Hồng nhan thấm thoắt xuân qua
Hoa tàn người vắng ai mà biết ai
Tác gia Tào Tuyết Cần giá có để tiểu thư Lâm Đại Ngọc sống dậy giữa mùa xuân, ắt hẳn nàng sẽ chết thêm một lần nữa khi nhìn thấy hoa ngày Quốc tế Phụ nữ mùng 8/3 chưa kịp trở về trong giấc mộng Hồng Lâu, đã chết ràn rạt, đã bị quăng quật vô tội vạ trên vỉa hè, dưới lòng đường các thành phố của chúng ta mà chẳng tấc lòng thương hoa tiếc ngọc nào chôn cho kịp.
Đủ các loại hoa, từ loại thường thường như hoa hồng, hoa ly, hoa cúc chen những nhánh baby, cho đến cả những loại khá đắt tiền như hoa lan vũ nữ, hồ điệp, hoàng thảo…trong những kiểu bó kết tròn, kết trái tim, hay cắm thành giỏ…gói đủ các loại giấy trang kim, giấy báo phong cách vintage, nơ xanh nơ hồng yểu điệu…nằm lăn lóc hè đường góc phố, chất hành đống nếu xe rác đã hết chỗ.
“Đã có hàng tấn hoa hồng đổ ra đường, đắp thành “núi” để chờ xe rác đến chở đi tại chợ Hồ Thị Kỷ, quận 10, TP HCM”, như báo Người Lao Động phản ánh.
Hoa sau mùng 8 tháng 3. Ảnh: Tô Chiêm |
Hãy khoan nói đến công sức một nắng hai sương của người làm vườn trồng hoa, nuôi dưỡng cái đẹp cho đời, chăm bẵm chúng từ khi đánh luống, vào phân, từ khi hạt nảy mầm cho đến khi cây ra những bông hàm tiếu, mãn khai rực rỡ.
Khoan nói đến những người kinh doanh phân phối, thức khuya dậy sớm, lựa từng bông, nâng niu từng cánh, chuyển hoa đến các ki -ốt trong ngày lễ.
Tất cả mọi người không bao giờ nghĩ rằng một người vợ có thể ném hoa của người chồng, một cô gái có thể ném hoa của người yêu, một người mẹ có thể ném hoa của những đứa con hiếu đễ thương tặng, kể cả khi chúng đã lụi tàn một cách phũ phàng vô ý thức đến vậy.
Tôi biết một kẻ yêu đơn phương, khi cô gái không nhận bó hoa của mình, đã tặng nó cho một cô gái lạ qua đường. Tôi cũng từng biết có những người giữ một bó hoa được tặng mãi, dù nó đã khô quắt đã lâu.
Vậy có điều gì đã xảy ra ở đây? Vì sao họ vứt hoa đi? Và ai có thể đã là người ném hoa ra ngoài đường, như ném một món đồ nát vô giá trị? Đầu tiên, thật đáng tiếc, đó là những bó hoa ế.
Thị trường dù bán buôn sản phẩm đẹp đẽ, biểu đạt tình cảm tinh thần là những bó hoa tươi thắm cũng có quy luật phũ phàng của nó. Ai cũng nghĩ rằng nhu cầu tặng hoa trong ngày vui của chị em phụ nữ, vốn luôn xinh tươi hơn hoa của chúng ta là rất lớn, là vô tận.
Người người tặng hoa, nhà nhà tặng hoa, mà nước Việt không rõ tự bao giờ dân chúng luôn có xu hướng chạy theo hành vi đám đông, cuốn theo phong trào. Và cứ thế, hoa bạt ngàn đổ về các thành phố.
Giờ đây cung đã quá vượt cầu, mà sản phẩm hoa vốn chỉ có giá trị tượng trưng tình cảm, chứa đựng thông điệp nhất thời, còn tự thân những cánh hoa là thứ đồ mau hỏng.
Những giá trị tinh thần thừa mứa không có cơ hội chuyển tải lúc này trở thành vô giá trị, thành những đống rác khổng lồ, bị đổ đi một cách không thương tiếc. Một kẻ có thể vứt hoa khác, ít thôi, dĩ nhiên đó phải là những người được tặng, và trong ngày 8/3 ắt hẳn sẽ là các phụ nữ. Những ngày khác mong mãi chẳng thấy hoa đâu.
Nay hoa đột ngột ngập phòng trong một ngày không tưởng. Hoa của đoàn thể, của công đoàn, của các tổ chức hội nhóm hay các mối quan hệ làm ăn xã hội…
Các bó hoa cứ thế ào đến trào dâng trong các mối quan hệ hình thức như một nghi lễ cần phải có. Những người đẹp nhận hoa bội thực đành âm thầm cho bớt hoặc loại bỏ, tất nhiên là sau khi e lệ hoặc hoan hỉ nhận nó cùng những lời chúc tụng.
Điều này cũng bình thường, bởi cuộc sống hiện đại năng động bây giờ chi phối, đòi hỏi những hành vi thực chất, mà họ thì không phải là tiểu thư Lâm Đại Ngọc trong Hồng Lâu mộng để phí thì giờ mang hoa xác đi chôn.
Chôn hoa người bảo ngẩn ngơ
Sau này ta chết ai là người chôn.
Nhìn những xác hoa nẫu tàn tràn ngập trên đường phố, tràn ngập hình ảnh trên mạng xã hội một cách vô ý thức, không biết người tặng hoa nghĩ gì, người nhận hoa nghĩ gì?
ATM quận 6: “Cây” hành chính văn minh
Tại UBND quận 6, TPHCM, mới hôm qua 8/3/2021 đã xuất hiện một cây “ATM” mới toanh, có điều nó không nhả ra tiền mà nhả ra các loại hồ sơ hành chính, liên tục phục vụ 24/7.
Trung Sỹ