(VEF.VN) - Lo ngại các doanh nghiệp lợi dụng ưu đãi để hưởng lợi riêng, các cơ quan chức năng chỉ "dám" đưa ra chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ với những ưu đãi chung chung, nặng về xin cho.
Tin liên quan:
Bài 1: Vẫn loay hoay trong "kiếp gia công"
Bốn năm và một bản quy hoạch lỗi thời
Đầu năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ.
Theo đó, Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ đối với các ngành: cơ khí chế tạo, điện tử - tin học, sản xuất lắp ráp ô tô, dệt - may, da - giầy và công nghiệp hỗ trợ cho phát triển công nghiệp công nghệ cao. Các DN đầu tư sản xuất công nghiệp hỗ trợ được ưu đãi về hạ tầng, thị trường, tài chính, khoa học công nghệ...
Thực tế, cách đây 4 năm, Bộ Công thương đã phê duyệt quy hoạch tổng thể về phát triển công nghiệp phụ trợ Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020. Bản quy hoạch này do Viện Chiến lược Chính sách Công nghiệp (Bộ Công Thương) soạn thảo cùng một cơ sở dữ liệu ban đầu về các nhà cung cấp linh phụ kiện.
Sau đó người ta chờ đợi việc công bố bản kế hoạch hành động sau qui hoạch tổng thể, nhưng nó đã không diễn ra.
Nhiều ý kiến cho rằng bản quy hoạch ngay từ đầu đã lỗi thời và không phù hợp với tình hình thực tế, còn cơ sở dữ liệu thì hoàn toàn thiếu các nhà cung cấp Nhật Bản.
Suốt từ đó đến nay bản quy hoạch này không phát huy được tác dụng và cũng không gây được sự chú ý quan tâm của các DN. Đến nay sau 4 năm phê duyệt, thì bản quy hoạch đó thực sự đã lỗi thời.
Bỏ cụ thể lấy chung chung
Tinh thần soạn thảo ban đầu cũng là hướng tới sự ra đời của một Nghị định về phát triển công nghiệp phụ trợ, nhưng bàn thảo mãi mà vẫn có nhiều ý kiến khác nhau nên cuối cùng không ra được Nghị định, phải hạ xuống thành Quyết định, Ông Phạm Văn Liêm, Phó viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Công nghiệp, Bộ Công thương cho biết.
Ảnh minh hoạ: dientusaigon.net |
Nhận xét về Quyết định này, các DN và ngay cả một số người tham gia soạn thảo nó đều không mấy lạc quan.
Về phía các DN, khi được hỏi, tất cả đều cho rằng đó là 1 quyết định với những ưu đãi hết sức chung chung, thiếu hẳn những điều cụ thể mang tính đột phá mà họ chờ đợi.
Đại diện của Hiệp hôi các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho rằng các chính sách ưu đãi về thuế nhập khẩu, xuất khẩu thực ra không được nhiều bởi Việt Nam đã gia nhập WTO, AFTA việc giảm thuế nhập khẩu, xuất khẩu phải thực hiện theo cam kết, theo lộ trình và ngày càng giảm, có nhiều mặt hàng sẽ còn thuế suất 0% vậy thì ưu đãi không có nhiều tác dụng.
Ưu đãi về thuế các DN cần chính là thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập DN thì không thấy đề cập tới. VAMA cũng nêu vấn đề: chẳng hạn như Toyota Việt Nam kêu gọi được nhiều DN nước ngoài và trong nước đầu tư sản xuất phụ tùng ô tô. Sau khi cung cấp cho các nhà lắp ráp trong nước thì xuất khẩu với số lượng lớn vậy sản phẩm cuối cùng là xe ô tô do Toyota Việt Nam lắp ráp được hưởng những ưu đãi gì? Đây là điều các DN mong đợi, nhưng Quyết định đã không đề cập tới.
Rồi chế độ tưởng thưởng đặc biệt cho những công ty có thành tích cao về xuất khẩu các mặt hàng thuộc các ngành công nghiệp phụ trợ cũng không thấy...
DN Việt Nam có trình độ quản lý yếu, công nghệ lạc hậu rất cần lập chế độ tư vấn kỹ thuật và quản lý để mời các chuyên gia nước ngoài vào giúp thay đổi công nghệ, cơ chế quản lý, điều này trong Quyết định cũng không có, chỉ nói là sẽ được hỗ trợ chi phí chuyển giao công nghệ là chưa đủ...
Ông Trần Quang Hùng, Hội DN điện tử Việt Nam cho rằng Quyết định phát triển công nghiệp phụ trợ vẫn đi theo tư duy cũ, tức là nặng cơ chế xin cho. Muốn làm công nghiệp phụ trợ thì phải làm đơn xin, phải có dự án rồi qua Hội đồng thẩm định dự án, trình Thủ tướng phê duyệt, như vậy rất khó khăn và nhiều khi làm DN nản lòng. Ông Hùng đề xuất nên xây dựng thành các điều kiện để bất cứ DN nào đủ điều kiện thì được hưởng ưu đãi và hỗ trợ.
Ông Phạm Văn Liêm cho biết, trong quá trình soạn thảo, Bộ Công thương đã đưa vào rất nhiều những ưu đãi cụ thể, nhưng không nhận được sự đồng tình của các bộ, ngành khác vì lo ngại ưu đãi lớn sẽ bị DN lợi dụng chính sách hưởng lợi... Sau đó, các ưu đãi cụ thể đều bị loại bỏ hết, thành ra Quyết định chỉ còn lại những điều chung chung và thực sự không hấp dẫn, không tạo động lực để thu hút các DN vào cuộc.
Cách làm không giống ai
Trao đổi với VietNamNet, ông Phan Đăng Tuất, Viện trưởng Viện chiến lược Chính sách Công nghiệp, than thở: Ở các nước có ngành công nghiệp phụ trợ phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan..., công nghiệp phụ trợ được phát động từ phía Chính phủ. Còn ở Việt Nam, ngược lại, nó được phát động từ giới nghiên cứu và doanh nghiệp. Ông Tuất cho rằng trong quá xây dựng chính sách về công nghiệp phụ trợ đã gặp không ít sự "lạnh lẽo, nghiệt ngã" của những người có trách nhiệm.
Giáo sư Kenichi Ohno, Giám đốc Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF), người đã 15 năm gắn bó với công việc thúc đẩy sự phát triển công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam cho biết, các nhà quản lý công nghiệp chưa hình dung một cách rõ ràng rằng, đối với ngành lắp ráp, chi phí linh phụ kiện chiếm tới 70-90% giá thành, còn nhân công lao động chỉ chiếm dưới 10%.
Suốt thời gian qua nền công nghiệp của Việt Nam vẫn phát triển dựa trên khai thác tài nguyên và lao động gia công giá rẻ, chứ chưa mấy chú ý đến hàm lượng giá trị gia tăng mà công nghiệp hỗ trợ có thể mang lại.
Tầm quan trọng của việc phát triển công nghiệp hỗ trợ trong quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Nhật Bản, cũng đã gây không ít hoài nghi rằng việc phát triển công nghiệp hỗ trợ là phục vụ cho các nhà lắp ráp Nhật Bản, chứ không phải cho sự nghiệp công nghiệp hoá của Việt Nam.
Ông đã không ít lần phải than thở với giới truyền thông rằng dường như việc thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ là việc của phía Nhật Bản, chứ không phải của các nhà hoạch định chính sách công nghiệp của Việt Nam.
"Họ cứ bình chân như vại", Giáo sư Ohno nhận xét.
Giáo sư cũng cho biết hiện nay mối quan tâm của ông về phát triển công nghiệp hỗ trợ đã chuyển sang Ethiopia - một đất nước đi sau Việt Nam 20 năm, nếu tính về GDP trên đầu người, nhưng lại đi trước Việt Nam trong tư duy hoạch định chính sách công nghiệp, trong đó có công nghiệp hỗ trợ.
Thiếu công nghiệp phụ trợ, nền công nghiệp Việt Nam hoàn toàn không được nuôi dưỡng.
Trong khi đó, các nước trong khu vực như Thái Lan ngày nay đã trở thành trung tâm công nghiệp ô tô lớn của châu Á. Với trên 2.000 DN sản xuất linh kiện ô tô và ô tô sản xuất tại Thái Lan có tỷ lệ nội địa hoá lên tới trên 70%. Tương tự trong lĩnh vực điện tử, các máy tính xuất khẩu từ Thái Lan luôn có 20% linh kiện do các DN điện tử nước này sản xuất.
Malaysia nay đã trở thành 1 quốc gia xuất khẩu sản phẩm điện tử hàng đầu khu vực với kim ngạch xuất năm 2010 là 60 tỷ USD chiếm 50% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn quốc. Philippines năm 1970 còn xuất khẩu cùi dừa thì đến 2007 đã xuất khẩu linh kiện bán dẫn.
Thời gian qua, các nước xung quanh đã tiến những bước dài thì công nghiệp phụ trợ của Việt Nam vẫn ì ạch, mãi không lớn.
Trần Thuỷ
Trong khi chúng ta đang cố gắng thu hút các dự án lớn, các công ty đa quốc gia vào đầu tư trong nước thì chính sự thiếu vắng công nghiệp phụ trợ đã khiến nhiều công ty do dự, thậm chí không "dám" vào Việt Nam. Mời quý độc giả đón đọc bài viết về các dự án lớn không vào Việt Nam vì thiếu công nghiệp phụ trợ vào các ngày tiếp theo. Mọi ý kiến phản hồi xin gửi về vef@vietnamnet.vn.