Kính thưa quý vị và các bạn!

Vụ việc một thầy giáo dậy tiểu học ở Bắc Giang bị phụ huynh học sinh tố cáo có hành vi sờ soạng cơ thể của hơn  chục học sinh  nhưng sau khi Công an huyện và các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, công bố kết luận rằng  thầy giáo này mới chỉ “véo mũi, véo tai, sờ đùi, sờ mông” chứ không phải “dâm ô”, đang khiến dư luận hết sức băn khoăn

Thực tế, đây không phải là vụ việc đơn lẻ khi thời gian qua đã có hàng loạt những bê bối liên quan đến vấn đề này. Và câu hỏi đặt ra là phải chăng đã đến lúc thay đổi quy định pháp luật liên quan cũng như nhận thức của xã hội về vấn đề này.

Góc nhìn thẳng có cuộc trao đổi với nghệ sĩ Dương Minh Ánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội, Ủy viên Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về vấn đề này.

Mời quý vị và các bạn theo dõi video cuộc trao đổi với nghệ sĩ Dương Minh Ánh dưới đây:


MC Như Quỳnh:  Thưa bà, bà nhìn nhận thế nào về vụ việc xảy ra mới đây tại Bắc Giang?

Bà Dương Minh Ánh: Về quan điểm cá nhân, tôi không đồng tình với hành vi của thầy giáo Minh ở trường tiểu học Tiên Sơn, tỉnh Bắc Giang vì với tư cách là nhà giáo, trong vai trò của  mình, thầy Minh phải định hướng giáo dục cho học sinh về đạo đức mà  thầy lại có hành vi như vậy. Báo cáo sơ bộ của công an tỉnh Bắc Giang về nội dung này là không phải tội, nhưng về mặt đạo đức, trong ngành giáo dục thì không nên có người thầy như thế này.

MC Như Quỳnh: Theo cá nhân bà, đây có phải là hành vi dâm ô?

Bà Dương Minh Ánh: Thực ra, hành vi dâm phải nhìn ở nhiều góc độ khác nhau. Đứng ở góc độ trong xã hội đánh giá về hành vi đó, tôi cho rằng có dấu hiệu dâm ô. Nhưng qua báo cáo của công an tỉnh Bắc Giang, cho rằng đây không phải là hành vi dâm ô căn cứ vào pháp luật, vì theo quy định cụ thể thì người xâm hại phải sờ vào bộ phận sinh dục của người bị hại.

Theo quy định, có thể nói không phải là hành vi dâm ô. Nhưng quan điểm của cá nhân tôi thì có dấu hiệu dâm ô. Tuy nhiên, cần có nhiều góc nhìn nhiều chiều chúng ta phải làm rõ. Bản thân lực lượng công an cũng phải điều tra thêm về nội dung này, bởi vì biểu hiện dâm ô rất khó, đặc biệt là khi quy tội cho một người về hành vi này. Rất khó để có bằng chứng cụ thể. Tôi cho rằng đây là kẽ hở của pháp luật mà hiện nay, pháp luật của chúng ta vẫn chưa đi sâu vào vấn đề này.

MC Như Quỳnh: Kết luận của cơ quan chức năng là: thầy giáo “không dâm ô” các nữ sinh mà mới chỉ có hành vi xâm hại cơ thể khi “véo mũi, véo tai, sờ đùi, sờ mông” đang vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng. Điều này cho thấy giữa phải chăng quy định của pháp luật với thực tế và nhận thức của mọi người về “hành vi dâm ô” đang có sự khác biệt rất lớn?

Bà Dương Minh Ánh: Điểm này là đúng, vì trong quy định của luật chưa quy định cụ thể. Ở các nước trên thế giới, đối với người lớn, những hành vi như  nhắn tin cũng có thể coi là quấy rối tình dục. Đối với trẻ em, có quá nhiều kẽ hở và không thể quy định hết mọi tội dâm ô. Nhưng rõ ràng, nếu chúng ta có con em rơi vào tình trạng như vậy, và kể cả xã hội khi nhìn thấy điều này cũng sẽ bất bình, vì một thầy giáo lại có hành không đúng về đạo đức của người thầy đã là không thể chấp nhận được. Tôi nghĩ sắp tới đây cần có ý kiến về sửa đổi luật, điều chỉnh nội dung này để đảm bảo quyền lợi cho trẻ em. 

{keywords}
Nghệ sĩ, Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh: "Các thầy cô đều học qua sư phạm, mà không biết được ngưỡng nào thì thật là buồn cười"

MC Như Quỳnh:  Vậy theo bà, đối với hành vi mà tuy chưa phạm luật nhưng vượt quá ranh giới đạo đức thì nên được ứng xử như thế nào, từ cả góc độ của cơ quan chức năng cũng như cộng đồng?

Bà Dương Minh Ánh: Thứ nhất, từ quan điểm của cá nhân tôi, đối với ngành giáo dục, không nên có những con người như thế này, làm ảnh hưởng đến ngành. Về đạo đức của một con người, đối với thầy giáo ở trưởng tiểu học Tiên Sơn, đối diện với dư luận chắc chắn sẽ có nhiều áp lực. Tôi cho rằng đây cũng là điều mà thầy giáo cần soi lại mình. Đương nhiên, xã hội cần lên tiếng và phát hiện nhiều hơn nữa những trường hợp này để loại bỏ ra khỏi ngành. Ngành giáo dục, từ các sở các ngành, các trường… cũng cần phải giáo dục, tuyên truyền đối với cán bộ giáo viên và phải đưa vào trong quy định của nhà trường và quy định của ngành về những nội dung này rõ hơn nữa.

MC Như Quỳnh:  Thực tế cho thấy, trong cuộc sống hiện nay có rất nhiều tình huống mà ranh giới “dâm ô  hay không dâm ô” ngày càng mong manh, không chỉ trong quan hệ thầy trò...Theo bà, vui đùa, thể hiện tình cảm như thế nào thì chấp nhận được, còn thế nào là lợi dụng?

Bà Dương Minh Ánh: Điều này rất khó vì khi thể hiện qua giao tiếp, những biểu cảm, tình cảm giữa thầy và trò…  đặc biệt là hai người thuộc hai giới tính khác nhau, thì rất là khó nói. Đến đâu, tự cả hai phải biết. Chẳng lẽ một người thầy, người cô lại không biết được thế nào là vượt quá giới hạn? Tôi cho rằng người thầy, người cô đấy cũng không nên đi dạy vì điều này còn liên quan đến tâm lý học sinh. Các thầy cô đều học qua sư phạm, mà không biết được ngưỡng nào thì thật là buồn cười. 

{keywords}
"Cần xem xét lại các quy định của luật về hành vi dâm ô, bảo vệ đối tượng yếu thế như trẻ em, phụ nữ" - nghệ sĩ Dương Minh Ánh nhìn nhận. 

MC Như Quỳnh: Là một nghệ sỹ lại trong môi trường sư phạm, bà cũng như các đồng nghiệp, học sinh của mình có từng gặp phải những tình huống tương tự? Bà đã làm gì khi gặp những việc như thế?

Bà Dương Minh Ánh: Trong quá trình công tác nhiều năm, tôi cũng chưa gặp qua trường hợp này ở xung quanh tôi cũng như là tại trường tôi cũng chưa bao giờ nghe thấy phản ánh của học sinh về trường hợp như thế này. Tuy nhiên, nếu hỏi ứng xử thế nào, việc đầu tiên, cũng như các nơi khác là mời các cơ quan chức năng vào cuộc làm cho rõ. Khi đã rõ, tùy theo mức độ sẽ có xử lý.

MC Như Quỳnh: Xin bà nói rõ hơn, với người bị hại thì bà có cách ứng xử thế nào?

Bà Dương Minh Ánh: Thứ nhất, tôi sẽ phải gặp gia đình của cháu và bản thân cháu học sinh để biết được tình trạng của cháu thế nào. Nếu ở mức độ chưa ảnh hưởng quá nhiều đến tâm sinh lý thì chúng tôi có hình thức động viên để cháu hòa nhập với môi trường học tập . Điều quan trọng, tôi nghĩ phải giữ cho người bị hại để không ảnh hưởng quá lớn đến tâm sinh lý của cháu. Còn với cá nhân người gây hại, việc đầu tiên là đình chỉ, không giảng dạy để cơ quan điều tra vào làm việc, và cũng để tránh việc có quan hệ giao tiếp hay những việc có thể tiếp diễn.

MC Như Quỳnh: Rõ ràng vụ việc Bắc Giang lần này không phải là trường hợp đơn lẻ. Thời gian qua đã có rất nhiều vụ việc xâm hại, bạo hành trẻ em trong môi trường giáo dục lẫn trong đời sống. Và chắc hẳn còn nhiều vụ việc chưa được phát hiện và đưa ra ánh sáng. Theo bà, những biện pháp nào cần áp dụng để hạn chế tình trạng này?

Bà Dương Minh Ánh: Theo tôi, việc đầu tiên cần xem xét lại các quy định của luật về hành vi dâm ô, bảo vệ đối tượng yếu thế như trẻ em, phụ nữ. Thứ hai, người lớn chúng ta phải có trách nhiệm lên tiếng khi phát hiện ra trường hợp như thế này. Thứ ba, giáo dục trong nhà trường, từ giáo viên đến học sinh để biết được đến đâu là xâm hại. Học sinh và thầy, cô giáo cần biết ngưỡng để ứng xử. Học sinh cũng phải biết quyền của các em, việc như thế này sẽ phải xử lý như thế nào. Nhà trường cần có kỹ năng mềm về nội dung này đưa vào chương trình học. Trong cuộc sống, gia đình cũng phải tham gia vào vấn đề này. Bên cạnh đó, các tổ chức của phụ nữ, đoàn thanh niên, các đoàn thể cũng phải tuyên truyền để mọi người hiểu được những hành vi như thế này để kịp thời ngăn chặn.

MC Như Quỳnh: Xin cảm ơn những chia sẻ thẳng thắn của bà. Hy vọng qua chương trình Góc nhìn thẳng hôm nay, quý vị đã có cái nhìn rõ ràng hơn về vấn đề đang được dư luận quan tâm. Chương trình của chúng tôi xin được kết thúc tại đây. Xin kính chào và hẹn gặp lại!

Góc nhìn thẳng (thực hiện)