơ bản hoàn thiện các thủ tục để khởi công đầu năm 2021 một số dự án nhà máy nhiệt điện quan trọng như Quảng Trạch I (1.200MW), Hòa Bình mở rộng…

Ngoài ra, với vai trò là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công Thương: Ủy ban đã có nhiều đề xuất, kiến nghị mới, bước đầu đã đạt được kết quả tích cực, cụ thể là đã đề xuất phân loại các dự án/doanh nghiệp thành các nhóm để có phương án chỉ đạo xử lý cụ thể, đưa 3 dự án, doanh nghiệp ra khỏi danh sách "12 dự án"...

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng: Việc thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhằm tách chức năng quản lý nhà nước ra khỏi chức năng quản lý vốn tại doanh nghiệp vẫn còn chưa tốt…

Trong số những nhiệm vụ đặt ra cho Ủy ban quản lý vốn, Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban thực hiện đúng vai trò đại diện chủ sở hữu, không can thiệp vào các việc thuộc thẩm quyền của doanh nghiệp; doanh nghiệp tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác theo quy định của pháp luật.

Báo cáo tại hội nghị, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết Dịch bệnh Covid-19, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, giá dầu thô giảm sâu kỷ lục và thiên tai bão lũ liên tục dẫn tới hầu hết các doanh nghiệp thuộc Ủy ban phải chịu ảnh hưởng tiêu cực nặng nề.

Theo đó, tổng doanh thu của 19 doanh nghiệp ước đạt 767.844 tỷ đồng, bằng 87,36% so với kế hoạch năm 2020 và bằng 85,72% so với năm 2019.

Lợi nhuận trước thuế của 19 doanh nghiệp ước đạt 21.068 tỷ đồng, bằng 69,9% so với kế hoạch năm 2020 và bằng 32,91% so với năm 2019.

Một số doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) cao trong năm 2020 như: Tập đoàn Bưu chính viễn thông (7,8%); Tổng công ty Viễn thông Mobifone (20,3%); Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (8,9%); Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (9,9%).

Một số doanh nghiệp có tỷ lệ tăng trưởng về lợi nhuận so với năm 2019 cao như: Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (tăng 41,73% so với năm 2019); Tập đoàn Bưu chính viễn thông (tăng 5,3% so với năm 2019); Tập đoàn Công nghiệp cao su (tăng 5,1% so với năm 2019).

Tổng nộp ngân sách của 17/19 doanh nghiệp ước đạt 56.387 tỷ đồng, bằng 112% so với kế hoạch năm 2020 và bằng 79,3% so với năm 2019.

Theo Ủy ban quản lý vốn, do ảnh hưởng của dịch bệnh, đa số các tập đoàn, tổng công ty không hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước và kế hoạch đầu tư, phát triển năm 2020 mà Ủy ban giao. Nhiều dự án đầu tư trọng điểm chậm tiến độ thêm từ 6 tháng -1 năm so với kế hoạch.

Hà Duy

'Siêu ủy ban' và chuyện vốn cho đường sắt

'Siêu ủy ban' và chuyện vốn cho đường sắt

 - Vì sao doanh nghiệp lâm cảnh khốn đốn “chạy tàu cũng sai, không chạy tàu cũng sai”?