- Năm 2016 mặc dù có nhiều cố gắng, làm nhiều việc, chúng tôi tự rút các danh hiệu thi đua, bằng khen mà đáng ra có thể đề xuất của cá nhân, tập thể, Giám đốc Sở PCCC Hoàng Quốc Định nói.
Phiên chất vấn của HĐND TP Hà Nội sáng nay nóng ngay từ lúc mở đầu với chuyện cháy và công tác PCCC.
Trưởng Ban Pháp chế Nguyễn Hoài Nam nhắc đến vụ cháy quán karaoke tại Cầu Giấy, ông đánh giá cao quận uỷ Cầu Giấy đã nghiêm túc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm.
Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội Nguyễn Hoài Nam |
Tuy nhiên theo ông, kinh doanh karaoke là loại hình kinh doanh đặc biệt, có điều kiện, có giấy chứng nhận đảm bảo an toàn PCCC theo quy định và có giấy chứng nhận đủ điều kiện của Công an TP cấp mới được hoạt động.
Ông đặt câu hỏi tới Giám đốc Công an TP: Kết quả xử lý sai phạm của những người có trách nhiệm trực tiếp của TP liên quan vụ cháy như thế nào, từ cấp giấy chứng nhận kinh doanh cho đến kiểm tra giám sát? Trong 1.270 cơ sở karaoke, đã cấp được bao nhiêu giấy chứng nhận đủ điều kiện và thu được bao nhiêu giấy không đủ điều kiện của các cơ sở vi phạm?
Với Giám đốc Cảnh sát PCCC, ông Nam cho hay, ta đã cảnh báo rất nhiều lần với các loại hình kinh doanh nhạy cảm.
Không thể lén lút
Trả lời các ĐB, Giám đốc Công an TP Hà Nội Đoàn Duy Khương cho biết, năm nay đã thu hồi 50 giấy phép kinh doanh karaoke, phạt 367 triệu đồng.
Giám đốc Công an TP Hà Nội Đoàn Duy Khương |
Với quán karaoke 68 tại quận Cầu Giấy, đây là cơ sở đang trong giai đoạn làm thủ tục chờ cấp chứ chưa nhận được thủ tục hồ sơ để cấp. Lực lượng công an phường, quận đã xuống kiểm tra nhắc nhở, lập biên bản yêu cầu không được hoạt động.
"Tuy nhiên cơ sở này vẫn lén lút hoạt động và dẫn đến sự cố đau lòng như vậy", ông Khương nói.
Ông Khương cho biết, đơn vị đã họp kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân.
"Anh em đã làm quyết liệt nhưng ý thức của DN, người dân cũng có vấn đề. Tuy vậy, chúng tôi cũng thấy rõ trách nhiệm của mình là chưa đạt yêu cầu, không tương xứng với kỳ vọng của nhân dân".
Ông Khương cũng thông tin, năm nay đơn vị đã cấp 2.441 giấy chứng nhận về an ninh trật tự với các cơ sở kinh doanh có điều kiện. Kiểm tra 2.702 cơ sở thì phát hiện hơn 1.000 cơ sở có vi phạm, thu hồi 31 giấy phép.
Nghe phần trả lời của Giám đốc Công an, ĐB Nguyễn Hoài Nam tiếp tục có ý kiến: "Tôi thì chưa thấy thỏa mãn. Kinh doanh kiểm tra thì không thể lén lút được, công an phường, quận kiểm tra không cho hoạt động thì quán không thể hoạt động được.
Các đồng chí cho rằng chỉ thu 50 giấy chứng nhận thì Công an TP làm chưa hết, đề nghị Giám đốc thể hiện trách nhiệm hơn nữa. Nếu mai đây lại xảy ra cháy, lại ngồi kiểm điểm trách nhiệm".
Chủ tịch HĐND TP đề nghị Giám đốc Công an tiếp thu ý kiến.
Lách luật giỏi
Với phần trả lời về biển quảng cáo của ĐB Trần Thế Cương, Giám đốc Sở VH-TT Tô Văn Động thừa nhận để xảy ra vụ việc là thiếu sót của ngành.
Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội Tô Văn Động |
“Hoạt động karaoke là hoạt động nhạy cảm, luôn bị chủ kinh doanh lợi dụng việc này. Bản thân nó không có lỗi, không có tội tình gì nhưng bị chủ doanh nghiệp lợi dụng, tiềm ẩn ma túy, cháy nổ, mại dâm. Chúng tôi cũng ý thức và lo lắng, nghe cháy rồi bắt chỗ này kia là rất lo”, ông Động nói.
Ông Động cũng cho rằng, chủ cơ sở kinh doanh lợi dụng hoạt động này để kiểm lời nên bất chấp pháp luật và lách luật rất giỏi, các chủ DN chỉ đầu tư ít nhưng muốn lợi nhuận nhiều nên nguy cơ cháy rất nhiều.
Chưa kể, có tình trạng dư luận cho rằng đâu đó có cán bộ nhà nước tiếp tay nên được hướng dẫn thực hiện quy định rất khéo léo, đánh đố cơ quan kiểm tra. Thậm chí, các lần kiểm tra thì chủ cơ sở đều biết trước thông tin nên khi đoàn đến thấy rất sạch sẽ.
“Về giải pháp, lĩnh vực quảng cáo, hoạt động quảng cáo liên quan nhiều sở ngành, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Biển của quán karaoke là biển hiệu chứ không phải biển quảng cáo. Chủ tịch TP cũng đã phân cấp cho cấp huyện, ngành; Sở cũng đã hướng dẫn nghiêm túc”, ông Động nói.
Trưởng Ban Pháp chế Hoài Nam tiếp tục hỏi lại: “Tôi chưa thấy trả lời được là trách nhiệm của Sở VH-TT trong việc xử lý kỷ luật sau việc này. Vừa qua Sở đã bao nhiêu lần chuyển hồ sơ vi phạm cho Công an về cấp giấy để thấy trách nhiệm phối hợp trong việc xử lý này?”.
Giám đốc Tô Văn Động cho hay đã báo cáo Thường trực Thành ủy. Nhiều năm trước, ngành đã thành lập đội thanh tra liên ngành và có xử lý, kiến nghị đình chỉ bao nhiêu cơ sở.
Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội Hoàng Quốc Định |
Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội Hoàng Quốc Định cho hay sau vụ hỏa hoạn gây hậu quả nghiêm trọng, phía cảnh sát PCCC cũng ý thức được trách nhiệm của mình và rút kinh nghiệm toàn lực lượng. Đơn vị cũng tính đến luân chuyển địa bàn để đảm bảo khách quan và trách nhiệm cao nhất.
"Năm 2016 mặc dù có nhiều cố gắng, làm nhiều việc, chúng tôi tự rút các danh hiệu thi đua, bằng khen mà đáng ra có thể đề xuất của cá nhân, tập thể”, ông Định nói.
Hồng Nhì - Ảnh: Phạm Hải