Vũ Nguyệt Minh (28 tuổi, trú tại TP.HCM) than thở theo tính toán, chu kỳ kinh nguyệt sẽ đến đùng vào kỳ nghỉ Tết. Chị được nhiều người mách uống thuốc tránh thai khẩn cấp để làm chậm ngày "đèn đỏ". Làm theo phương pháp này, chị bị chóng mặt, đau đầu nên rất lo lắng. Không chỉ tác động tới cuộc sống sinh hoạt, nhiều chị em sợ kỳ "đèn đỏ" vào dịp Tết vì lo lắng ảnh hưởng đến sự bình an, may mắn của gia đình.
Theo bác sĩ Phan Chí Thành, Chánh văn phòng Trung tâm đào tạo và Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội), việc dời ngày “đèn đỏ” cần tham khảo bác sĩ chuyên khoa sản. Nếu chị em tự uống thuốc tránh thai khẩn cấp hay các loại thuốc như trên mạng hướng dẫn để dời ngày có thể gây rối loạn kinh nguyệt cho chu kỳ tới.
Cùng quan điểm, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Trung, giảng viên bộ môn Sản, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết việc kiêng kỵ đầu năm vì có kinh nguyệt là vô lý.
Bác sĩ Trung cho biết về mặt y khoa kinh nguyệt là sinh lý bình thường. Người không có kinh nguyệt là bệnh lý bất thường. Vì vậy, ngày Tết, bạn có kinh nguyệt không phải là điềm xấu hay xui xẻo.
Tuy vậy, việc có kinh nguyệt vào ngày thời điểm này cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống sinh hoạt. Nhiều chị em bị đau lưng, đau bụng, triệu chứng khó chịu nên đi lại, chúc Tết không thoải mái, thiếu tự tin, mệt mỏi.
Theo bác sĩ Trung, chị em muốn dời ngày kinh có thể xin bác sĩ tư vấn biện pháp. Thông thường, bác sĩ tư vấn sử dụng thuốc tránh thai dạng vỉ 28 ngày. Nếu chu kỳ kinh nguyệt của bạn rơi vào trúng mùng 1 đến mùng 3 Tết phải uống từ chu kỳ trước đó, uống 21 ngày. Sau đó, tiếp tục uống thêm vài ngày nữa để làm chậm ngày kinh nguyệt. Nếu muốn có kinh nguyệt trở lại, bạn sẽ ngừng uống thuốc tránh thai.
Nếu bạn không thấy khó chịu, mệt mỏi khi tới chu kỳ kinh nguyệt thì không cần dời ngày. Bác sĩ Thành lưu ý ngày “đèn đỏ” chị em nên tắm rửa vệ sinh sạch sẽ, tránh xối nước mạnh hay xịt nước quá sâu. Đồng thời, duy trì chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý, vận động nhẹ nhàng, không nên tập luyện mạnh.