Thiết kế dạng module độc đáo của G5, mẫu smartphone đầu bảng vừa ra mắt tại MWC 2016 của LG, đang nhận được nhiều lời khen và tán thưởng từ giới công nghệ. Nhưng liệu người dùng có bị xiêu lòng đến mức bỏ tiền ra mua hay không?

Trang TrustReviews cho rằng câu trả lời là không, vì thiết kế module của G5 thực ra mới chỉ là "thử nghiệm nửa vời" mà thôi. Để chứng minh cho nhận định của mình, các tác giả của trang này đã viết một bài phân tích, mổ xẻ rất kỹ càng về G5.

{keywords}

"Không hãng nào nỗ lực vượt khó được như LG. Hãng này luôn có những sản phẩm tốt, nhưng thật khó để mà bật lên trong một thế giới do Apple và Samsung thống trị. Việc kiếm được tiền thì lại càng khó hơn muôn phần.

Câu trả lời của LG là một con dế được thiết kế dạng module khá thông minh. Phần pin có thể trượt ra và bạn đấu nối các phụ kiện rời, bên ngoài với điện thoại được dễ dàng. Những phụ kiện đầu tiên được LG gọi là "Friends" (những người bạn), gồm có loa High-Res của Bang & Olufsen, pin, camera grip...Ngoài ra còn có camera 360 CAM và headset 360 VR nữa.

Nhưng khi cơn phấn khích ban đầu qua đi, chúng ta có thể rút ra một kết luận đơn giản: Thiết kế này sẽ không hiệu quả và không kéo dài được lâu.

Đây không phải là lần đầu tiên giới smartphone thử nghiệm với ý tưởng module. Google từng có một dự án tương đồng mang tên Project Ara. Lần cuối nghe tin thì dự án này đã bị hoãn lại vì điện thoại vỡ tan tành khi chẳng may bị rơi xuống đất. Nói thế để thấy rằng, các sản phẩm dạng module hầu hết mới chỉ đang dừng ở giai đoạn ý tưởng (concept). Chúng có thể gây được ấn tượng ở một vài kỳ triển lãm về công nghệ, nhưng khó lòng thu hút được số đông người dùng bình thường, vốn chẳng sành sỏi lắm về kỹ thuật.

Do đó, đừng nên đo mức độ thành công của một sản phẩm chỉ dựa trên việc nó xuất hiện trên mặt báo với tần suất như thế nào.

Tất nhiên, G5 có khác một chút. Con dế này chỉ bán-module mà thôi. Các module nối dài khả năng của phần điện thoại gốc chứ không phải là thay thế các linh kiện chủ chốt của nó. Hơn nữa, G5 không phải là sản phẩm trưng bày. Nó là sản phẩm thật mà LG sẽ bán ra thị trường.

Nhưng đến đây hàng loạt câu hỏi được đặt ra. Thay pin lớn hơn ư? Bạn sẽ thích pin gốc của điện thoại có dung lượng khủng hơn. Hơn nữa, nhiều loại pin dự phòng đang bán trên thị trường chỉ nhỏ cỡ thẻ tín dụng, vô cùng tiện. Nói cách khác, bạn chẳng cần nó đến nỗi chết đi được.

Loa ư? Một cái loa mini nhét vừa mặt sau điện thoại thì có thể hay đến đâu? Chẳng phải nghe nhạc bằng loa rời vừa dễ hơn, vừa rẻ hơn hay sao? Máy chiếu ư? Hay bộ điều khiển chơi game? Các hãng điện thoại từng thử nghiệm rồi nhưng chẳng tác dụng gì.

Có lẽ rồi đây, nhà sản xuất sẽ nảy ra được những ý tưởng hay ho hơn, nhưng cá tiền là chúng sẽ rất phức tạp và không hề rẻ, trong khi các vấn đề đó có thể giải quyết bằng cách khác đơn giản, dễ dàng hơn nhiều.

Vấn đề thứ hai là sự thiếu vắng một kế hoạch dài hạn. Nếu như LG áp dụng chuẩn module cho tất cả các con dế của mình, hoặc tiếp tục gắn bó với ý tưởng này khi thiết kế nên smartphone G6 của năm 2017, thì hãng cần phải có một lộ trình chi tiết, cụ thể về việc nâng cấp, cải tiến ra sao. Nhưng LG vốn nổi tiếng là thay đổi thị hiếu nhanh như thay áo. Năm ngoái, hãng này ca ngợi kiểu thiết kế ốp da với những đường khâu chỉ ở mặt sau là "sang trọng, sành điệu" thì năm nay, tất cả đã bị xếp xó để nhường chỗ cho ngoại hình toàn kim loại + module. Rất có thể vào năm 2017, một thứ gì đó mới hoàn toàn lại được thử nghiệm. Nói cách khác, không có một tầm nhìn nhất quán và dài hạn trong việc phát triển smartphone đầu bảng ở LG.

Người dùng có quyền tự hỏi: Tại sao tôi lại phải đầu tư sắm những phụ kiện module khi mà không biết là thiết kế này tồn tại được bao lâu? Chẳng phải chúng sẽ bị xếp xó nếu năm sau hãng thay đổi ý tưởng module ư? Không ai có thể trả lời bạn, kể cả LG.

T.C