Các chuyên gia dự đoán tốc độ M&A này còn tiếp tục khi dịch bệnh thúc đẩy chuyển dịch sang hoạt động ảo nhiều hơn. Dealogic cho biết các thương vụ M&A của khu vực đạt tổng cộng 136,2 tỷ USD trong năm 2020, cao gấp đôi so với năm 2019. Trong đó, thương vụ công nghệ chiếm 28% tổng giao dịch M&A, tương đương 482,4 tỷ USD, tỉ lệ cao nhất trong ít nhất 10 năm trở lại đây.
Ông Jung Min, Đồng Giám đốc M&A, Công nghệ, Truyền thông và Viễn thông của ngân hàng Goldman Sachs châu Á, nhận định sự bùng nổ là kết quả của việc công nghệ thay đổi cách vận hành nền kinh tế. Với một người tiêu dùng, nó ảnh hưởng đến cách họ mua sắm, ăn uống, thanh toán, giải trí, di chuyển. Với một doanh nghiệp, nó ảnh hưởng đến tuyển dụng, quản lý chuỗi cung ứng, sản xuất và bán hàng.
Các doanh nghiệp muốn bảo đảm có đủ nguồn lực để chiến thắng trong môi trường này, M&A là một lựa chọn. Theo khảo sát của hãng luật Baker McKenzie, lãnh đạo các công ty cũng tỏ ra lạc quan. 3/4 trong số 800 quan chức cao cấp tại châu Á Thái Bình Dương được hỏi dự đoán những thương vụ công nghệ sẽ tăng rõ rệt trong 12 tháng tới. Báo cáo chỉ ra các công ty tăng trưởng nhanh sẽ thâu tóm doanh nghiệp đối thủ và nền tảng bổ sung, tiến vào thị trường mới.
Hồi tháng 4, Grab - dịch vụ gọi xe và giao đồ ăn lớn nhất Đông Nam Á – thông báo sáp nhập với một công ty SPAC tại Mỹ để chuẩn bị IPO. Đối thủ của Grab là Gojek cũng tuyên bố hợp nhất với sàn thương mại điện tử Tokopedia để tạo ra một hãng công nghệ tỷ đô tại Indonesia.
Du Lam (Theo Reuters)
Sáp nhập Gojek và Tokopedia: Kỷ nguyên mới của cạnh tranh kinh tế số
Hai kỳ lân công nghệ Indonesia là Gojek và Tokopedia sẽ sáp nhập thành công ty mới mang tên GoTo. GoTo được kỳ vọng sẽ hâm nóng cuộc đua gọi xe, thương mại điện tử và fintech của Đông Nam Á.